Banner trang chủ

Tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của ngành Tài nguyên và Môi trường

28/12/2023

    Phát triển bền vững (PTBV) là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) về PTBV diễn ra vào tháng 9/2015 ở New York (Mỹ), 193 quốc gia thành viên LHQ đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu PTBV (SDGs) như một lộ trình để chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu trong 15 năm tới.

    Thực hiện cam kết của Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV với 17 mục tiêu và 115 mục tiêu cụ thể (VSDGs) tương ứng với các mục tiêu PTBV toàn cầu. Trên cơ sở 17/151 nhiệm vụ được giao, ngày 13/12/2018, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu PTBV Việt Nam đến 2030 của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) tại Quyết định số 3756/QĐ-BTNMT với 40 chỉ tiêu PTBV. Bài viết tập trung đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu PTBV của ngành TN&MT trong thời gian qua nhằm đề xuất giải pháp hướng tới việc đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2030.

Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của ngành TN&MT

1. Kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV của ngành TN&MT

    Trong những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện các mục tiêu PTBV, bao gồm các mục tiêu PTBV của ngành TN&MT. Theo báo cáo PTBV của LHQ năm 2023, hiện nay Việt Nam xếp thứ 55/166 quốc gia. Nhìn chung, Việt Nam đã có những bước phát triển kể từ năm 2015. Năm 2016 Việt Nam đứng thứ 88/149 quốc gia, tăng lên thứ 68/157 vào năm 2017. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong thực hiện các mục tiêu PTBV, xếp thứ 2 sau Thái Lan. Trong lĩnh vực TN&MT, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 3756/QĐ-BTNMT, nhiều kết quả đã đạt được trong tiến trình thực hiện mục tiêu PTBV.

    Về mục tiêu tiếp tục phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường: Công tác BVMT đã có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, với chủ trương xuyên suốt không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi. Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, môi trường không khí đô thị, làng nghề đã được quan tâm thực hiện; hoạt động quan trắc, giám sát môi trường được đẩy mạnh. Công tác khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về cơ bản đã hoàn thành. Công tác cải tạo hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông, suối bị ô nhiễm nặng tiếp tục được quan tâm. Công tác xử lý nước thải được chú trọng; chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn (CTR) có nhiều đổi mới quan trọng. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị đã tăng từ 86% năm 2018 lên 96% năm 2022; tỷ lệ CTRSH phải chôn lấp giảm từ 85-90% năm 2012 xuống 65-70% năm 2022; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 90% đến hết năm 2022 so với 75% năm 2018. Trong kiểm soát môi trường các khu công nghiệp (KCN) đã đạt bước tiến quan trọng, năm 2022, tỷ lệ KCN có hệ thống xử lý nước thải đạt 91% so với 88,05% năm 2018.

    Về mục tiêu quản lý tổng hợp, khai thác bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước: Công tác bản đồ lưu vực sông; bản đồ nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 trên toàn quốc, bản đồ nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000, tỷ lệ 1: 50.000 và 1:25.000 ở những khu vực tập trung khai thác đã được lập. Hàng năm, công bố dòng chảy tối thiểu sau đập, hồ chứa nước. Đến năm 2022, khoảng 90% hồ chứa lớn được kiểm soát, giám sát để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của sông; 85% hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông đã được vận hành theo cơ chế phối hợp liên hồ chứa. Hiện nay, báo cáo tài nguyên nước quốc gia đã được công bố, trong đó tiềm năng tài nguyên nước của cả nước đã được đánh giá là 935 tỷ m3 (nước mặt: 844 tỷ m3, nước dưới đất: 91 tỷ m3).

    Về mục tiêu quản lý tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản theo hướng khai thác hợp lý, bền vững và sử dụng hiệu quả: (i) Đối với tài nguyên đất, công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính gắn với hệ tọa độ quốc gia để quản lý chặt chẽ đến từng thửa đất đã được thực hiện cho hơn 78% diện tích tự nhiên cả nước; hoàn thành việc điều tra, đánh giá thoái hóa đất lần đầu cho 6 vùng kinh tế - xã hội. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện; quy hoạch đến năm 2030 kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 cấp quốc gia đã được ban hành. Theo đó, Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quan trọng góp phần quản lý đất đai hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với BĐKH, BVMT và PTBV. Nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước đã tăng đáng kể qua các năm, chiếm 12%-15% thu ngân sách nội địa hàng năm. (ii) Đối với tài nguyên địa chất, khoáng sản, năm 2022, công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền đã tăng từ 57% (năm 2011) lên 76,02%; tỷ lệ diện tích phần đất liền Việt Nam được bay đo từ phổ gamma tỷ lệ 1:50.000 là khoảng 30%. Công tác quy hoạch điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản và 17 quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng cho hơn 40 loại khoáng sản đã được phê duyệt ở Trung ương; các địa phương đã ban hành 110 quy hoạch. Về cơ bản đã kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng cấp phép khai thác tràn lan. Tính đến năm 2021, cả nước có 3.679 khu vực với hơn 3.300 tổ chức, cá nhân đang khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau cung cấp nguyên liệu, đầu vào cho nền kinh tế.

    Về mục tiêu ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai: Năng lực giám sát BĐKH, dự báo, cảnh báo thiên tai đã có nhiều tiến bộ; năng lực và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn đứng hàng đầu các nước ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã cập nhật NDC nâng cao mức đóng góp giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đến năm 2022, đã có 87,3% tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Công tác kiểm kê KNK đã được thực hiện theo yêu cầu của quốc tế; Kiểm kê KNK quốc gia đã được triển khai cho các năm 2013, 2014, 2016, 2018 và 2020. Quy định về trách nhiệm, lộ trình và kế hoạch giảm phát thải KNK đã được ban hành và được triển khai trong các ngành, lĩnh vực; thị trường các-bon trong nước đang được xây dựng.

