Banner trang chủ

Đà Nẵng: Hành trình trở thành Thành phố Xanh quốc gia 2018

07/11/2018

     Ngày 10/7/2018, Đà Nẵng vinh dự được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) công nhận là TP Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2018. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho Đà Nẵng - một TP luôn quyết tâm và nỗ lực để xây dựng hình ảnh TP Môi trường, “TP đáng sống” của đất nước.

     Dấu ấn từ việc triển khai Đề án Xây dựng Đà Nẵng - TP Môi trường…

     Từ năm 2008 đến nay, chủ trương xây dựng TP Môi trường đã được các cấp chính quyền và người dân Đà Nẵng nỗ lực thực hiện thông qua nhiều sáng kiến quan trọng, đem đến một hình ảnh TP xanh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Thực hiện Đề án Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường đến năm 2020 của UBND TP, các cấp chính quyền TP và người dân Đà Nẵng đã đồng lòng tham gia vào công tác BVMT, từng bước giải quyết những điểm “nóng” về môi trường trên địa bàn TP. Nhiều dự án, nhiệm vụ, công trình trọng điểm về BVMT đã và đang được triển khai thông qua các nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách TP, ODA và xã hội hóa. Để đạt được các mục tiêu TP đã chủ động lồng ghép các chỉ tiêu môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân toàn TP chung tay thực hiện Đề án; nhiều mô hình BVMT được hình thành và nhân rộng như: Câu lạc bộ môi trường Cựu chiến binh tham gia xây dựng Đà Nẵng; mô hình xanh nhà, sạch phố và sống xanh; Tổ dân phố không rác, phường thân thiện môi trường; trường học xanh…

 

Giám đốc Quốc gia WWF - Việt Nam Văn Ngọc Thịnh (trái) trao Chứng nhận và biểu tượng

TP Xanh quốc gia cho Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn (phải)

tại Lễ công bố Danh hiệu TP Xanh quốc gia 2018 ngày 31/8/2018

 

     Nhờ đó, việc triển khai thực hiện Đề án Xây dựng Đà Nẵng - TP Môi trường trong 10 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực: Chỉ số ô nhiễm không khí (API) trong khu vực đô thị luôn đảm bảo nhỏ hơn 100 (năm 2016: API = 59; năm 2017: API = 58); tỷ lệ hộ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 96,5% năm 2016, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 95%; diện tích bình quân cây xanh đô thị đạt 7,3 m³/người… Đồng thời, TP đã tập trung giải quyết cơ bản ô nhiễm môi trường nước tại các khu dân cư, xử lý nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn. Đến nay, TP có 5 trạm xử lý nước thải đô thị với tổng công suất thiết kế 133.500 m³/ngày, trong đó có 3 trạm xử lý đạt yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.

     Ngoài ra, Đà Nẵng cũng tích cực và chủ động xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bao gồm: Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH giai đoạn 2017 - 2020; Kế hoạch hành động về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn TP; Kế hoạch ứng phó với BĐKH và nước biển dâng TP. Đà Nẵng đến năm 2020. Bên cạnh các kế hoạch trên, Đà Nẵng cũng tăng cường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, trở thành TP có đủ năng lực và chủ động ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, TP đã xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý cây xanh đô thị, thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển, bảo vệ và chăm sóc cây xanh; kiểm soát ô nhiễm không khí; chuyển dịch các hoạt động sản xuất công nghiệp sang sản xuất sạch hơn; Quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và thúc đẩy chuyển đổi nhiên liệu sạch…

 

Đà Nẵng cam kết giảm 25% lượng phát thải các bon vào năm 2030, so với mức phát thải 2016

 

     Với những nỗ lực trong công tác BVMT, xây dựng thương hiệu TP Môi trường, nhiều năm liền, Đà Nẵng đã trở thành một điểm sáng ở Việt Nam, được quốc tế công nhận với hàng chục giải thưởng, danh hiệu như: Giải thưởng TP bền vững về môi trường ASEAN; TP phát thải các bon thấp; Giải thưởng Phong cảnh TP châu Á; 1 trong 20 TP Xanh - Sạch - Đẹp…

     Danh hiệu “TP Xanh quốc gia”

     Những thành công của việc triển khai Đề án Xây dựng Đà Nẵng - TP Môi trường đến năm 2020 là nền tảng để Ban Tổ chức Chương trình TP Xanh quốc tế (EHCC) giai đoạn 2017 - 2018 lựa chọn Đà Nẵng để vinh danh là TP Xanh quốc gia. EHCC là sáng kiến của WWF, nhằm kêu gọi các TP trên thế giới cùng hành động, xây dựng và thực hiện các kế hoạch để tăng trưởng xanh, giảm thiểu, thích ứng với BĐKH.

