Banner trang chủ

Khu Bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu: Phát triển du lịch sinh thái gắn với công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

10/04/2019

     Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bình Châu - Phước Bửu thuộc huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Nơi đây có tiềm năng du lịch rất lớn với nhiều loại địa hình như đồi, núi, suối, hồ, biển và rừng. Hiện tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đang có chủ trương đầu tư dự án du lịch sinh thái (DLST), nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng đặc dụng Bình Châu - Phước Bửu. Việc phát triển DLST ở Bình Châu - Phước Bửu sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH), khai thác và phát huy tốt nhất các tiềm năng về tài nguyên rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

     Được thành lập từ năm 1978, KBTTN Bình Châu - Phước Bửu (trước đây gọi là “Khu rừng cấm Bình Châu”), có diện tích tự nhiên hơn 10.537 ha, trải dài trên địa phận 5 xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Xuyên Mộc, Phước Bửu của huyện Xuyên Mộc. KBTTN được chia làm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (5.017 ha), phân khu phục hồi sinh thái (5.286 ha) và phân khu dịch vụ hành chính (63 ha). Đây là nơi cư trú của các loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN thế giới; đồng thời, còn có chức năng phòng hộ môi trường vùng ven biển, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phục vụ nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, giáo dục bảo tồn, vui chơi giải trí và tổ chức các hoạt động DLST… KBTTN Bình Châu - Phước Bửu được xếp vào “Kiểu thực vật rừng kín, nửa rụng lá ẩm nhiệt đới”, đa dạng về thành phần thực vật, gồm 750 loài thuộc 123 họ, trong đó có 732 loài đã được định danh, với nhiều loài quý hiếm như: Cẩm lai Bà Rịa, gõ đỏ, gõ mật, giáng hương, bình linh nghệ, dầu cát..., trong đó, loài dầu cát được xem là loài cây đặc hữu của KBTTN.

 

Khu BTTN Bình Châu - Phước Bửu nhìn từ trên cao

 

     Theo kết quả khảo sát, điều tra về tài nguyên động vật rừng tại Bình Châu - Phước Bửu của Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, đã xác định được 205 loài có xương sống thuộc các lớp ếch nhái, bò sát, chim và thú (chiếm khoảng 91% các loài động vật trong toàn tỉnh), một số loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam như khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, gà lôi hông tía, cu li nhỏ, rùa núi vàng... Ở phía Bắc KBTTN là suối nước khoáng nóng Bình Châu với nhiệt độ từ 60 - 80ºC, đã được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận là một trong 65 khu DLST bền vững trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần dây, diện tích rừng đang bị thu hẹp đáng kể về số lượng lẫn chất lượng, tình trạng người dân chặt phá, đốt rừng, lấn chiếm rừng trái phép diễn ra phức tạp, đe dọa đến môi trường sống của các loài động, thực vật hoang dã. Trong vùng lõi của KBTTN, người dân sống bằng nông nghiệp, nhưng lại thiếu đất canh tác, đời sống người dân phần lớn phụ thuộc vào rừng.

     Nhận thấy sự đa dạng và phong phú của các loài động, thực vật là nguồn gen quý phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Điều này càng đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng để tài nguyên rừng không biến mất. Vì thế, thời gian qua, Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Quản lý (BQL) KBTTN Bình Châu - Phước Bửu đã có nhiều nỗ lực như làm hàng rào bảo vệ trên diện tích 7.000 ha tại phân khu đặc dụng; tổ chức giao khoán, trồng mới các loài cây bản địa; nghiên cứu, đánh giá giá trị động, thực vật của rừng Bình Châu - Phước Bửu; di dời các hộ dân lấn chiếm đất rừng… Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH cho cộng đồng dân cư sống ven rừng thông qua nhiều hình thức như: Đăng tải các tin, bài tuyên truyền BVMT, phòng cháy chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng trên Đài Phát thanh của huyện và website của Sở NN&PTNT; phối hợp với UBND các xã có rừng phát tờ rơi và kêu gọi ký cam kết bảo vệ rừng, BVMT, tuyên truyền lưu động đến từng hộ dân sống ven rừng; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng… Ngoài ra, BQL KBTTN cũng thành lập CLB Xanh tại 4 trường THCS ven rừng, nhằm vận động các em học sinh tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, định hướng cho các em sống có trách nhiệm với môi trường.

 

Khách du lịch tham gia trồng cây tại KBTTN Bình Châu - Phước Bửu

 

     Từ năm 2002, KBT đã bắt đầu mở cửa đón khách du lịch với một số sản phẩm, dịch vụ cơ bản như: 4 nhà rông gồm 8 phòng lưu trú; khu cứu hộ động vật hoang dã; phòng sưu tập, định danh và trưng bày tiêu bản gỗ rừng; đường băng rừng… Tuy nhiên, do dịch vụ thiếu thốn, công tác bảo tồn, nhân giống động vật tự nhiên tại KBTTN chưa được chú trọng là nguyên nhân khiến KBTTN không hấp dẫn du khách. Để phát triển DLST KBTTN Bình Châu - Phước Bửu, Sở NN&PTNT, cùng với BQL đã đề ra một số giải pháp như thành lập Trung tâm DLST trực thuộc Ban, đầu tư các hạng mục: Nhà trung tâm giáo dục truyền thông; xây dựng khu lưu trú và căn tin; trang bị phương tiện đưa đón, vận chuyển khách theo tour; phục hồi hồ nước Bàu Nhám bằng cách nạo vét 6 ha lòng hồ với độ sâu 2 m, lót bạt chống thấm trên nền để tích nước; trồng hoa sen, súng, tạo cảnh quan tự nhiên cho hồ và tràm nước để thu hút chim, thú về trú ngụ; trồng hoa muồng hoàng yến, anh đào, giấy quanh Bàu Nhám; xây dựng và phát triển khu nuôi thú hoang dã; 3 chòi canh để khách tham quan, nghiên cứu…

     Hiện nay, có 67 dự án được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu DLST tại KBTTN Bình Châu - Phước Bửu và trong rừng phòng hộ, trong đó có 20 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư; 42 dự án đang chờ văn bản hướng dẫn để triển khai; 5 dự án bị kiến nghị thu hồi. Do đó, để tăng cường công tác bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH của các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTN Bà Rịa - Vũng Tàu có những hướng dẫn cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng có đầu tư dự án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ dựa trên nguyên tắc: Nhà đầu tư phải có Dự án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng và dự án này phải phù hợp với Đề án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí của các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; các dự án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ được thực hiện bằng hình thức thuê môi trường rừng theo quy định pháp luật hiện hành; đồng thời, không được giao đất, cho thuê đất hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các nhà đầu tư khác. Nhà đầu tư khi xây dựng công trình phục vụ DLST, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng cũng phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 15, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Việc xây dựng các nguyên tắc này nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển loại hình DLST, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng với mục đích kết hợp bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH, bảo vệ và phát triển rừng bền vững phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khai thác và phát huy tốt nhất các tiềm năng về tài nguyên rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.

 

Bình Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2019)

Ý kiến của bạn