Banner trang chủ

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai

07/05/2024

    Cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống thông tin đất đai có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống quản lý đất đai tiên tiến, hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ số, nền tảng giao dịch điện tử… góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, làm cơ sở tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai.

1. Mục tiêu, nội dung chính của việc xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai

    Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là một trong ba thành phần cơ bản, là thành phần cốt lõi về nội dung của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, quyết định nội dung các hoạt động quản lý, khai thác, cập nhật dữ liệu đất đai cho các mục tiêu quản lý. Cơ sở dữ liệu được hiểu là cách thức tổ chức lưu trữ dữ liệu hiệu quả để đảm bảo việc nhập và khai thác dữ liệu nhanh và chính xác. Cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp các dữ liệu đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là tập hợp các cơ sở dữ liệu đất đai; Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu được xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước để quản lý, vận hành, cập nhật khai thác thông tin đất đai.

    Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định mục tiêu đến năm 2025: Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

    Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rõ mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ và phần mềm hệ thống, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống thông tin đất đai.

    Điều 165 Luật Đất đai năm 2024 quy định: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm các thành phần sau: a) Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; b) Cơ sở dữ liệu địa chính; c) Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; d) Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đ) Cơ sở dữ liệu giá đất; e) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; g) Cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; h) Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.

    Trong các thành phần của cơ sở dữ liệu đất đai thì cơ sở dữ liệu địa chính là thành phần cơ bản nhất, chứa đựng các thông tin, dữ liệu không gian và thuộc tính chi tiết đến từng thửa đất, làm nền tảng cho việc xây dựng các cơ sở dữ liệu đất đai khác cũng như làm “công cụ” trực tiếp cho việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Tiếp đến, các cơ sở dữ liệu thành phần khác có vai trò, ý nghĩa lớn trong các hoạt động quản lý đất đai đã và đang được quan tâm xây dựng như: Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai.

2. Khái quát quá trình thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên phạm vi cả nước

    Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai đã được Bộ TN&MT triển khai thực hiện trong nhiều năm nhưng đến nay, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà kết quả đạt được trên phạm vi cả nước nhìn chung còn hạn chế; tiến độ thực hiện quá chậm so với yêu cầu xây dựng một nền quản lý đất đai tiên tiến, hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ số với hệ thống các phương tiện điện tử. Các giai đoạn xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chính theo các dự án có liên quan đến cơ sở dữ liệu đất đai được Bộ TN&MT chỉ đạo, tổ chức thực hiện bao gồm:

    Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai: Thực hiện Nghị quyết số 07/QH12 ngày 12/11/2007 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Bộ TN&MT đã chỉ đạo, hướng dẫn các các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương lập và thực hiện “Dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai” của tỉnh/thành phố giai đoạn 2008-2015; trong đó có nội dung “xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai”. Tuy nhiên, nội dung “xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai” chưa được xác định cụ thể và đầy đủ, chủ yếu chỉ mới xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu theo bản đồ, hồ sơ địa chính (cơ sở dữ liệu địa chính), là thành phần chính của cơ sở dữ liệu đất đai hiện nay.

    Dự án Hoàn thiện và Hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (dự án VLAP) được triển khai tại 9 tỉnh/thành phố Hà Nội (Hà Tây cũ), Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long trong thời gian 5 năm, kể từ tháng 9/2008 đến hết tháng 12/2013. Mục tiêu của dự án là tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện ở các địa phương. Một trong những nội dung cốt lõi của dự án là hợp phần “Hiện đại hóa hệ thống đăng ký đất đai”. Đầu ra là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai bao gồm các trang thiết bị phần cứng, phần mềm, các thông tin dữ liệu về bản đồ và hồ sơ địa chính và các kết quả nghiên cứu chính sách cần thiết phục vụ cho công tác quản lý đất đai.

    Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG): Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/5/2016; Báo cáo nghiên cứu khả thi được Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 1236/QĐ-BTNMT ngày 30/5/2016. Trong khuôn khổ Dự án phê duyệt, có 33 tỉnh/thành phố được triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhưng chỉ có 30 tỉnh/thành phố thực hiện. Một trong những mục tiêu và nội dung quan trọng của Dự án là phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu (MPLIS); nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện Dự án thông qua việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Ngày 9/2/2023, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án là đã hoàn thành kết nối vận hành 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh/thành phố tham gia dự án. Trong đó, có 19 tỉnh đã hoàn thành kết nối toàn bộ các huyện tham gia dự án và có 40 quận huyện, thành phố thuộc 6 tỉnh/thành phố không tham gia dự án kết nối. Đã kết nối liên thông thuế điện tử tại 24/30 tỉnh/thành phố thực hiện dự án; kết nối hệ thống 1 cửa điện tử tại 18/30 tỉnh; kết nối cổng dịch vụ công quốc gia về dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai cấp độ 4 cho 30/30 tỉnh thuộc dự án.

    Dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đaivới mục tiêu là xây dựng, triển khai, quản lý vận hành, khai thác, cập nhật một hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất đa mục tiêu, đa người dùng, tiên tiến, hiện đại với các nội dung chính như: Thiết kế hệ thống thông tin đất đai thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ việc quản lý, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu; Xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng đất trồng lúa để giám sát và quản lý đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Tích hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai thành phần của các tỉnh, thành phố đã lựa chọn trong Dự án vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (Giai đoạn I)” đang được Bộ TN&MT triển khai thực hiện. Trong đó, các hạng mục dự kiến thực hiện năm 2024 bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ thu nhận, tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường; Xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, thiết lập hạ tầng số, kết nối, an toàn thông tin cho cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất…

3. Kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

    Theo Báo cáo của Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ TN&MT, đến nay việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đạt được những kết quả chính như sau:

    Đối với cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương xây dựng: Đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.

    Đối với cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương xây dựng: Có 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai với kết quả cụ thể:

(1) 455/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với 6.178/10.599 đơn vị hành chính cấp xã, hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp;

(2) 705/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê đất đai năm 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương;

(3) 325/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

(4) 300/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.

    Về kết quả kết nối, liên thông điện tử với các Bộ/ngành và triển khai dịch vụ công trực tuyến theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến nay có:

* 63/63 tỉnh/thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận”.

* 60/63 tỉnh/thành phố đã triển khai cung cấp dịch vụ công thiết yếu của hộ gia đình, cá nhân đối với thủ tục “Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” và của tổ chức đối với thủ tục “Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi về nghĩa vụ tài chính” trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung của Bộ TN&MT.

* 48/63 tỉnh/thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

* 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với dữ liệu của 461/705 đơn vị hành chính cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị hành chính cấp xã.

    Trong nhiều năm qua, Bộ TN&MT đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; nhiều địa phương trong cả nước đã quan tâm đầu tư triển khai thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai và đã đạt được những kết quả tương đối lớn trên phạm vi cả nước. Đến nay, có một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính như: Lạng Sơn (11/11 huyện), Thái Nguyên (9/9 huyện), Lào Cai (9/9 huyện), Yên Bái (9/9 huyện), Lạng Sơn (12/12 huyện), Bắc Giang (10/10 huyện), Hải phòng (14/14 huyện), Nghệ An (21/21 huyện), Hà Tĩnh (13/13 huyện), Bình Định (11/11 huyện), Đồng Nai (11/11 huyện), Thành phố Hồ Chí Minh (22/22 huyện), Long An (15/15 huyện)…; một số tỉnh kết quả đạt thấp như: Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Sóc Trăng, các tỉnh Tây Nguyên...

    Tiến độ thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên phạm vi cả nước trong một số năm gần đây được nâng lên đáng kể nhưng nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất đai và các nhu cầu khác của kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính là do nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai, thiếu kinh phí đầu tư và những khó khăn, vướng mắc về tổ chức triển khai thực hiện; việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao…

4. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai hiện nay

    Hiện nay, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai trên phạm vi cả nước còn một số khó khăn, vướng mắc cần có những giải pháp toàn diện để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai, cụ thể:

    Thiếu nguồn lực đầu tư: Một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chưa dành nguồn đầu tư thỏa đáng công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai do địa phương có nhiều khó khăn thực sự hoặc do chưa ý thức được vai trò của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đối với công tác quản lý đất đai cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

    Các hồ sơ, tài liệu đầu vào cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu đất đai lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động chưa được cập nhật. Để xây dựng cơ sở dữ liệu đòi hỏi phải xử lý, chuẩn hóa, số hóa, chọn lọc, sắp xếp… các thông tin, tài liệu trên, tốn nhiều thời gian và chi phí.

    Thiếu lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, có kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở cả Trung ương và địa phương.

    Thực trạng trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ về an toàn, bảo mật thông tin của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng, vận hành, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai; việc vận hành, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin khác gặp khó khăn.

