Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 03/07/2025

Hệ thống thông tin đảm bảo an toàn REDD+ Việt Nam: Hiện trạng và nhu cầu cập nhật trong bối cảnh chuyển đổi số

02/07/2025

    1. Đặt vấn đề

    Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+) đã được hình thành trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) như một cơ chế tài chính quốc tế cung cấp các khoản chi trả dựa trên kết quả cho các nước đang phát triển đối với việc thực hiện thành công các giải pháp REDD+. Ngoài việc giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu hay những lợi ích về các-bon, REDD+ còn mang lại những lợi ích phi các-bon khác, tuy nhiên, cơ chế này cũng tiềm ẩn các rủi ro về môi trường và xã hội. Nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn này, các bên tham gia UNFCCC đã thông qua bộ 7 nguyên tắc đảm bảo an toàn (ĐBAT) trong REDD+ tại COP 16 (gọi tắt là “các nguyên tắc ĐBAT Cancun”). Thỏa thuận Cancun kêu gọi các quốc gia thực hiện REDD+ "xem xét" và "tuân thủ" 7 nguyên tắc ĐBAT liên quan đến quản trị, rủi ro giảm phát thải và lợi ích xã hội và môi trường.

    Việt Nam được công nhận là quốc gia tiên phong về REDD+, đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ như ban hành Chương trình REDD+ quốc gia, xây dựng Hệ thống giám sát rừng quốc gia (NFMS), Mức tham chiếu phát thải rừng/Mức tham chiếu rừng (FREL/FRL), xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin ĐBAT (SIS) trực tuyến. Do vậy, Việt Nam đủ điều kiện để có thể nhận được các khoản chi trả dựa trên kết quả REDD+. Việc xây dựng một hệ thống thông tin về đảm bảo an toàn (SIS) là một trong 3 yêu cầu quan trọng về đảm bảo an toàn trong REDD+ của UNFCCC. SIS là một hệ thống cấp quốc gia cung cấp thông tin về việc "xem xét" và "tuân thủ" các nguyên tắc ĐBAT Cancun trong quá trình thực thi REDD+ tại Việt Nam. Thông tin về việc "xem xét" các nguyên tắc ĐBAT bao gồm các thông tin mô tả về chính sách, luật và quy định liên quan. Thông tin việc "tuân thủ" các nguyên tắc ĐBAT bao gồm các thông tin mô tả và số liệu về việc thực hiện các chính sách, luật và quy định trên thực tế và các kết quả liên quan đến việc thực hiện REDD+. Để hệ thống SIS ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn REDD+, bài viết đánh giá hiện trạng thông tin, dữ liệu hiện có, xác định những thiếu hụt và đưa ra gợi ý duy trì, cập nhật hệ thống SIS liên tục trong bối cảnh chuyển đổi số nhằm phục vụ các chương trình, dự án chi trả dựa trên kết quả REDD+ ở Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu của UNFCCC.

    2. Thực trạng thông tin, dữ liệu hệ thống thông tin đảm bảo an toàn REDD+

    Quá trình xây dựng SIS cho Việt Nam bắt đầu từ cuối năm 2015, với sự điều phối của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về REDD+, huy động các nguồn lực trong thiết kế và vận hành SIS. Năm 2018, cấu trúc thông tin cơ bản của SIS Việt Nam đã được xây dựng, nhiều trường thông tin liên quan được thu thập và đăng tải lên hệ thống trực tuyến, mặc dù không phải tất cả thông tin cần thiết đều có sẵn vào thời điểm đó do Chương trình REDD+ quốc gia (NRAP) [5] chưa được thực hiện rộng rãi, hoặc một số chỉ số ĐBAT chưa được xác định đầy đủ.

    Trang thông tin SIS về REDD+ của Việt Nam được xây dựng với bố cục gồm các trường thông tin: Trang chủ, tổng quan, nguyên tắc, thư viện, phản hồi và liên hệ trên cả hai nền tảng ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Theo thiết kế, hệ thống SIS ​​sẽ thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau, bao gồm: Hệ thống thông tin quản lý rừng quốc gia (FORMIS), Hệ thống giám sát tài nguyên rừng (FRMS), Cổng thông tin REDD+, Cục Thống kê (GSO), Bộ Dân tộc và Tôn giáo (CEMA), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (MAE), cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành khác; báo cáo thực hiện REDD+ và các nguồn khác. Các nguồn thông tin chính hiện có trong SIS bao gồm dữ liệu về các báo cáo của các cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo thẩm định/giám sát từ các dự án/chương trình REDD+ (như Chương trình FCPF-ERP); FRMS; GSO; CEMA…) được công bố rộng rãi nhằm đáp ứng các yêu cầu cho thực hiện chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải KNK từ các chương trình, dự án REDD+.

