Banner trang chủ

Hành trình khởi nghiệp từ Cuộc cách mạng một cọng rơm

05/03/2019

     Được truyền cảm hứng từ cuốn sách nổi tiếng thế giới “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, Lê Xuân Hà, quê ở làng Hón Mũ, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, không chỉ tiên phong trong việc tạo ra một không gian sống mới “hoàn toàn thuận theo tự nhiên”, mà còn cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm tận dụng vật liệu từ thiên nhiên, gần gũi với con người. Sau 5 năm theo đuổi đam mê, anh được cộng đồng biết đến với vai trò là người sáng lập Nông trại Hón Mũ; xưởng thủ công handmade Crafts và Cửa hàng tinh dầu.

     Sống có trách nhiệm với thiên nhiên

     Lê Xuân Hà đã thi đậu hai trường đại học Hồng Đức và Hải Quan, từng là Bí thư chi đoàn và liên chi đoàn, nhưng năm 2014, Hà đã quyết định gác lại bút nghiên, trở về quê hương lập nghiệp. Không chấp nhận phương pháp làm nông theo kiểu lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật của người dân địa phương, anh tập trung tìm hiểu kiến thức về cây xanh và thổ nhưỡng, bắt tay vào trồng cây keo tai tượng, tre, vầu, nứa…. phủ xanh toàn bộ 10 ha diện tích đất rừng của gia đình.

 

Nông trại Hón Mũ tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương

 

      Cưới vợ, sinh con, Hà đón mẹ về ở cùng. Nhà neo người, cách xa thị trấn, rừng là thế giới sinh động nhất mà các thành viên trong gia đình anh có thể giao cảm. Hà đã thành lập Nông trại Hón Mũ, với mục đích, mọi người được trải nghiệm sống xanh cùng thiên nhiên. Đây không phải là địa điểm du lịch, nên chủ trại yêu cầu ở khách tham quan 3 điều kiện: Là người đồng cảm với sống xanh kiểu Hón Mũ; hạn chế mang tiền theo người; không mang mỹ phẩm và thực phẩm vào rừng. Nông trại Hón Mũ như “phiên bản thứ hai” của nông trại Fukuaka, do một người nông dân, đồng thời là nhà triết gia nổi tiếng Nhật Bản, tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” xây dựng.

     Chi phí tại Hón Mũ gần như bằng 0, nhưng khách phải tự phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, từ tìm chỗ dựng lều trại, nấu ăn, trồng rau, câu cá... Hầu hết thực phẩm, đồ tiêu dùng đều được sản xuất tại chỗ. Gội đầu bằng bồ kết, tắm nước lá cây cỏ, kem đánh răng chế từ chanh muối với lá trầu không. Số tiền khách mang theo người thường để trước lúc về mua tinh dầu sả, đồ thủ công lưu niệm của nông trại làm quà. Trong quá trình tham quan, sống trải nghiệm, chủ và khách có thể cùng tập thiền, tọa đàm về sức khỏe, cây cối, cách tiết kiệm sinh khối (khối lượng hữu cơ đất tạo ra). Có nhiều người từ thành phố, ban đầu vì tò mò, sau đó thích thú mô hình sống xanh “xã hội mộng tưởng”, luyện kỹ năng tồn tại, đã đến làm nhà và ở lại, người ở lâu nhất tới 2 năm rưỡi. Tại Hón Mũ, có 7 ngôi nhà tranh nhỏ thì 4 ngôi là do khách tự dựng.

     Nông trại của gia đình anh luôn mở lòng đón khách đến tham quan, sẵn sàng nhượng đất làm nhà cho những ai có cùng chí hướng đến đây gây dựng sự nghiệp. Hà đang cố gắng vận động 30 hộ dân trong bản thực hành lối sống có trách nhiệm và bảo vệ rừng, bảo vệ môi sinh. Xa hơn, anh đang tìm giải pháp duy trì nghề thủ công, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nhiều ngày anh lặn lội vào bản lấy hàng đi tiêu thụ, với ý thức tôn vinh sản phẩm nghề thủ công và tìm cách bán hàng, đảm bảo giá trị ngày công cho bà con đồng bào, nhất là thợ lành nghề.

