Banner trang chủ

Đất ngập nước: Bảo tồn và phát triển

27/08/2018

     Ngày 25/8/2018, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Trao giải cuộc thi ảnh “Đất ngập nước (ĐNN): Bảo tồn và phát triển” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Câu lạc bộ café ảnh tổ chức.

 

 

    Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai hoạt động truyền thông của Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” (dự án ĐNN) thực hiện tại hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thái Bình do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.

    Cuộc thi ảnh được phát động từ 16/7 - 15/8/2018, nhằm nâng cao nhận thức của các nhà quản lý và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của ĐNN, hệ sinh thái ĐNN đối với cuộc sống, sinh kế của người dân địa phương sống quanh khu vực ĐNN, góp phần làm giảm áp lực từ các hoạt động sinh kế của người dân đến hệ sinh thái ĐNN. Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông trong công tác BVMT, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái ĐNN.

   Cuộc thi nhận được sự tham gia của hơn 100 tác giả với 395 tác phẩm dự thi. Mỗi tác phẩm đều phản ánh một cách sinh động nhất vẻ đẹp của hệ sinh thái ĐNN, các loại động, thực vật sinh sống tại khu vực ĐNN cũng như hoạt động, kế sinh nhai của cộng đồng trong khu vực này.

    Kết quả, Ban giám khảo đã thống nhất trao1 Giải nhất cho tác giả Nguyễn Trực với tác phẩm Ngày mới trên Đầm Chuồn; 2 Giải nhì cho tác giả Nguyễn Viết Cường với tác phẩm Ngao dân, tác giả Nguyễn Ngọc Thiện với tác phẩm Rặng San hô Hòn Yến; 3 Giải ba cho tác giả Nguyễn Hữu Tấn với tác phẩm Mặn, tác giả Nguyễn Hồng Nhung với tác phẩm Trồng cây phát triển Rừng ngập mặn tại Huế, tác giả Hoàng Thắng với tác phẩm Mùa rong rêu; 4 Giải khuyến khích.

    Việt Nam có trên 10 triệu ha ĐNN, phân bố ở hầu khắp các vùng sinh thái trên cả nước. Công ước Ramsar đã phân loại có 42 dạng ĐNN trên thế giới, trong đó Việt Nam có 39 dạng ĐNN (bao gồm tự nhiên và nhân tạo, ở cả vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn). Các hệ sinh thái ĐNN đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế của nhiều ngành khác nhau như: nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, giao thông đường thuỷ, dịch vụ du lịch, khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, diện tích các hệ sinh thái ĐNN tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động khai hoang của con người, biến ĐNN thành nơi nuôi trồng thủy sản, khai thác thuỷ - hải sản, sản xuất nông nghiệp.

 

Uyên Hoàng

Ý kiến của bạn