    Việc cập nhật thông tin trên SIS sẽ được thực hiện hàng năm hoặc 6 tháng/lần, tùy thuộc vào nguồn dữ liệu cụ thể. Tại Việt Nam, cập nhật thông tin, dữ liệu lên hệ thống SIS đã bắt đầu thực hiện vào năm 2022 bằng việc đánh giá các sáng kiến/chương trình REDD+ mới và thu thập dữ liệu mới cập nhật. Từ năm 2023, hệ thống SIS của Việt Nam tiếp tục được cập nhật nhằm đảm bảo cấu trúc các chỉ tiêu, nội dung và dữ liệu được sửa đổi, cập nhật phù hợp với các yêu cầu nền tảng giao dịch REDD+ (ART) và Tiêu chuẩn xuất sắc về môi trường REDD+ (TREE), chi tiết được trình bày tại Bảng 1.

    Bảng 1. Đánh giá mức độ phù hơp các chỉ số ĐBAT theo Tiêu chuẩn TREES

Nguyên tắc

Chủ đề

Chỉ số

A

1.1. Nhất quán với chương trình lâm nghiệp quốc gia

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

1.2. Nhất quán với các công ước và thỏa thuận quốc tế liên quan

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

B

2.1. Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền tiếp cận thông tin

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp)

Kết quả (Phù hợp một phần)

2.2. Thúc đẩy minh bạch và ngăn ngừa tham nhũng

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

2.3. Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền sử dụng đất

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

2.4. Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền tiếp cận công lý

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Chưa phù hợp)

C

3.1. Xác định người bản địa (DTTS) và cộng đồng địa phương

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

3.2. Tôn trọng và bảo vệ tri thức truyền thống

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Chưa phù hợp)

3.3. Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền của người DTTS và cộng đồng địa phương

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

D

4.1. Sự tham gia của các bên liên quan

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

4.2. Sự tham gia của người bản địa (DTTS) và cộng đồng địa phương

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

E

5.1. Không chuyển đổi rừng tự nhiên

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp)

Kết quả (Phù hợp một phần)

5.2. Bảo vệ rừng tự nhiên và đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

5.3. Tăng cường các lợi ích xã hội và môi trường

Cấu trúc (Phù hợp)

Quy trình (Phù hợp một phần)

Kết quả (Phù hợp một phần)

F

6.1. Hành động xử lý rủi ro đảo nghịch

--

Quy trình (Phù hợp một phần)

--

G

7.1. Hành động nhằm giảm thiểu dịch chuyển phát thải

--

Quy trình (Phù hợp một phần)

--

(Nguồn: [6])

    Theo đó, thông tin, dữ liệu của hệ thống SIS chủ yếu mô tả chi tiết 7 nguyên tắc ĐBAT với 17 chủ đề và 121 chỉ tiêu/chỉ số liên quan đến xem xét và tuân thủ các yêu cầu ĐBAT REDD+ của Việt Nam. Phân tích dựa trên 44 chỉ số (gồm có 14 chỉ số cấu trúc, 16 chỉ số quy trình và 14 chỉ số kết quả theo tiêu chuẩn TREES) cho thấy, các chỉ số cấu trúc hiện nay hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn. Hệ thống đã mô tả đầy đủ các chính sách, luật và quy định liên quan đến 7 nguyên tắc ĐBAT Cancun. Đối với 16 chí số quy trình thì mới có 2 chỉ số phù hợp gồm: Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền tiếp cận thông tin và không chuyển đổi rừng tự nhiên. 14 chỉ số quy trình còn lại hiện mới chỉ phù hợp một phần, do thiếu hụt các quy định hướng dẫn thực hiện cũng như việc tổ chức phối hợp thực hiện. Các chỉ số kết quả phần lớn hiện nay mới đảm bảo phù hợp một phần, đặc biệt 2 chỉ số về tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền tiếp cận công lý; Tôn trọng và bảo vệ tri thức truyền thống chưa phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn. Kết quả phân tích cũng cho thấy, hiện nay, về đảm bảo khả năng tiếp cận công lý đã cung cấp đầy đủ chính sách, luật và quy định hỗ trợ tiếp cận công lý; cơ chế phản hồi, giải quyết mâu thuẩn, khiếu nại áp dụng trong REDD+. Tuy nhiên, kết quả của cơ chế phản hồi, giải quyết mâu thuẫn, khiếu nại áp dụng cho REDD+ hiện chưa có trên hệ thống SIS. Đối với việc tôn trọng và bảo vệ tri thức truyền thống các thông tin và dữ liệu thể hiện đầy đủ trên hệ thống SIS như: Chính sách, luật và quy định về các quyền của người dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư địa phương; Những lợi ích, rủi ro và các biện pháp phát huy các quyền của người dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư địa phương; Các kết quả liên quan đến các quyền của người dân tộc thiểu số và cộng đồng địa phương đối với đất và rừng và tiếp cận tài nguyên rừng của người dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư địa phương. Tuy nhiên, hiện còn thiếu các chỉ số trên hệ thống như: các kết quả của các giải pháp trong Chương trình quốc gia về REDD+ nhằm tăng cường lợi ích và giảm thiểu rủi ro đối với người dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư địa phương; các kết quả liên quan đến chia sẻ lợi ích đối với người dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư địa phương; các kết quả liên quan đến quyền văn hóa và các kết quả của cơ chế phản hồi, giải quyết mâu thuẫn, khiếu nại (GRM) cho REDD+.