     Xưởng thủ công và sản phẩm ống hút tre thân thiện với môi trường

     Xung quanh Hón Mũ có nhiều bản làng của đồng bào dân tộc Thái, Mường, vì vậy, Hà học hỏi được nhiều kinh nghiệm trồng tre nứa và đan lát đồ thủ công mỹ nghệ. Để tiêu thụ lượng tre nứa quá tuổi trong rừng, Hà thử làm thìa muôi, về sau thấy kích cỡ cây phù hợp để sản xuất các sản phẩm khác, anh quyết định mở xưởng thủ công, sản xuất thêm 10 mặt hàng như bàn ghế mây, xích đu, chõng, thìa, vỏ dao… Các sản phẩm này nhiều lần tham dự Hội chợ của tỉnh, huyện và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng, trong đó, đáng chú ý nhất là sản phẩm ống hút tre.

 


Khi mở rộng sản xuất, Lê Xuân Hà quan tâm đến vấn đề tác động với môi trường rừng và tính bền vững của thiên nhiên

 

     Ý tưởng ống hút tre đến với Hà rất tình cờ. Trong một lần đi giao lưu tại cộng đồng Farm, anh được nghe câu chuyện về tác hại của những chiếc ống hút nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người, trong đầu anh đã thôi thúc suy nghĩ, cần phải làm gì đó để BVMT, bảo vệ sức khỏe người dân. Sẵn nguồn nguyên liệu tre, nứa, anh đã thử nghiệm làm ống hút bằng tre, hiện thực hóa ý tưởng. Tháng 9/2017, Lê Xuân Hà bắt đầu cung cấp ra thị trường những chiếc ống hút tre đầu tiên. Ban đầu, chỉ vài chục ống hút, nhưng 1 - 2 tháng sau, nhu cầu tăng dần lên vài trăm, vài nghìn chiếc. Mỗi ống hút tre phải trải qua 10 công đoạn, trong đó cầu kỳ nhất là khâu đánh bóng hai đầu hút, tận 2 lần cho nhẵn, trước khi đưa vào nồi hơi hấp khử trùng, sấy khô, phân loại rồi đóng gói. Thời kỳ đầu, khách thường xuyên phàn nàn sau vài lần dùng sản phẩm bị mốc, để khắc phục tình trạng này, khi xếp ống vào nồi luộc, Hà cho thêm ít muối trắng, vừa có tác dụng chống mốc, vừa chống mối mọt.

     Hiện tại mỗi tháng xưởng sản xuất từ 50.000 - 100.000 ống, doanh thu khoảng 50 triệu, chủ yếu bán qua mạng xã hội facebook và một số lượng đáng kể xuất ra nước ngoài, thông qua đại lý thu mua. Niềm vui của anh không chỉ ở việc bán được sản phẩm, mà quan trọng hơn cả, với anh, việc cộng động sử dụng ống hút tre nhiều, chứng tỏ họ đã có một nhận thức và quan tâm nhất định đến môi trường. Bởi vậy, trong khi nhu cầu tăng nhanh, nhưng khác với những nhà sản xuất khác, Hà không mở rộng quy mô, phát triển ồ ạt, mà anh nghiên cứu, xem xét nếu mở rộng sản xuất thì có tác động đến môi trường rừng và việc khai thác có đảm bảo tính bền vững với thiên nhiên hay không? Vì vậy, đến tận tháng 9/2018, Lê Xuân Hà mới chính thức mở rộng xưởng sản xuất ống hút tre, tạo công ăn việc làm ổn định cho 11 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu/người/tháng.

     Những việc làm của Hà tuy chỉ mới là bước khởi đầu nhưng rất ý nghĩa, đáng trân trọng, biểu dương. Anh có khát vọng chính đáng và luôn hướng tới kêu gọi thế hệ trẻ cùng chung tay BVMT bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Với quan niệm, “thứ mình muốn là vô tận, dừng càng sớm thì càng thấy thỏa mãn”, Lê Xuân Hà cho biết, sẽ phát triển nông trại Hón Mũ thành một cộng đồng phi lợi nhuận, là nơi để mọi người được trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi về BVMT.

 

Bích Phương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

 

Ý kiến của bạn