Banner trang chủ

Hiệu ứng từ Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic”

28/04/2023

    Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn có diện tích trên 14.000 ha, trải dài từ các xã Vũ Muộn, Cao Sơn (huyện Bạch Thông) tới các xã Lương Thượng, Ân Tình, Côn Minh... (huyện Na Rì), rộng 14,772 ha, trong đó 11.505 ha là Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 3.267 ha thuộc Phân khu phục hồi sinh thái. KBTTN Kim Hỷ được các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đánh giá cao về sự phong phú của nhiều loại động, thực vật quý hiếm thuộc diện phải được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt. Trong đó phải kể đến là loài voọc má trắng, sóc, khỉ là những loài hiện có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Kim Hỷ còn là nơi lưu giữ một số nguồn gien quý hiếm của các loại thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như Thiết san giả hay còn gọi là Thông đá mà trên thế giới hiện nay còn sót lại ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Không những thế, đây còn được coi là kho gỗ quý lớn của tỉnh Bắc Kạn với hàng vạn cây nghiến, thông núi....

    Mới đây, 6.000 cây Dổi xanh đã được trồng tại khu vực rừng đặc dụng Lủng Chang, thuộc địa phận thôn Bản Kẹ, nằm trong lâm phần do Ban Quản lý KBTTN Kim Hỷ quản lý. Đây là hoạt động tiêu biểu trong khuôn khổ Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT và Công ty TNHH Panasonic Việt Nam phối hợp thực hiện trên 13 tỉnh, thành của Việt Nam, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, lan tỏa lối sống xanh khỏe mạnh và hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ. Chương trình đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa ở nhiều địa phương, nhất là các khu vực rừng đầu nguồn sông Gianh, KBTTN quốc gia như Bắc Kạn, Hà Giang, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, rừng phòng hộ ven biển Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng…

    Khi Chương trình triển khai tại Bắc Kạn đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, được đông đảo người dân đón nhận và tích cực tham gia. Tuy nhiên, cái khó khăn hiện nay là Ban Quản lý Khu Bảo tồn được giao quản lý 15.053 ha, trong đó vẫn còn một số diện tích nhỏ lẻ, manh mún do người dân tự khai hoang để trồng cây nông, lâm nghiệp từ trước khi thành lập Khu bảo tồn. Ngoài ra, tại đây còn một số diện tích đất trống, đồi trọc, với các diện tích đất trống, lực lượng kiểm lâm đã và đang tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu giá trị của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; thực hiện trồng các loài cây đa mục đích và các loài cây bản địa để quản lý bảo vệ, lưu trữ nguồn gen hướng tới phủ xanh toàn bộ diện tích đất trồng hiện có trong khu bảo tồn.

    Ông Ngân Đức Đổi, Trưởng thôn Bản Kẹ (xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ, những năm qua, để gìn giữ sự đa dạng của tài nguyên thiên nhiên nơi đây, Hạt Kiểm lâm KBTTN Kim Hỷ đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ rừng, nhất là công tác tuyên truyền trong nhân dân, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, giữ cho Kim Hỷ luôn xanh tươi. Việc trồng cây gây rừng là một trong những biện pháp tuyên truyền hiệu quả giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Người dân trong thôn đã chủ động lập thành từng tổ, nhóm, thường xuyên cắt cử, thay phiên nhau phối hợp với lực lượng kiểm lâm đi tuần rừng, kịp thời phát hiện các hiện tượng khai thác khoáng sản, lâm sản trong khu bảo tồn, nếu phát hiện hành vi vi phạm sẽ báo cho lực lượng kiểm lâm và cán bộ địa phương. Nhờ vậy, việc tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trong hai năm trở lại đây khá tốt, không có hiện tượng vi phạm. Việc trồng 6.000 cây Dổi xanh - Loài cây có giá trị kinh tế cao cũng đã được thôn tuyên truyền, vận động đến toàn bộ bà con trong thôn thực hiện.

    Dổi xanh là loài cây thân gỗ lớn, thường xanh, cao khoảng 25 - 35 m, đường kính ngang ngực đạt 80 - 100 cm. Thân thẳng, tròn đều, phân cành cao. Cành non có lông, có lỗ bì trắng và có sẹo vòng. Vỏ xám, nhẵn, bong nhẹ. Thịt vỏ màu vàng nâu, mềm, dầy, có mùi thơm nhẹ. Lá đơn hình bầu dục dài, mọc cách, nhẵn, đầu có mũi ngắn, màu xanh nhạt, bóng, dài 8 - 15 cm, rộng 3 - 5 cm. Gân bên 10 - 16 đôi. Lá kèm có lông mặt ngoài. Hoa đơn độc mọc đầu cành, cuống có lông, cánh hoa màu trắng. Quả kép dài 6 - 10cm, gồm nhiều hạt hình trứng thuôn hay cầu dẹt. Hạt màu đỏ.

    Dổi xanh phân bố ở các vùng đồi núi có độ cao dưới 700 m so với mực nước biển trong các rừng lá rộng thường xanh. Chúng phân bố rải rác từ Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An cho tới Tây Nguyên.

    Loài cây này ưa đất sâu ẩm, tốt, thoát nước. Nó mọc trên nhiều loại đất feralit phát triển trên gnai, micasit, phiến thạch sét, phiến thạch mica, macma axit. Chúng thường sống hỗn loại với các loài như Lim xẹt, Ràng ràng mít, Re, Ngát (ở miền Bắc) hoặc với Xoay, Thông nàng, Trám, Vạng, Giẻ (ở Tây Nguyên). Cây ưa sáng, sinh trưởng tương đối nhanh, tái sinh hạt tốt. Cây non chịu bóng nhẹ. Mùa ra hoa vào tháng 3 - 4, quả chín tháng 9 - 10. 1 kg hạt có 4.500 - 5.000 hạt.  Hạt tốt, gieo đúng kỹ thuật có thể tạo được trên 2500 cây/1kg.

Bảo Bình

Ý kiến của bạn