    Bên cạnh đó, hiện còn nhiều chỉ số khác chưa có dữ liệu: Kinh phí cho chương trình REDD+ quốc gia; các kết quả liên quan đến chia sẻ lợi ích REDD+ đối với người dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư địa phương; thực hiện các cơ chế tham gia của các bên liên quan ở cấp quốc gia và địa phương; kết quả thực hiện các giải pháp về bảo tồn rừng tự nhiên và đa dạng sinh học; kết quả của các giải pháp xác định để bảo tồn rừng tự nhiên và đa dạng sinh học; số lượng loài được sử dụng trong các rừng trồng; kết quả của các giải pháp giảm thiểu rủi ro đảo nghịch phát thải trong Chương trình quốc gia về REDD+ và kết quả của các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu dịch chuyển phát thải.

    Kết quả đánh giá việc liên thông số liệu các chỉ số giữa hệ thống SIS với các nguồn cơ sở dữ liệu liên quan đến kết quả quản lý tài nguyên rừng như hệ thống nền thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS), hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp (FRMS), trang thông tin về REDD+ Việt Nam… đã bị gián đoạn, ngắt kết nối, hoặc chuyển từ tiếp cận mở sang cấp quyền tài khoản do quá trình sắp xếp lại bộ máy và các quy định mới về chia sẻ thông tin dữ liệu. Đây được xem là rủi ro của hệ thống SIS khi nhiều chỉ số được kết nối trực tiếp với các hệ thống thông tin dữ liệu khác.

    3. Kết luận và khuyến nghị

    3.1. Kết luận

    Hệ thống thông tin ĐBAT REDD+ Việt Nam đã tổng hợp các thông tin dữ liệu dựa trên 7 nguyên tắc ĐBAT REDD+, chi tiết thành 17 chủ đề, mỗi một chủ đề yêu cầu phải trả lời các câu hỏi liên quan đến hành động REDD+, các thông tin, dữ liệu phải thể hiện được yêu câu xem xét và tuân thủ các nguyên tắc ĐBAT, các chỉ số cụ thể sẽ thể hiện được các thông tin, dữ liệu xem xét và tuân thủ. Hệ thống này phải được duy trì thường xuyên và yêu cầu cập nhật thông tin, dữ liệu với tần suất hàng năm hoặc 6 tháng/lần. Tuy nhiên, kết quả đánh giá hiện trạng thông tin và dữ liệu thực hiện 121 chỉ tiêu ĐBAT trên hệ thống SIS cho thấy, hiện nay các chỉ tiêu, chỉ số xem xét tuy chưa được cập nhật thường xuyên, nhưng thông tin, dữ liệu khá đầy đủ. Đối với nhóm chỉ số tuân thủ (kết quả) hiện còn thiếu nhiều thông tin, dữ liệu, do một số chỉ tiêu bắt buộc phải điều đánh giá theo chu kỳ, cũng như khả năng kết nối thông tin dữ liệu từ các hệ thống chỉ tiêu giám sát đánh giá khác bị hạn chế. Theo lộ trình thực hiện REDD+ của Việt Nam, hiện nay đã bước sang giai đoạn thực hiện đầy đủ, yêu cầu quốc gia phải tuẩn thủ các biện pháp ĐBAT và các thông tin dữ liệu về các chỉ số kết quả phải được cập nhật lên hệ thống SIS cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Để có được các thông tin đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc ĐBAT REDD+ Việt Nam, đặc biệt là các chí số kết quả thực hiện các chính sách và biện pháp REDD+ đòi hỏi phải huy động nguồn lực, thời gian để tổng hợp, cập nhật từ các nguồn khác nhau.

    3.2. Khuyến nghị

    Việt Nam được xem là quốc gia có mức độ tham gia vào cơ chế tài chính REDD+ cao, hiện đang thực hiện chương trình FCPF-ERP khu vực Bắc Trung bộ và đang trong quá trình đàm phán để triển khai Chương trình LEAF khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Các tiêu chuẩn các-bon rừng yêu cầu ngày càng cao để có thể chi trả, trao đổi với giá cao hơn. Ví dụ chương trình FCPF trung bình chi trả 5 USD/tấn CO2tđ, tuy nhiên, Chương trình LEAF thì tối thiểu 10 USD/tấn CO2tđ đối với cơ chế chi trả dựa trên kết quả, còn nếu giao dịch mua bán tín chỉ các-bon có thể mức giá cao hơn do tiêu chuẩn áp dụng và các điều kiện khác nhau. Tiêu chuẩn các-bon cao đi cùng với yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc ĐBAT cao và yêu cầu nguồn lực thực hiện cao hơn.  Hiện nay, việc định giá các-bon rừng ở Việt Nam chưa được tính toán một cách đầy đủ làm căn cứ cho chi trả, trao đổi mua bán tín chỉ các-bon rừng. Do vậy, tác giả khuyến nghị cần có các nghiên cứu và xây dựng hướng dẫn định giá các-bon rừng theo các tiêu chuẩn các-bon rừng khác nhau, bởi mỗi tiêu chuẩn các-bon sẽ có nhưng yêu cầu tuân thủ ĐBAT khác nhau, theo đó chi phí cho việc đảm bảo tuân thủ cũng sẽ khác nhau.

    Cùng với đó, để đảm bảo yêu cầu thông tin, dữ liệu cần phải đổi mới trong ứng dụng cộng nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo phục vụ hệ thống SIS để kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu, chỉ số xem xét và tuân thủ nguyên tắc ĐBAT, thiết lập hệ thống cập nhật các chỉ số ĐBAT trực tuyến… nhằm nâng cao tính minh bạch giải trình, và đặc biệt là phục vụ cho các tiêu chuẩn các-bon rừng, hay cơ chế chi trả dựa trên kết quả REDD+.

ThS. Lê Trọng Hải

Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Quyết định số 5414/QĐ-BNN-TCLN ngày 25/12/2015 về việc phê duyệt hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động cấp tỉnh về giảm phát thải KNK thông qua nỗ lực giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng (REDD+).

2. Chính phủ Việt Nam (2018). Báo cáo tóm tắt thông tin lần 1 về xem xét và tuân thủ các nguyên tắc ĐBAT trong REDD+ (SOI 2018).

3. Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (2025). Hệ thống thông tin bảo đảm an toàn REDD+ Việt Nam (SIS). https://sis.kiemlam.gov.vn/vi_VN/web/guest/home.

4.Forest Các-bon Partnership Facility (2018). Báo cáo hoàn thành dự án: https://www.forestcarbonpartnership.org/system/files/documents/FCPF%20Readiness%20Fund%20Country%20Completion%20Report%20-%20Vietnam.pdf .

5. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải KNK thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030.

6. UNEP/WCMC và IPSARD (2023). Dự thảo Hồ sơ đăng ký ART-TREES
Phần 7: Các nguyên tắc ĐBAT. Hội thảo tham vấn triển khai sáng kiến LEAF và hồ sơ đăng ký TREES do Cục Lâm nghiệp tổ chức ngày 11/8/2023 tại Hà Nội.

7. UNFCCC (2010). Decision 1/CP.16 Cancun Agreements.

8. UNFCCC (2015). Decision 17/CP.21: Further guidance on ensuring transparency, consistency, comprehensiveness and effectiveness when informing on how all the safeguards referred to in decision 1/CP.16, appendix I, are being addressed and respected.

Ý kiến của bạn