Banner trang chủ

Nâng cao ý thức vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế

04/12/2018

     Môi trường bệnh viện (không khí, đất, nước và nhân tố trung gian truyền bệnh) có ảnh hưởng lớn đến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Sự tương tác giữa vật chủ (bệnh nhân, nhân viên y tế...), vi sinh vật và môi trường bệnh viện có ý nghĩa quyết định đến tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Do đó, việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong các bệnh viện có vai trò rất quan trọng nhằm giảm tình trạng nhiễm khuẩn và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.

     Nhiễm khuẩn bệnh viện là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh điều trị tại bệnh viện và thường xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%. Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm năm 2005 cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện trong 19 bệnh viện toàn quốc là 5.7% và viêm phổi bệnh viện là nguyên nhân thường gặp nhất (55.4%). Để ngăn ngừa việc lây lan nhiễm khuẩn bệnh viện tại các cơ sở y tế là cô lập nguồn gây bệnh và xóa bỏ các đường phát tán bệnh. Việc cô lập nguồn bệnh không chỉ là tách riêng những bệnh nhân nhiễm bệnh, mà còn gồm các kỹ thuật khử trùng. Mọi vật tiếp xúc với bệnh nhân nên được xem là tiềm ẩn khả năng lây bệnh, cần được loại bỏ (nếu là loại dùng một lần) hoặc làm sạch, khử trùng hoặc vô trùng (nếu là loại có thể tái sử dụng), trong đó quản lý tốt chất thải y tế cũng là cách không để mầm bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.

     Trong những năm qua, ngành Y tế đã xây dựng và ban hành các văn bản quy định liên quan đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường trong cơ sở y tế như: Thông tư số 16/2018/TT-BYT ngày 20/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 15/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch triển khai cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp,…; Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng luôn nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ và điều trị cho người bệnh. Để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế, ngành Y tế cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp các kiến thức về vệ sinh môi trường cho nhân viên vệ sinh. Theo đó, các học viên được trang bị các kiến thức về nguyên tắc, kỹ thuật vệ sinh môi trường bề mặt bệnh viện, hướng dẫn vệ sinh bề mặt thông thường và khi có dịch cơ thể; hướng dẫn cách sử dụng hóa chất làm sạch, khử khuẩn; cách vệ sinh các khoa phòng đặc biệt; cách phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế.

 

Nhân viên y tế thực hành kỹ năng vệ sinh bệnh viện

 

     Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đã hợp đồng với các doanh nghiệp làm dịch vụ dọn dẹp, vệ sinh buồng bệnh, khuôn viên và thu gom rác thải, các cơ sở y tế khác cũng đã phân công cụ thể cho cán bộ, nhân viên y tế trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh quy trình kiểm soát vệ sinh như: Quy trình khử khuẩn, tiệt khuẩn đồ vải và các dụng cụ y tế; quy trình thu gom, phân loại, quản lý và xử lý chất thải y tế... Các cơ sở y tế đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và thực hiện quan môi trường theo quy định. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng đã quan tâm đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho công tác chống nhiễm khuẩn, từ đó, giảm tối đa sự lây nhiễm chéo giữa người bệnh với người bệnh, giữa người bệnh với nhân viên y tế.

     Bên cạnh đó, ngành Y tế còn triển khai xây dựng cơ sở y tế "xanh - sạch - đẹp" nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường; các bệnh viện, cơ sở y tế đã chủ động đầu tư đầu tư xây dựng khuôn viên thoáng mát với cây xanh; không để tình trạng vứt rác bừa bãi, không có mùi hôi trong khu vực nhà vệ sinh; các khoa, phòng, buồng bệnh, hành lang sạch sẽ; bố trí ghế ngồi, quạt mát cho bệnh nhân ở khu vực chờ khám; có thùng đựng rác đặt tại các điểm công cộng; chất thải được xử lý theo quy định... Nhờ đó, cảnh quan môi trường của các cơ sở y tế có sự thay đổi tích cực; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi đó chưa đồng đều trong toàn bộ hệ thống, tại một số bệnh viện, cơ sở y tế vẫn còn có không ít người thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng như tình trạng hút thuốc lá và vứt rác bừa bãi, nhà vệ sinh bệnh viện thiếu nước, thiếu xà phòng rửa tay, thiếu giấy vệ sinh và còn mùi hôi.... Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bệnh viện, cơ sở y tế với cộng đồng dân cư xung quanh trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cơ sở y tế chưa cao nên vẫn còn tình trạng xả rác thải, tập kết rác thải cạnh khuôn viên cơ sở y tế, nhất là tại các thành phố, khu đô thị đông dân cư.

     Để giữ gìn vệ sinh môi trường trong cơ sở y tế ngày càng xanh-sạch-đẹp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng, làm giảm tình trạng nhiễm khuẩn và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế, rất cần sự hợp tác tích cực giữa cán bộ nhân viên y tế với người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng dân cư xung quanh cơ sở y tế trong thời gian tới.

 

Mạnh Hùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                 

 

Ý kiến của bạn