Banner trang chủ

Bảo tồn cây trà cổ thụ quý hiếm ở Tà Sùa - Sơn La

18/02/2019

     Thiên nhiên đã ưu đãi cho đất nước ta những điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp để cây chè phát triển. Bên cạnh đồi chè bát ngát miền trung du, Việt Nam còn tự hào về những rừng chè cổ thụ hàng trăm tuổi. Đặc biệt, rừng chè ở Tà Sùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) là nơi bảo tồn một trong sáu cây chè cổ thụ được coi là thủy tổ của ngành chè thế giới, vừa tiêu biểu cho vẻ đẹp của di sản Việt Nam, vừa là nền tảng để có những búp trà shan tuyết thơm ngon thượng hạng. Trà Tà Sùa cùng với các vùng trà Suối Giàng (Yên Bái), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) và Tân Cương (Thái Nguyên) hợp thành “tứ đại danh trà” mà người yêu trà Việt không ai không biết tới. Mỗi vùng trà đều chắt lọc tinh hoa từ thổ nhưỡng, khí hậu và cái tâm của người bản địa để dâng cho đời những búp trà hội đủ sắc, vị, hương, làm say lòng người thưởng thức.

     Những cây trà cổ thụ từ 400 - 500 tuổi

     Toàn xã Tà Sùa có 475 hộ gia đình với hơn 3.000 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông. Xã nằm gọn trong những dãy đồi núi điệp trùng, đặc biệt có ba đỉnh núi hợp thành một kỳ quan hùng vĩ. Hàng trăm năm qua, những gốc trà shan tuyết cổ thụ đã bén rễ, gắn bó với bà con dân tộc Mông ở độ cao từ 1.500-2.401 m so với mực nước biển. Do quanh năm mây phủ, thổ nhưỡng có độ ẩm cao và khí hậu trong trẻo, mát lạnh, nên Trà Tà Sùa có hương dịu lan tỏa, màu nước sánh vàng như mật ong mang vị chát nhẹ, hậu ngọt thanh - một hương vị đặc biệt mà không nơi nào có được.

     Hiện cả xã có vài trăm cây trà cổ từ 400 - 500 năm tuổi, tán rộng, thân xù xì màu bạc cao 10 - 15 m, bán kính thân 10 - 40 cm. Trên thân cây chè rêu phong, địa y bám đầy từ gốc đến thân, cành vẫn không ngừng cho lộc mới. Cây chè mọc xen lẫn trong rừng và xung quanh các bản. Vào tháng 4, 5, 6 là lúc chè shan tuyết cho nhiều búp nhất. Búp chè có màu trắng cánh vàng, lá chè to hơn so với chè shan tuyết ở vùng khác. Xung quanh búp chè có một lớp lông tơ trắng mịn gọi là tuyết, chứa các vi chất có lợi cho sức khỏe.

     Để hái được những búp chè shan tuyết, người dân nơi đây phải trèo lên những cây chè cổ thụ cao, hái từng búp chè non bỏ vào gùi. Búp trà mới hái về được đổ ra cái nia nhỏ rồi cho vào chiếc chảo gang lớn đặt trên bếp củi để sao. Trà phải sao bằng tay, có như thế mới cảm nhận được độ nóng của lửa, độ mềm của búp trà non. Đợi đến khi cánh trà mềm tơi như sợi bún thì đổ ra nia và tiến hành vò trà, đến khi cánh trà săn và bện lại với nhau thì tiếp tục sao. Cứ như thế cho đến khi cánh trà khô, day nhẹ thấy cánh trà giòn và xốp là đạt yêu cầu. Sau khi sao trà, người ta sẽ sàng qua một lần để loại bỏ vụn trà.

 

Người dân hái từng búp chè non rồi bỏ vào gùi

 

     Hiện ở Tà Sùa có 138 ha chè, trong đó 78 ha đang cho thu hoạch, mỗi năm thu hái được khoảng 50 tấn chè búp và sao được khoảng 10 tấn chè khô. Năm 2008, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra vùng trà Tà Sùa. Kết quả cho biết đây là giống trà chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định. Các nhà khoa học cũng đã tuyển chọn và đánh số 60 cây trà đầu dòng, trên 200 tuổi, tập trung ở các bản Bẹ, Mống Vàng và Chung Chinh.

     Khôi phục và phát triển vùng chè shan tuyết Tà Sùa

     Cách đây vài năm, khi điện còn chưa về bản, người dân Tà Sùa đã phải chặt cây trà đi để trồng thêm khoai. Gần tới mùa đông thì chặt cây phơi khô để nhóm lửa sưởi ấm cho cả nhà. Những cây trà từng là nhân chứng lịch sử cho thăng trầm của biết bao đời người Mông đã bị chặt đi vì chúng không có giá trị kinh tế, vì cuộc sống mưu sinh. Nhưng đến khi có thương lái vào mua và nhận ra những cây trà cổ có giá trị kinh tế rất lớn, thì số lượng cây trà đã bị chặt đi già một nửa.

     Khi nhận thức được đây là một vùng nguyên liệu quý, mang lại sinh kế lâu dài, lãnh đạo địa phương cùng với người dân Tà Sùa đã quyết tâm xây dựng “Dự án phục tráng và phát triển vùng chè shan tuyết Tà Sùa”. Để thực hiện thành công Dự án này, UBND huyện Bắc Yên đã chủ động mời Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood) cùng phối hợp với người dân để phát triển thương hiệu chè shan tuyết Tà Sùa”.

 

Những cây trà cổ thụ cao lớn trên núi Trà Sùa, Sơn La

 

     Tháng 10/2016, UBND xã Tà Sùa giao cho Tafood khai thác 75 ha trà shan tuyết cổ thụ. Tafood đã hướng dẫn bà con phá cây trà lai tạp để thay thế hoàn toàn bằng giống trà shan tuyết lá to, giống bản địa, theo phương pháp ươm hạt, như vậy cây trà mới khỏe và thuần chủng. Hiện nay, Tafood hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách thu hái đúng tiêu chuẩn, thu mua sản phẩm với giá từ 40 - 60 nghìn đồng/ký trà búp tươi, cao gấp hai lần so với giá trà trước đây. Ngoài ra, Tafood cũng đã đầu tư mở Khu du lịch Trà Mây để đón du khách lên thưởng thức trà shan tuyết cổ thụ Tà Sùa, những món đặc sản của người Mông, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa của người dân vùng trà đẹp và huyền bí này.

     Bên cạnh đó, Tafood không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi điều kiện khó khăn đưa bằng được nhà máy lên Tà Sùa để bà con không còn vất vả sao chè mỗi khi đêm về. Tại Tà Sùa, Công ty đã đầu tư dây truyền chế biến chè đồng bộ, khép kín, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại kết hợp với kinh nghiệm thủ công lâu năm của người dân Mông bản địa. Nhờ vậy, sản phẩm luôn giữ được hương vị tự nhiên đặc trưng của chè shan tuyết Tà Sùa. Ngoài ra, nhờ đóng gói theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nên sản phẩm bảo quản được hơn 2 năm, khắc phục được nhược điểm vốn có của phương pháp sao thủ công.

     Vài năm gần đây, việc thu hái và sản xuất trà đã trở thành nguồn thu nhập chính giúp bà con dân tộc tại Tà Sùa cải thiện cuộc sống. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây luôn tâm huyết, mong muốn mang đến cho người tiêu dùng dòng trà sạch. Trà Tà Sùa đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường, giữ được hương vị thơm ngon, đặc trưng của sản vật quý báu này.

 

Lệ Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

 

 

  


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn