Banner trang chủ

Bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trà hoa vàng ở Nghệ An

06/03/2019

     Trà hoa vàng là cây mọc tự nhiên trong rừng ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, được trồng làm cảnh và có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân lên rừng đào gốc, mang thân và lá trà về bán cho thương lái với giá cao nên cây dược liệu quý, hiếm đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

     Từ những năm 60 của thế kỷ XX, lần đầu tiên trà hoa vàng được phát hiện ở Quảng Tây, Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Ở Việt Nam, giống cây quý hiếm này được tìm thấy ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Chẽ (Quảng Ninh), Lâm Đồng, Tuyên Quang và Yên Bái. Tại Nghệ An, năm 2012, trà hoa vàng được huyện Quế Phong phát hiện và công bố những thông tin, giá trị khoa học. Qua kết quả điều tra, khảo sát sơ bộ của Sở KH&CN Nghệ An năm 2016, toàn huyện Quế Phong có hơn 5.000 cây trà hoa vàng, trong đó, cây đang cho thu hoạch là trên 4.500 cây, tập trung chủ yếu ở các xã Mường Nọc, Thông Thụ, Đồng Văn. Trà hoa vàng tại đây sinh trưởng, phát triển tốt (trên 70%). Trung bình cứ 100 cây thì có khoảng 70 cây trưởng thành cho khoảng 1 kg hoa tươi/cây/vụ, khoảng 21 cây trung bình chưa cho ra hoa hoặc cho hoa nhưng dưới 0,2 kg/cây/vụ.

 

Trà hoa vàng được xem như một loại "thần dược" quý hiếm

 

     Theo “Camellia International Journal” - Tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8%; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu. Loại trà này còn có khả năng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hoà huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu… Ngoài ra, khi bị các vết thương lở loét, người dân địa phương còn lấy hoa và lá của trà hoa vàng giã nhỏ đắp lên vết thương, mỗi ngày thay 2 - 3 lần, sau 2 - 3 ngày, vết thương sẽ khô và liền da… Giá trị dễ nhận thấy nhất của các loài thuộc chi Camellia là làm cây cảnh. Màu vàng của trà hoa vàng rất đặc trưng, khó có thể tạo được bằng phương pháp lai tạo nên càng thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà lai tạo giống trà trên thế giới.

     Trà hoa vàng thuộc chi Trà (Camellia), họ Trà (Theaceae), có nguồn gốc ở khu vực miền Đông và miền Nam châu Á, từ dãy Himalaya về phía Đông tới Nhật Bản và Inđônêxia với khoảng 100 - 250 loài đã được thống kê. Đây là loài thân gỗ nhỏ, cao khoảng 2 - 5 m, cành thưa, vỏ cây màu vàng xám nhạt, ưa khí hậu nóng ẩm, thường mọc ở nơi đất tơi xốp bên bờ suối có bóng râm, thoát nước tốt. Trà có lá đơn mọc cách, dài hẹp hình tròn. Hàng năm, cứ đến tháng 4, tháng 5 đâm lộc, ra lá mới, sau 2 - 3 năm lá già rụng. Mùa ra hoa của chúng kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 Âm lịch năm sau. Hoa trà có màu vàng, đỏ và trẳng (chủ yếu là màu vàng ánh kim), với đường kính từ 5 - 6 cm, dạng cốc hoặc bát. Sau khi thu hái được trà hoa vàng, người dân cho vào ống tre nứa, dùng lá cây nút lại để đảm bảo bông hoa luôn tươi ngon. Do người dân địa phương không có dụng cụ và công nghệ để chế biến nên thường bán nguyên liệu tươi cho thương lái. Giá thu mua trà tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm. Loại 1 có giá từ 3 - 5 triệu đồng/kg, loại 2 từ 2 - 3 triệu đồng/kg, loại 3 từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Còn hoa trà khô có giá từ 5 - 8 triệu đồng/kg, loại đã qua chế biến có thể lên đến 12 triệu đồng/kg. Hiện ở Quế Phong có có 5 cơ sở chế biến thô và một nhà máy thu mua sản phẩm trà hoa vàng từ người dân. Các cơ sở sau khi mua trà từ người dân sẽ tiến hành phân loại và sơ chế, bán lại cho các thương lái để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaixia, Nhật Bản... Mỗi vụ ra hoa, người dân trên địa bàn huyện thu hái được khoảng 5 tấn nguyên liệu, thu nhập gần 10 tỷ đồng. Từ một loài cây mọc tự nhiên trên đồi núi, cây trà hoa vàng đã được huyện Quế Phong bảo tồn và phát triển, phục vụ cho bào chế dược liệu, mở ra hướng làm giàu mới… Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, cây trà còn góp phần BVMT sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, nước ở các vùng đồi núi dốc.

     Để phát triển cây trà hoa vàng, tháng 4/2016, UBND huyện Quế Phong đã đưa loài cây này vào Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, phấn đấu trồng được 5 ha cây trà hoa vàng. Riêng năm 2017, mục tiêu trồng được 1 ha, nhưng hết năm mới trồng được 0,5 ha do gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển giống và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

 

Vườn ươm cây trà hoa vàng của huyện Quế Phong được đặt ở xã Đồng Văn

 

     Cùng với đó, các xã có cây trà cũng tích cực vận động người dân bảo vệ và phát triển. Tại xã Thông Thụ, hàng năm, trong nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển xã hội của địa phương đều nhắc đến nhiệm vụ bảo vệ và phát triển cây trà hoa vàng. Mới đây, xã cũng đã cho người dân ký cam kết không đào gốc, chặt phá cây trà, coi đây là cây đặc sản quý mà thiên nhiên ban tặng. Cùng với đó, hiện đã có một số vườn ươm đang nhân giống và bán cây trà hoa vàng - đây là mô hình hay, cần được đẩy mạnh và khuyến khích để mở rộng vùng trồng, qua đó, góp phần bảo tồn được nguồn gen quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Hay ở xã Đồng Văn, cán bộ Sở KH&CN Nghệ An đã tiến hành khảo sát, thu thập số liệu về quá trình sinh trưởng của cây. Qua đó, Sở tiến hành xây dựng vườn ươm cây tại khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na. Đây được kỳ vọng sẽ tạo ra được nguồn cây giống để cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, cùng với việc chưa chủ động được nguồn cây giống (chủ yếu phụ thuộc vào việc tìm cây con trong rừng đem về), theo chính quyền các địa phương có cây trà hoa vàng, điều khó khăn nhất là việc mở rộng diện tích để trồng trà.

     Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trà hoa vàng, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục triển khai các giải pháp như: Ứng dụng KH&CN hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn và sử dụng nguồn gen; Có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư; Xây dựng cơ sở dữ liệu và thông tin, phục vụ bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn gen cây một cách hợp lý. Đặc biệt, trước mắt, huyện cần quan tâm khuyến khích các hộ dân bảo tồn những khu vực đã có trà, vùng nào có mật độ dày thì hỗ trợ chính sách khoanh nuôi để bảo vệ, trồng dặm bổ sung thành vùng tập trung theo quy hoạch để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định…

 

Hoa Vũ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

 

Ý kiến của bạn