Banner trang chủ

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang - Lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới

02/11/2018

     Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, nhằm phát huy tối đa vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

     Hưởng ứng phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, HND tỉnh đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lựa chọn một số nội dung trong 49 nội dung của 4/19 tiêu chí để chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện, cụ thể như: Vệ sinh môi trường; dạy nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo; xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa. Đồng thời, phát động phong trào “Nông dân Bắc Giang chung sức xây dựng NTM” gắn với đẩy mạnh 3 phong trào thi đua của Hội là “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân thi đua xây dựng NTM”; “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh”. Bên cạnh đó, xác định muốn xây dựng NTM, người nông dân phải có tư duy mới, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nông dân về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương về xây dựng NTM, thông qua các buổi họp, tọa đàm, hội nghị; trên hệ thống loa truyền thanh thôn, xóm; các hội thi nông dân. Qua đó, giúp cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức rõ về mục đích, yêu cầu, nội dung và cách thức xây dựng NTM; cổ vũ nông dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; chủ động tham gia xây dựng NTM với nhiều việc làm, hành động thiết thực.

 

Người dân xã Hương Lạc (Lạng Giang, Bắc Giang) hiến đất, góp công để mở rộng đường làng, ngõ xóm

 

     Đặc biệt, các cấp Hội đã tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhằm huy động nguồn lực giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, tiêu biểu như: Quỹ hoạt động do Hội vận động đạt trên 20 tỷ đồng; nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đạt hơn 31 tỷ đồng, triển khai 50 dự án phát triển theo nhóm, hộ ngành nghề, giúp 1.000 hộ nông dân có vốn sản xuất; phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp trên 2.000 tỷ đồng cho hơn 100.000 lượt hộ nông dân vay vốn sản xuất. Mặc khác, Hội cũng tích cực vận động nông dân dồn điền đổi thửa, tham gia xây dựng hơn 100 cánh đồng mẫu lớn; duy trì và phát huy hiệu quả hàng trăm mô hình kinh tế tập thể, gần 2.000 mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh giỏi; dạy nghề cho trên 5.000 lượt hội viên, nông dân… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

     Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM” cũng thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Kết quả, hội viên, nông dân toàn tỉnh đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công, hiến tặng trên 400.000 m2 đất làm đường giao thông; làm mới, sửa chữa, nâng cấp hơn 7.000 km đường giao thông nông thôn; cứng hóa, nạo vét, nâng cấp gần 4.000 km kênh mương nội đồng; xây dựng hơn 270 mô hình điển hình về nông dân tham gia BVMT nông thôn, hơn 50 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… Những kết quả này đã góp phần tích cực, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của Bắc Giang lên 68 xã, tính đến cuối năm 2017. Đặc biệt, số xã hoàn thành các tiêu chí ngày càng tăng cao, trong đó có 87 xã đạt tiêu chí về giao thông; 116 xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 158 xã đạt tiêu chí trường học; 69 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất… Hiện Bắc Giang đang đặt ra mục tiêu, đến cuối năm 2018, có thêm 21 xã đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM lên 44%.

     Để tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của HND trong xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thường xuyên đổi mới nội dung, cập nhật thông tin, đa dạng hóa hình thức hoạt động; huy động mọi nguồn lực, giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng từ thoát nghèo chuyển sang no đủ và làm giàu. Cùng với đó, khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp, vận động nông dân tích cực dồn điền, đổi thửa, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có khối lượng, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp cho người nông dân; tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào nông dân thi đua yêu nước, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững.

 

Lê Huyền Trang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn