Banner trang chủ

Bảo tồn các loài chim ở vịnh Hạ Long

11/09/2018

     Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam, với địa hình tự nhiên đa dạng, tồn tại nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau, mang đặc trưng của núi đá vôi phát triển trong môi trường biển. Sự đa dạng về các hệ sinh thái đã tạo nên một số lượng lớn các loài chim đặc hữu, quý, hiếm như diều hâu đen và chim ưng biển bụng trắng…

     Vịnh Hạ Long hiện đang sở hữu vùng sinh cảnh chim với 76 loài, thuộc 23 họ, sinh sống ở các dạng sinh cảnh khác nhau. Tùy theo đặc điểm sinh trưởng, có loài chim chuyên ăn thịt, hạt và quả, cá, côn trùng và có loài ăn tạp. Hầu hết các loài chim làm tổ, đẻ và ấp trứng vào mùa xuân tới mùa thu. Chủ yếu các loài chim chỉ ghép đôi vào mùa sinh sản, nhiều loài chim ghép đôi một đực, một cái, song cũng có loài một con đực ghép với nhiều con cái. Chim non nở ra được chim bố mẹ chăm sóc cho tới khi có thể tự kiếm ăn được...

     Phần lớn, các vùng sinh cảnh chim của vịnh Hạ Long còn nguyên sơ và khó tiếp cận như quần thể lớn chim mỏ sừng lông đen trắng phương Đông, đại diện của loài chim ăn quả  kích thước lớn. Để thích nghi với sinh cảnh sống, nhiều loài chim ở vịnh Hạ Long làm tổ ở những bụi cây thấp trên đảo đá vôi với độ cao khoảng 200 m so với mặt nước biển. Theo thống kê của Ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long, trong tổng số 1.969 đảo của vịnh có đến 1.921 đảo đá  vôi. Vùng tập trung các đảo đá có phong cảnh và nhiều hang động đẹp là vùng trung tâm Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm phần lớn vịnh Hạ Long (vùng lõi), một phần vịnh Bái Tử Long và vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà (vùng đệm). Với hệ thực vật vùng đá vôi phong phú về loài và có tính đặc hữu cao. Ước tính có hơn 1.000 loài thực vật có giá trị kinh tế và dược liệu, đây cũng là nguồn thức ăn đồi dào cho các loài chim.

 

Loài mòng biển phân bố ở sinh cảnh biển ven bờ của vịnh Hạ Long

 

     Một số loài chim thường gặp ở dạng sinh cảnh rừng trên núi đá vôi của vịnh, chủ yếu là cao cát bụng trắng, cắt lưng hung, cắt lớn, chào mào…; Còn ở sinh cảnh biển, ven bờ là các loài choắt nhỏ, choi choi khoang cổ, mòng biển, ó đá, diệc xám, diều hâu…; sinh cảnh hang động và tùng áng thường gặp chim yến hông trắng, bồng chanh, nhạn bụng xám...

     Các đảo trên vịnh Hạ Long có những phong cảnh độc đáo riêng, là nơi thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, cũng như các nhà khoa học đến nghiên cứu, quan sát các loài chim. Một số tuyến du lịch vịnh Hạ Long có thể quan sát chim thuận lợi, như hòn Cát Lán thuộc tuyến du lịch Cảng tàu - Sửng Sốt - Mê Cung - Hồ Ba Hầm, hòn Hang Chạm, đảo Hang Trai thuộc tuyến du lịch Sửng Sốt - Cửa Vạn - Ba Trái Đào, hòn Bái Đông, khu vực hồ Ba Hầm... Ở các tuyến du lịch này, các loài chim nước thường gặp như choắt bụng trắng, chim lặn, mòng két, te vàng, vịt trời, gà nước, rẽ giun thường, kịch, cuốc ngực trắng... Đặc biệt, đảo Cống Đỏ là nơi cư ngụ của nhiều loài chim quý như hồng hoàng, cắt lớn, diều hoa miến điện, cao cát bụng trắng… Trong đó, hồng hoàng là loài có số lượng nhiều nhất trên đảo, với tập tính sinh học riêng biệt, khi con cái ấp trứng và nuôi con non thì chim đực dùng đất bít kín miệng tổ chỉ chừa một lỗ nhỏ.

     Những năm gần đây, nhiều loài chim trên vịnh Hạ Long đã bị suy giảm về số lượng loài, mật độ, nhiều loài gần như biến mất ngoài tự nhiên hoặc rất hiếm gặp, do sinh cảnh sống bị thu hẹp và môi trường sinh thái tự nhiên của khu vực bị ô nhiễm bởi các hoạt động du lịch. Tình trạng săn bắn, bẫy chim vẫn diễn ra thường xuyên, hoạt động mua bán chim không những diễn ra tại các vùng rừng  trên các đảo mà còn công khai tại các trung tâm TP, thị xã, thị trấn. Nhu cầu mua chim làm thực phẩm hay nuôi làm cảnh vẫn diễn ra nên người dân tìm mọi cách để săn, bắt bẫy chim, nhất là các loài chim quý có giá trị thương mại lớn. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, cán bộ có chuyên môn về nghiên cứu, bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung và loài chim nói riêng còn thiếu. Việc thực thi pháp luật về bảo vệ các loài chim chưa nghiêm. Một số vùng có rừng ngập mặn như hang Đầu Gỗ của vịnh Hạ Long do tình trạng đánh bắt tận diệt các loài thủy, hải sản, cũng ảnh hưởng đến nhiều loài chim di cư do cạn kiệt nguồn thức ăn.

     Để bảo vệ các loài chim, BQL vịnh Hạ Long cần tiếp tục xây dựng chương trình giám sát các loài chim quý, hiếm; tiến hành điều tra hiện trạng, thành phần, đặc điểm phân bố các loài chim trên các tuyến của khu vực; thực hiện nghiên cứu, tổng hợp các đặc điểm sinh học, sinh thái, tập tính của nhiều loài chim; số lượng phân bố, hiện trạng của các loài chim quý hiếm, nguy cấp. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra giám sát, bảo vệ sinh cảnh sống của các loài chim trong khu vực. Thông qua các đợt tuần tra theo tuyến, cần phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật nói chung và các loài chim tự nhiên di cư, kể cả trong nhà hàng dịch vụ ăn uống, trái với quy định của pháp luật hiện hành; triển khai thực hiện biện pháp kiểm tra, tịch thu, phá dỡ, tiêu hủy và xử lý bẫy lưới giăng và dụng cụ để săn, bẫy, bắt chim tự nhiên di cư đang tồn tại; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các loài chim; tổ chức ký cam kết đối với các hộ dân và cộng đồng trong vùng có chim tự nhiên di cư để không đánh bắt, tiêu thụ chim tự nhiên.

 

Lê Đắc Trường

Đại học Tài nguyên &Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn