Banner trang chủ

Lợi ích và nguy cơ của cây đô thị Việt Nam

15/09/2015

   Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin chi tiết về việc chặt hạ, di dời nhiều cây đô thị tại Hà Nội, đồng thời cũng nêu những quan ngại của các nhà khoa học và phản đối của cộng đồng. Thiết nghĩ cần phải làm rõ cơ sở khoa học cho các quyết định này và có các kế hoạch phủ xanh đô thị tại Hà Nội trong tương lai. Bài viết này sẽ phản biện một số điểm được đưa ra trong một số bài báo gần đây, ủng hộ những quan điểm khác và hy vọng khởi xướng một cuộc thảo luận bổ ích, mang tính xây dựng và những hành động tiếp theo.    Trong các bài báo gần đây, nhiều ý kiến thảo luận đã tập trung xung quanh kế hoạch dài hạn về cây xanh trên các đường phố, công viên, vườn hoa, hồ nước của Hà Nội với mục tiêu “cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị, an toàn giao thông”. Với tầm nhìn Hà Nội sẽ trở thành một thành phố xanh và sạch vào năm 2020, kế hoạch đặt ra là từng bước “tăng mật độ che phủ của cây xanh đô thị từ khoảng 2m2/ người hiện tại bằng cách trồng thêm 1.500 – 2.000 cây mỗi năm”. Các kế hoạch và tầm nhìn như vậy rất quan trọng đối với các thành phố, đặc biệt với hàng triệu lượt người ra vào các thành phố mỗi tuần trên khắp thế giới. Phát triển đô thị bền vững là một trong những thách thức lớn nhất đối với con người. Các quyết định chúng ta đưa ra bây giờ về trồng và quản lý cây đô thị có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.    Nhiều chính sách quản lý cây xanh đô thị cũng đặt trọng tâm vào việc trồng một số lượng cụ thể cây xanh mỗi năm để tăng độ che phủ. Ví dụ 1.500 – 2.000 cây mỗi năm tại Hà Nội. Việc trồng hàng nghìn cây xanh mỗi năm sẽ không giúp làm tăng độ che phủ nếu số cây này không khỏe mạnh, nếu các cây xanh cổ thụ hiện có không được bảo tồn và nếu những cây này không được trồng tại những địa điểm phù hợp. Nhiều cây xanh tại Hà Nội được trồng quá gần nhau, vì thế chúng cạnh tranh nhau để lấy ánh sáng, đất và nước. Việc lựa chọn di dời các cây bị chèn ép này sẽ không làm giảm độ che phủ qua thời gian vì các cây bên cạnh còn lại sẽ được lợi từ việc đó. Ngược lại, việc thay thế một cây xanh cổ thụ còn khỏe mạnh bằng hai cây có chất lượng thấp thì có thể làm giảm độ che phủ tại khu vực đó vì sự xuống cấp của các cây này theo thời gian. Việc bảo tồn và quản lý bền vững sức khỏe của các cây xanh hiện tại và việc thay thế có sự lựa chọn cẩn thận các cây hiện đang xuống cấp và chết bằng các giống cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt phù hợp với cảnh quan là một biện pháp hiệu quả hơn nhiều. Ngoài ra, việc xác định các địa điểm có mật độ che phủ thấp, chất đất và không khí phù hợp để trồng các loại cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt cũng là một vấn đề cần quan tâm.Để xây dựng các mục tiêu cho tương lai, việc tính toán chi tiết mật độ che phủ của cây xanh hiện tại là cần thiết. Đại đa số các thành phố trên thế giới, thậm chí tại các nước phát triển nhất cũng không có sự tính toán chính xác mật độ che phủ hiện tại của cây xanh. Những nơi có số liệu thì hầu hết là số liệu tính toán tại một số mẫu lựa chọn trong thành phố của họ rồi suy luận ra cả thành phố, vì vậy số liệu được sử dụng là không chính xác. Không có sự tính toán chính xác cơ sở dữ liệu ban đầu và không sử dụng các phương pháp tin cậy để đo lường sự thay đổi trong tương lai thì bạn không thể biết rõ là bạn có đạt được mục tiêu đã đặt ra và chiến lược phủ xanh đô thị của bạn có thành công hay không. Chúng tôi nghi ngờ về độ chính xác của số liệu tính toán hiện tại là 2m2/người như được trích dẫn.    Việc cộng đồng tham gia góp ý xây dựng các kế hoạch có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ là điều cần thiết. Vậy kế hoạch quản lý cây xanh đô thị của Hà Nội có để cộng đồng tham gia góp ý không? Các quy trình như vậy có thể đem lại các kết quả rất lớn với các ý kiến đóng góp của những chuyên gia chuyên ngành hoặc các ý tưởng hay đóng góp cho kế hoạch. Quy trình này cũng rất quan trọng vì nó cho phép người dân trong cộng đồng có một chút quyền sở hữu đối với các quyết định đưa ra và giúp tránh được các sự cố như đã xảy ra trong việc chặt hạ, di dời nhiều cây xanh cổ thụ tại Hà Nội vừa qua. Các cơ hội này có thể cũng giúp tiết kiệm được một khoản tiền và có kết quả lớn khi được triển khai bằng các quy trình hiệu quả hơn. Ví dụ bài báo trên tờ Tin tức Việt Nam đã đề cập đến việc “đánh mã số trên 44.000 cây để đưa vào chương trình phần mềm quản lý cây xanh đô thị”. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nhiều Chính phủ trên thế giới đã triển khai các kế hoạch tham vọng như vậy và thấy rằng rất tốn kém để đạt được kết quả, rồi kết quả không được khai thác vì nó không dễ sử dụng. Điều quan trọng là lấy ý kiến đóng góp rộng rãi khi ra các quyết định như vậy để nắm được các nhược điểm mà người khác mắc phải để tránh và hoàn thiện hơn.    Lý giải cho việc chặt hạ, di dời nhiều cây xanh cổ thụ của Hà Nội là “chất lượng chung thấp” và “không phù hợp với đô thị bởi vì chúng đã già cỗi và không được chăm sóc hoàn hảo”. Điều quan trọng cần xem xét “chất lượng thấp” nghĩa là gì? Có phải là tình trạng sâu mục, cây cong vênh, tán lá kém…? Nếu là những đặc điểm như vậy thì tuổi cây không liên quan. Cây cối sinh trưởng và phát triển, sự tăng trưởng thích nghi tự nhiên theo thời gian để chống sự thoái hóa sớm do sâu mục và cong vênh. Sự thật là khi cây già đi, chúng có thể giảm sức sống và có thể dẫn tới việc giảm khả năng tăng trưởng thích nghi. Tuy nhiên, các hoạt động quản lý trước đây và hiện nay thường gây ra tác động lớn nhất đến chất lượng hay sức khỏe của cây. Có rất nhiều ví dụ về các cây xanh, non mới được trồng gần đây trên khắp TP Hà Nội đã bị cong vênh, tán lá kém và sâu mục hoặc chết. Các cây như vậy nếu tiếp tục được trồng thì có thể sẽ trở nên nguy hiểm hơn và tạo ra nguy cơ cao cho tính mạng và tài sản trong các thập kỷ tới.    Các vấn đề cần phải được làm rõ là những đặc điểm gì được cho là không phù hợp với cây đô thị của Hà Nội. Việc chặt hạ các loài cây đẹp như cây huỳnh đường (hay còn gọi là cây dái ngựa – Mahogany) châu Phi, bởi vì chúng được cho là “không an toàn trong khu dân cư do đặc điểm rễ chùm và dễ đổ trong mùa mưa bão”, cần phải dựa trên cơ sở phân tích và đánh giá khoa học của các chuyên gia lâm nghiệp chuyên ngành chứ không nên đơn giản dựa vào các ý kiến. Vấn đề cần phải được làm rõ hơn nữa là đã có bao nghiêu người bị thương nghiêm trọng hoặc bị chết tại Hà Nội trong 10 năm qua do tác hại của những loài cây như vậy? Sẽ rất thú vị khi đem so sánh con số này với số người bị thương nghiêm trọng hoặc bị chết tại Hà Nội trong 10 năm qua do tai nạn mô tô/xe máy, hoặc so với số người bị chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Chúng tôi cho rằng, số liệu do tai nạn mô tô/xe máy và các bệnh liên quan đến hút thuốc lá sẽ cao hơn nhiều. Vì vậy, liệu chúng ta có nên cấm sử dụng mô tô/xe máy hay cấm hút thuốc lá để nâng cao sự an toàn cho cư dân Hà Nội không? Chúng ta cần cân nhắc mặt lợi và mặt hại của mỗi sự lựa chọn. Mặt lợi do các cây xanh cổ thụ mang lại cao hơn nhiều so với mặt hại của chúng, đó là giảm ô nhiễm không khí, tạo bóng mát, môi trường sinh sống cho sinh vật, mối liên hệ về tinh thần và sức khỏe của cư dân, giảm tiếng ồn, ngăn nước mưa xối xả, hấp thụ khí CO2 và cung cấp khí oxy. Trong khi đó, mô tô/xe máy mặc dù rất cần thiết cho việc đi lại nhưng lại gây ra ô nhiễm nặng nề và tắc nghẽn giao thông, thuốc lá thì chẳng đem lại lợi ích gì mà chỉ làm hại cho sức khỏe.    Người ta cũng cho rằng “việc thay thế các cây nguy hiểm và không phù hợp là cần thiết để đảm bảo cảnh quan đô thị và an toàn giao thông, đặc biệt là các cây dọc tuyến đường sắt đô thị như đường Nguyễn Trãi hay Kim Mã”, rồi “chiều cao trung bình của các cây dọc tuyến đường này là 14 – 20m, cách xa đường ray 14m. Các cây này sẽ rất nguy hiểm khi mưa to, gió lớn. Nếu một cây đột nhiên đổ xuống đường ray thì hậu quả không thể lường trước được”. Vậy tiêu chí cho việc chặt hạ và thay thế cây là gì? Cuộc khảo sát, đánh giá nguy cơ gì đã được triển khai? Có bao nhiêu cây đã bị đổ vào đường ray gây ra hậu quả nghiêm trọng? Trên thế giới đã có nhiều phương pháp được thừa nhận về đánh giá nguy cơ của cây đô thị đối với tính mạng con người và tài sản, xây dựng các lựa chọn làm giảm các nguy cơ như vậy. Các phương pháp này thường cần tới một quá trình tập huấn ngắn về lâm sinh, cây đô thị và hoàn thành bài kiểm tra để có đủ kỹ năng đánh giá nguy cơ. Theo kinh nghiệm, khi sử dụng các phương pháp này sẽ cho ra nhiều sự lựa chọn việc bảo tồn cây đô thị chứ không lựa chọn việc thay thế cây. Vấn đề nữa cần được làm rõ là năng lực của các cán bộ cho rằng các cây bị chặt hạ có nguy cơ không thể để được, liệu họ có thể xây dựng các báo cáo đưa ra bằng chứng về các nguy cơ này không? Có sự xung đột về lợi ích ở đây khi các công ty tham gia đánh giá cây đồng thời cũng là công ty chặt hạ cây vì họ có lợi ích tài chính trong việc chặt hạ này. Nhân sự đánh giá nguy cơ của cây cần thực sự độc lập với các công ty như vậy để tránh sự thiên vị. Điều quan trọng cần lưu ý là việc chặt hạ nhiều cây xanh dọc tuyến đường sắt đô thị này đang vi phạm Điều 19 về Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Luật Bảo vệ Môi trường đối với Dự án đường sắt đô thị.   Hàng cây sấu trên đường Phan Đình Phùng, Hà Nội      Điều quan trọng là cũng cần phải hiểu rõ nguyên nhân suy giảm sức khỏe sinh trưởng của cây đô thị, phương pháp ngăn ngừa sự phát triển sâu bệnh, làm giảm nguy cơ. Việc chẩn đoán các nguyên nhân gây ra suy giảm sức khỏe sinh trưởng của cây đô thị là phức tạp nhưng cần thiết để khắc chế. Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm sức khỏe sinh trưởng của nhiều cây đô thị và cây di sản trên khắp cả nước. Các dấu hiệu và hiện tượng quan sát được bao gồm sâu bệnh, tuy nhiên nguyên nhân đầu tiên của sự suy giảm sức khỏe cây có thể là hư hại bộ rễ hoặc việc cắt tỉa quá mức tán cây, tạo điều kiện cho sâu bệnh thâm nhập. Việc phòng ngừa sự hư hại cho cây ngay từ đầu bao giờ cũng thành công và ít tốn kém hơn là sử dụng các phương pháp cứu chữa hay làm giảm bệnh cho cây. Các hình ảnh cây được đăng tải trên các báo gần đây được lựa chọn để thay thế các cây hiện hữu của Hà Nội có khả năng cao là không sinh trưởng tốt, không sống lâu và khó có thể tạo ra lợi ích thực sự cho cư dân của thành phố. Ngược lại, chúng có thể dẫn tới nguy cơ hơn và cần tới sự quản lý và chăm sóc tốn kém hơn, để cuối cùng lại phải thay thế.    Các bài báo đã nói tới mối liên hệ tinh thần với cây cối. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cây không chỉ đơn thuần là cây. Nhớ lại rằng, có lần chúng tôi được đề nghị cứu 2 cây Gạo (Bombax) đại thụ lâu năm (trên 300 tuổi) tại cổng vào ngôi chùa vì chúng đang suy giảm nghiêm trọng sức khỏe sinh trưởng trong mấy năm gần đây. Nhà sư tại chùa giải thích rằng chúng không đơn thuần chỉ là cây mà chúng giống như người già, có linh hồn riêng của mình và rất cần bằng mọi cách cứu chúng khỏi chết. Thật đáng tiếc, các nỗ lực là quá nhỏ bé, quá muộn và 2 cây đã chết. Đó là thời khắc buồn sâu sắc của những người dân địa phương, của nhà sư và chúng tôi. Cũng cảm thấy nỗi buồn tương tự khi đọc và thấy các kết quả của việc chặt hạ/ di dời nhiều cây xanh cổ thụ vừa qua ở Hà Nội và các thành phố khác của Việt Nam. Đồng thời lại hiểu rằng một phương pháp hoàn toàn không bền vững sẽ dẫn tới một nỗi buồn to lớn trong tương lai, và nhìn thấy một quần thể cây ốm yếu và nguy hiểm hơn. Sẽ càng buồn hơn khi phải thấy nhiều cây mới được trồng thay thế có thể không hoàn toàn phù hợp. Việc này cần phải được dừng lại và công tác quản lý cây xanh đô thị trên toàn Việt Nam trong tương lai cần phải dựa trên cơ sở khoa học, kiến thức và kinh nghiệm, chứ không phải dựa trên các thông tin sai lệch và sự lo sợ. Việc cần làm là áp dụng các công nghệ để tiến hành chẩn đoán chính xác, giám sát và quản lý cây đô thị để đạt tới mức quản lý lâm sinh đô thị bền vững trong tương lai. GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam PGS.TS. Paul Barber Đại học Murdoch, Ôxtrâylia (Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)
Ý kiến của bạn