Banner trang chủ

Làng trồng mai truyền thống Nhơn An trước nỗi lo ô nhiễm môi trường

07/12/2018

     Ngày nay, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định được nhiều người biết đến như là “Thủ phủ mai vàng Việt Nam”. Trong đó, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) có khoảng 2.800 hộ trồng mai vàng Tết thương phẩm, cung ứng thị trường cả nước. Năm 2009, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận địa phương này đạt chuẩn làng nghề trồng mai truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất trừ sâu, rầy, kích thích ra hoa… đã làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

     Cây mai ở xã Nhơn An được nhiều thương buôn cả nước biết đến và ưa chuộng, nhiều gia đình ở Nhơn An đã biết làm giàu với việc phát triển cây mai. Chính vì vậy, diện tích trồng mai ở xã Nhơn An cũng như một số xã lân cận của thị xã An Nhơn phát triển nhanh. Hiện nay, xã Nhơn An có 6 làng nghề trồng mai, trong đó nhiều nhất là làng Háo Đức. Nhờ cây mai, bộ mặt nông thôn ở Nhơn An đã thay đổi diệu kỳ và đã biến hàng trăm hộ nông dân Nhơn An thành triệu phú. Tuy nhiên, để đảm bảo cây phát triển tốt, hàng trăm tấn thuốc BVTV các loại, cùng các chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc hóa học đã được sử dụng. Chu kỳ phun thuốc thường từ 20 - 30 ngày/1năm; nhưng từ tháng 10 âm trở đi, gần như chủ vườn nào cũng tăng cường phun các loại thuốc phòng sâu bệnh, nấm mốc. Nếu tính bình quân mỗi hộ dân xã Nhơn An trồng 500 cây mai, với 2.800 hộ trồng thì tại “thủ phủ mai” Nhơn An có đến hơn 1 triệu chậu mai. Định kỳ từ 7- 10 ngày phun thuốc trừ sâu 1 lần, cứ 100 chậu phun 4 bình thuốc; nay vườn nhà này, mai vườn nhà kia phun, cứ thế xoay vòng thì bầu không khí ở xã Nhơn An không lúc nào là không có mùi thuốc trừ sâu. Đặc biệt, muốn cây ra hoa vào dịp tết đúng hẹn, người trồng phải chăm sóc bộ lá thật tốt. Nếu lá mai bị sâu tấn công hoặc thân cây bị bệnh thán thư hoặc nấm hồng mà không điều trị kịp thời thì sẽ bị mất thu nhập nên nhu cầu phun thuốc trừ sâu ngày càng cao.

 

Người dân phun thuốc trừ sâu cho mai

 

     Ngoài ra, do thiếu hiểu biết, những người trồng mai còn sử dụng thuốc BVTV tùy tiện. Trong khi phun thuốc nhiều người không bịt khẩu trang, mặt đồ bảo hộ để hạn chế việc ngộ độc. Nhiều lúc sử dụng liều lượng thuốc khá cao. Ô nhiễm hóa chất ở Nhơn An không chỉ từ việc phun thuốc mà còn đến từ việc bảo quản, bao bì đựng thuốc sau khi sử dụng xong được hủy không đúng cách, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Bởi theo những người trồng mai, mai trồng sau một năm là phải thay đất, số đất bị nhiễm các hóa chất lại không thể đem bỏ đi đâu mà chỉ đổ xuống tại chỗ. Lượng hóa chất còn tồn lưu trong đất trồng mai khi gặp mưa sẽ thấm sâu xuống đất. Vì thế, đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các hộ dân do mùi hôi và những độc hại từ thuốc trừ sâu gây nên. Theo báo cáo của trạm Y tế xã Nhơn An, trong những năm gần đây, số người dân trong xã mắc các bệnh về máu, phổi, gan và ung thư tăng cao. Năm 2017, có 8 người chết vì ung thư, còn 8 tháng đầu năm 2018 có 5 người…

     Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT Bình Định đã khuyến khích và vận động người dân phun thuốc từ sâu sinh học để BVMT, nhưng thực tế, người trồng mai ở đây không mặn mà với thuốc trừ sâu sinh học, do thuốc này không diệt được bọ trĩ tức thì, bệnh thán thư và nấm hồng cũng “vô nhiễm” đối với thuốc trừ sâu sinh học. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, Sở NN&PTNT đã lập Đề án chuyển toàn bộ số lượng cây mai từ trong các vườn nhà ra ruộng, thực hiện điển hình tại xã Nhơn An để trong quá trình chăm sóc mai, hạn chế nạn thuốc trừ sâu bệnh làm ảnh hưởng đến người dân. Hiện nay, xã đã quy hoạch 40 ha ruộng đang sản xuất lúa để thực hiện Đề án. Nếu người trồng mai có diện tích đất ruộng nằm trong vùng quy hoạch thì dùng ruộng của mình để đặt chậu mai, những người trồng không có đất ruộng nằm trong vùng quy hoạch thì hoán đổi ruộng cho những chủ ruộng nằm trong vùng quy hoạch.

     Đồng thời, Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh phối hợp Trạm trồng trọt và BVTV thị xã An Nhơn đã tổ chức các lớp tập kỹ thuật trước khi vào vụ sản xuất cho các hộ nông dân ở xã Nhơn An. Theo đó, cán bộ kỹ thuật của Chi cục và Trạm trồng trọt và BVTV đã hướng dẫn nông dân một số biện pháp kỹ thuật sử dụng các loại thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, dự báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn cách phòng, trừ một số đối tượng sâu bệnh thường xảy ra trên cây trồng; giải đáp các vấn đề còn vướng mắc và hướng dẫn cách khắc phục các hạn chế gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc BVTV  liên quan đến sản xuất thực tế tại địa phương.

 

Mai Nhơn An ngày càng được nhiều người biết đến

 

     Để giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV trong quá trình trồng mai tại thị xã An Nhơn nói chung và Nhơn An nói riêng, trong thời gian tới cần tiếp tục tổ chức các lớp học, tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng cho cán bộ chuyên môn và nông dân; có chính sách để nông dân được học tập, tiếp cận với kỹ thuật mới, nhằm tiến tới không sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất; quy định chặt chẽ việc đăng ký thuốc BVTV; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV gắn với BVMT. Nhằm hạn chế tình trạng bao bì, vỏ thuốc BVTV thải ra môi trường, cần xây dựng kế hoạch vệ sinh đồng ruộng, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV; phối hợp với đài truyền thanh xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các đợt phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng; xây bể chứa bằng bê tông hoặc sử dụng các bao xác rắn, gắn biển “nơi thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV” đặt ở đầu bờ ruộng, thuận tiện cho việc nông dân bỏ các loại vỏ bao bì thuốc BVTV…

 

Lê Sỹ Cương

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

Ý kiến của bạn