     Tham gia Chương trình EHCC, Đà Nẵng đã gây ấn tượng với Ban Tổ chức bởi các giải pháp toàn diện về thích ứng, giảm thiểu BĐKH và phát triển xanh, với cam kết giảm 25% lượng phát thải các bon vào năm 2030, so với mức phát thải 2016. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực: Vận tải xanh và bền vững; năng lượng tái tạo; quản lý rác thải; ứng phó với BĐKH. Cụ thể, TP xây dựng Nhà máy điện mặt trời tại bãi rác Khánh Sơn; lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái che, bãi đỗ xe của Sân bay quốc tế Đà Nẵng và 5 tòa nhà công cộng trong khuôn khổ Dự án Phát triển năng lượng mặt trời do Liên minh châu Âu tài trợ; lập Dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, công suất 1.000 tấn/ngày và triển khai các dự án cải thiện môi trường nước trên địa bàn TP. Đối với lĩnh vực giao thông, TP đã triển khai Dự án xe buýt nhanh BRT sử dụng công nghệ ELFA Hybrid và áp dụng xăng sinh học E5 RON92 trên toàn TP (với 100% xe taxi). Đến nay, một số doanh nghiệp đã sử dụng năng lượng tái tạo và phương tiện giao thông xanh như: Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã thí điểm Trạm sạc nhanh cho xe ô tô chạy bằng điện, kết hợp hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nối lưới tòa nhà, với tổng công suất 50 kWp; Sở TN&MT lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, nối lưới cục bộ tại trụ sở cơ quan Chi cục BVMT… Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đưa thông điệp về TP xanh vào các hoạt động truyền thông, nhằm lan tỏa thông điệp đó đến với cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên toàn TP.

 

Ô tô điện và trạm sạc nhanh với hệ thống năng lượng mặt trời của Tổng Công ty Điện lực miền Trung

 

     Có thể thấy, việc triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình EHCC của TP. Đà Nẵng cũng phù hợp với quan điểm, mục tiêu và tiêu chí về TP Môi trường mà TP đang thực hiện, đây là lợi thế lớn của TP. Đặc biệt, Đà Nẵng còn có lợi thế quan trọng là ý chí quyết tâm của Lãnh đạo TP, sự ủng hộ, đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, ngành và doanh nghiệp để xây dựng TP xanh. Đánh giá cao những lợi thế đó, Giám đốc Quốc gia WWF - Việt Nam Văn Ngọc Thịnh cho rằng: “Đà Nẵng đang hành động với vị thế “dẫn đầu” trong sáng kiến xây dựng TP xanh, các hoạt động được triển khai toàn diện và lồng ghép trong nhiều ngành, lĩnh vực. Đà Nẵng đang truyền cảm hứng cho các TP khác trong cả nước về phát triển xanh và bền vững. Đó cũng là điểm tạo nên sự khác biệt ấn tượng của Đà Nẵng”.

     Danh hiệu TP Xanh quốc gia là niềm tự hào, cơ hội và cũng là trách nhiệm của Đà Nẵng trong việc kiến tạo một cuộc sống xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Với định hướng xuyên suốt từ nhiều năm nay là tăng trưởng kinh tế phải song hành vấn đề BVMT, Đà Nẵng đã và đang dần đưa “thương hiệu” TP Môi trường vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH.

 

Võ Thị Hồng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

     Chương trình TP Xanh quốc tế được khởi xướng từ năm 2011 tại Thụy Điển, đến nay, Chương trình có sự tham gia của hơn 400 TP trên thế giới. Việt Nam đã có 4 TP tham gia “sân chơi” này là Huế (năm 2016); Đà Nẵng, Hội An, Đông Hà (năm 2018). Cùng với Đà Nẵng, các TP Xanh quốc gia năm 2018 đã được bình chọn, bao gồm: Belo Horizonte (Braxin); Guadalajara (Mêhycô); Magdalena (Pêru); Quito (Êcuađo); Yasothon (Thái Lan); Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ); Melaka (Malaixia); Rajkot (Ấn Độ); Yokohama (Nhật Bản); Dar es Salaam, (Tanzania); Jakarta (Inđônêxia); Moteria (Côlômbia); Santiago (Chi-lê); Cleveland (Mỹ); Kampala (Uganđa); Pachalum (Guatemala); Upsala (Thụy Điển); EThekwini (Nam Phi); Karachi, (Pakistan); Pasig (Philipin); Vancouver (Canađa)…

 

 

Ý kiến của bạn