    Một số khó khăn, vướng mắc về các giải pháp kỹ thuật chưa được giải quyết triệt để: (1) Hiện tại vẫn tồn tại mô hình cơ sở dữ liệu đất đai tập trung và mô hình cơ sở dữ liệu đất đai phân tán; (2) Tình trạng sử dụng phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu không thống nhất giữa các địa phương. Các phần mềm ứng dụng đang được các tỉnh, thành phố sử dụng khá đa dạng gồm: ViLIS (23/63 tỉnh), ELIS (8/63 tỉnh), TMV.LIS (2/63 tỉnh), DongNai.LIS (1/63 tỉnh), SouthLIS  (1/63 tỉnh), VBDLIS  (32/63 tỉnh). Ngoài ra, tại một số tỉnh/thành phố đang thử nghiệm phần mềm VNPT-iLIS  (Tây Ninh, Bình Phước, Cà Mau,…). Trong đó, một số phần mềm như ViLIS, ELIS, TMV.LIS, SouthLIS, DongNai.LIS do được xây dựng đã lâu chưa được nâng cấp nên đến nay không còn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định hiện hành.

5. Đề xuất một số giải pháp

5.1. Giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan

    Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có các quy định về hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Tuy nhiên, các quy định chưa đầy đủ, chưa có quy định cụ thể về mô hình kiến trúc hệ thống, việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai; cơ chế để huy động nguồn lực xây dựng, khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo tính bền vững.

    Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rõ mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và trách nhiệm của các cấp để đảm bảo đến năm 2025 đưa hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác. Để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trong lĩnh vực xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai, cần nhanh chóng ban hành các quy định chi tiết về kỹ thuật về xây dựng, duy trì, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai.

    Các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 nói chung, các quy định về cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai nói riêng, đảm bảo có hiệu lực thi hành cùng với thời gian hiệu lực của Luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

5.2. Giải pháp về huy động nguồn lực

    Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025: “Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai”, cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác này, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2024 - 2025. Cần tiếp tục thực hiện cơ chế lấy nguồn thu từ đất đai để đầu tư cho các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai. Đối với các địa phương thực sự khó khăn về nguồn lực, Chính phủ cần xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện.

5.3. Các giải pháp về kỹ thuật

    Về mô hình hệ thống: Cần khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng và nhu cầu sử dụng để thiết kế, xây dựng mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối liên thông trong phạm vi cả nước.

    Về phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu đất đai: Cần xây dựng phần mềm vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đảm bảo việc vận hành, quản lý, sử dụng tập trung tại Trung ương cũng như cung cấp cho các địa phương sử dụng, hướng tới việc sử dụng chung một phần mềm thống nhất trên phạm vi cả nước. Trước mắt, cần có giải pháp kỹ thuật cụ thể để kết nối, trao đổi dữ liệu, cơ sở dữ liệu của các địa phương đang được vận hành bằng các phần mềm khác nhau.

    Về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia có dung lượng thông tin rất lớn nên hạ tầng kỹ thuật ở Trung ương cần bảo đảm đáp ứng việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai tập trung của cả nước; hạ tầng kỹ thuật của các địa phương cũng cần bảo đảm cho việc kết nối, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương.

    Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai: Cần phải rà soát, đánh giá thực trạng hồ sơ, tài liệu đầu vào sẵn có tại địa phương, đảm bảo cơ sở dữ liệu phù hợp với hồ sơ và hiện trạng quản lý, sử dụng đất. Trên cơ sở đánh giá các hồ sơ, tài liệu, sử dụng và tận dụng tối đa các tài liệu hồ sơ đã được đầu tư trước đây để chuẩn hóa và cập nhật đầy đủ thông tin theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ TN&MT đã ban hành nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và tiết kiệm chi phí.

5.4. Giải pháp tổ chức triển khai thực hiện

    Tiếp tục quán triệt sâu rộng quan điểm, nhận thức và vai trò của cơ sở dữ liệu đất đai đối với việc xây dựng nền quản lý đất đai tiên tiến, hiện đại, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử trong lĩnh vực quản lý đất đai.

    Để đảm bảo đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác, cần chỉ đạo triển khai đồng loạt việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các tỉnh/thành phố; triển khai đồng thời giữa việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai với việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở cả Trung ương và địa phương.

    Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai ở địa phương.

    Các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; phấn đấu thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai./.

ThS. Lê Gia Chinh

Trung tâm Phát triển và Ứng dụng khoa học công nghệ về đất đai
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường)

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Đất đai 2013.              

2. Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/1/2024.

3. Các văn bản thi hành Luật Đất đai 2013.

4. Dự thảo văn bản thi hành Luật Đất đai 2024.

Ý kiến của bạn