    Về mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững biển, hải đảo và đại dương: Công tác điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất vùng biển từ 0-30m nước tỷ lệ 1:100.000 đã hoàn thành trên diện tích 18.388 km. Đến nay khoảng 25% diện tích vùng biển và hải đảo được bay đo từ trọng lực tỷ lệ 1:250.000 (diện tích khoảng 250.000 km2). Các hoạt động ngăn ngừa và kiểm soát các loại ô nhiễm biển đã duy trì chất lượng môi trường nước ven biển và đại dương nằm trong giới hạn cho phép. Năm 2020, tỷ lệ điểm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ đạt yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thông số ô nhiễm chất hữu cơ (N-NH4+) là 99% và đối với các thông số về tổng dầu mỡ là 92%.

    Về mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái: Công tác bảo tồn đa dạng sinh học tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Số lượng các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển, khu đất ngập nước được quốc tế công nhận tiếp tục gia tăng. Việc bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm như linh trưởng, voi, hổ, sao la và các loài thủy sinh…được quan tâm đẩy mạnh. Theo đó, đến 2022, nước ta có 178 khu bảo tồn thiên nhiên, 09 khu Ramsar, 12 vườn di sản ASEAN và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Về khu bảo tồn biển, tính đến hết năm 2022, đã có 10 khu bảo tồn biển và vùng biển thuộc VQG được thành lập và quản lý với diện tích 187.810,93 ha, chiếm khoảng 0,19% diện tích vùng biển tự nhiên.

 2. Khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện

    Bên cạnh các kết quả đạt được trong thực hiện các mục tiêu PTBV của ngành TN&MT, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu PTBV đặt ra đến năm 2030. Trong 40 chỉ tiêu PTBV về TN&MT, nhiều chỉ tiêu còn thách thức so với lộ trình thực hiện đến năm 2025 như: Tỷ lệ CTRSH đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom (năm 2022 là 65-70% nhưng lộ trình đến năm 2025 là 30%); chỉ tiêu tỷ lệ diện tích phần đất liền Việt Nam được bay đo từ phổ gamma tỷ lệ 1:50.000 (năm 2022 đạt 30%, nhưng lộ trình đến năm 2025 là 70%); chỉ tiêu tỷ lệ diện tích vùng biển và hải đảo Việt Nam được bay đo từ, trọng lực tỷ lệ 1:250.000 (năm 2022 đạt 25% nhưng lộ trình đến năm 2025 là 80%)...

    Trong ứng phó với BĐKH, năng lực về cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó với diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH và thiên tai. Hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK chưa tương xứng với tiềm năng của các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thị trường các-bon chưa được thiết lập.

    Công tác quản lý tài nguyên, việc điều tra cơ bản các loại tài nguyên còn hạn chế; chưa hoàn thành điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trên đất liền và dưới đáy biển. Công tác lập và thực hiện quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên còn nhiều bất cập. Tình trạng sử dụng lãng phí, không hợp lý, kém hiệu quả và không bền vững tài nguyên đất, khoáng sản, tài nguyên nước vẫn còn tồn tại.

    Đối với công tác BVMT, việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm chưa hiệu quả. Ô nhiễm môi trường đối với cụm công nghiệp, lưu vực sông, làng nghề còn nhiều hạn chế. Công nghệ xử lý chất thải rắn còn lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh. Ô nhiễm môi trường nước mặt ở các đô thị chưa được xử lý. Ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn vẫn còn tiếp diễn; Đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.

3. Đề xuất một số nhóm giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

    Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDGs trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu như sau:

(i) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và BVMT để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý tổng hợp, các vấn đề liên ngành, liên lĩnh vực, liên vùng. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

(ii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường thực thi chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong thực thi và hoàn thiện chính sách pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; đấu tranh phòng chống tội phạm về tài nguyên môi trường. Tăng cường chia sẻ thông tin, minh bạch trong quản lý tài nguyên và BVMT;  

(iii) Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế  với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đồng hành với tất cả các đối tác để hoàn thành các mục tiêu PTBV của ngành TN&MT. Đặc biệt, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) và huy động các nguồn lực trong xã hội; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia quản lý tài nguyên và BVMT;

(iv) Đổi mới nghiên cứu khoa học, hợp tác hội nhập quốc tế trong quản lý tài nguyên và BVMT. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của CMCN 4.0. Tiếp tục xây dựng và thiết lập, vận hành cơ chế quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) thống nhất về quản lý tài nguyên và BVMT. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hội nhập quốc tế trong quản lý tài nguyên và BVMT để thúc đẩy thực hiện SDGs.

TS. Hoàng Hồng Hạnh, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, CN. Trần Quý Trung

Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ TN&MT (2023), Báo cáo ổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

2. Chính phủ (2019, 2023), Báo cáo công tác BVMT năm 2018, 2022.

3. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2023), Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu PTBV năm 2023 của Việt Nam.

4. Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, 2023, Báo cáo Tổng kết Nghiên cứu, rà soát tình hình thực hiện các mục tiêu PTBV (SDGs) của Liên hợp quốc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam trong thời gian tới.

5. World Intellectual Property Organization- WIPO (2023) Global Innovation Index 2023.

6. United Nations-UN (2023), The Sustainable Development Goals Report 2023.

7. United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific- ESCAP (2023), the Asia-Pacific SDG Progress Report 2023.

 

Ý kiến của bạn