Banner trang chủ

Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường liên quan đến hóa chất độc hại/PCB

15/09/2015

     Đó là chủ đề của hội thảo do Dự án Quản lý PCB tại Việt Nam thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 10/3/2015 tại Nha Trang, Khánh Hòa.      Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đã và đang tạo ra nhiều áp lực tiêu cực lên môi trường và đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó, việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường nói chung và sự cố do hóa chất cần được đặc biệt quan tâm. Có nhiều nguyên nhân gây ra sự cố hóa chất, do cháy, nổ hóa chất, rò rỉ hóa chất độc hại,… nhưng thiệt hại gây ra đều rất lớn, làm chết người, tổn hại lớn về kinh tế và hủy hoại nghiêm trọng môi trường. Trên thế giới đã xảy ra nhiều thảm họa do sự cố hóa chất, như vụ nổ tại nhà máy sản xuất Nitrat Amôn Oppau, Đức ngày 21/9/1921 làm chết gần 500 người; tại Nhà máy sản xuất Nitrat Amôn ở thành phố Texas, Hoa Kỳ ngày 16/4/1947 phá hủy hơn 90% các công trình của thành phố và làm chết gần 600 người; Vụ rò rỉ methyl isocyanate tại Công ty thuốc trừ sâu Union Carbide, Bhopal, Ấn Độ ngày 2 và 3/12/1984 làm chết tại chỗ hơn 2800 người, gây bệnh hô hấp và mắt cấp tính cho khoảng 20.000 người, thiệt hại kinh tế ước tính từ 350 triệu đến 3 tỷ đô la Mỹ…. và nhiều sự cố tràn dầu khác làm thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế và phá hủy nghiêm trọng môi trường và các hệ sinh thái. Tại Việt Nam cũng đã xẩy ra nhiều sự cố hóa chất gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và các hoạt động kinh tế, xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi các sự cố môi trường nói chung và sự cố do hóa chất nói riêng xảy ra mà chủ yếu là do những sơ xuất, bất cập trong công tác phòng ngừa, năng lực và hiệu quả hạn chế trong các hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố.     Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Lâm Thao, Phú Thọ        Tại Hội thảo, các nhà nhà khoa học, quản lý môi trường và đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về những khó khăn, bất cập và tồn tại liên quan đến hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, sự cố hóa chất ở nước ta hiện nay. Có thể thấy, mặc dù đã có nhiều quy định và hướng dẫn nhưng công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nói chung và sự cố môi trường liên quan đến hóa chất nói riêng ở nước ta vẫn chưa đạt hiệu quả cao và còn nhiều điểm bất cập. Công tác phòng ngừa chưa được các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều sự cố xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến công tác ứng phó sự cố môi trường chưa hiệu quả là do còn hạn chế về nguồn lực, năng lực và cơ chế phối hợp. Các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất những giải pháp ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường liên quan đến hóa chất độc hại/PCB, tiếp cận theo nguyên tắc ngăn ngừa không để xảy ra sự cố và khi sự cố xảy ra thì phải ứng phó hiệu quả ngay tại chỗ(từ cơ sở, doanh nghiệp, địa phương). Theo đó, về chính sách cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản pháp quy, các quy định cụ thể(về xây dựng kế hoạch, quy trình ngăn ngừa, ứng phó, cơ chế tài chính, thông tin báo cáo..); Về tăng cường năng lực, trước hết cần nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật và phổ biến rộng rãi các quy định, quy trình, hướng dẫn và huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó và khắc phục sự cố. Thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn, diễn tập thường xuyên nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả ứng phó; Phân định rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức và xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình ứng phó hiệu quả; Đồng thời cần xây dựng và áp dụng chế tài đối với các hoạt động từ ngăn ngừa, ứng phó xử lý cho đến khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.                   Đỗ Hoàng Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015        
Ý kiến của bạn