Banner trang chủ

Khoảng trống trong chính sách đầu tư, quản lý vận hành hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị

04/07/2014

     Sau 30 năm đổi mới (tính từ năm 1986) phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo các đô thị Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống... Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm, xuống cấp của các nguồn nước sông, hồ và nước ngầm ở các khu vực đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư và quản lý vận hành hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) đô thị vẫn đang tồn tại làm giảm hiệu quả của những cố gắng, nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên nước quốc gia.

     Có thể đưa ra hai ví dụ tương phản: Sông Tô Lịch ở Hà Nội và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP. Hồ Chí Minh. Sông Tô Lịch, xưa kia là biên giới ngăn cách giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, dọc sông Tô là nơi buôn bán trên bến dưới thuyền, khách buôn từ khắp nơi có thể theo dòng sông Tô đưa hàng vào trong kinh thành. Còn nước sông Tô Lịch ngày nay mang một màu đen và không có một loài thủy sinh nào có thể tồn tại, mặc dù đã có nhiều dự án nâng cấp, nạo vét bùn, kè bờ và làm đường dọc theo hai bờ sông.

 

                              Sông Tô Lịch (xưa)                                                                                    Sông Tô Lịch (nay)

 

     Ngược lại với sự xuống cấp của sông Tô Lịch là sự hồi sinh của dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dòng kênh này vào những năm đầu của thế kỷ XXI là một dòng kênh chết, đặc sệt bùn, nước đen. Nhưng cho đến nay, dòng kênh là niềm tự hào của người dân TP. Hồ Chí Minh, vì nó đã được hồi sinh, cá có thể sống trong kênh và dọc hai bên bờ kênh là nơi hóng mát, vui chơi giải trí của người dân TP. Vậy, vấn đề ở đây là do công nghệ, nguồn vốn đầu tư, điều kiện tự nhiên hay còn lý do nào khác?Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về đánh giá ngành thoát nước thải đô thị Việt Nam năm 2012, hàng năm Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực cải tạo thoát nước, XLNT và vệ sinh khoảng 0,4% GDP hay khoảng 250 triệu USD. Hiện cả nước có 17 hệ thống thoát nước đô thị có nhà máy XLNT và 31 hệ thống thoát nước đang được thiết kế cải tạo và xây dựng, bao gồm cả các nhà máy XLNT. Phần lớn, các nhà máy XLNT đang hoạt động dưới 50% công suất thiết kế và xây dựng. Thậm chí có nhà máy XLNT đã xây xong nhưng đến nay vẫn không có nước thải để xử lý; 13 trong số 17 (59%) nhà máy XLNT hiện áp dụng công nghệ bùn hoạt tính để XLNT. Tương tự, 23 trong số 31 (hay 84%) nhà máy XLNT đang thiết kế hay xây dựng cũng áp dụng công nghệ bùn hoạt tính, là công nghệ đòi hỏi chi phí vận hành và bảo dưỡng cao nhất. Ngược lại với chi phí quản lý vận hành cao, thì giá/phí dịch vụ thoát nước và XLNT hay nhiều địa phương gọi là phí BVMT lại rất thấp, không vượt quá 10% của giá nước sạch. Chính vì thế mà cấp bù kinh phí để vận hành các nhà máy XLNT luôn là gánh nặng ngân sách của các địa phương có nhà máy XLNT đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành.

     Từ những con số thống kê nêu trên, có thể thấy các khoảng trống trong chính sách đầu tư và quản lý vận hành cơ sở hạ tầng thoát nước và XLNT, các khoảng trống này chia thành 3 nhóm: Môi trường pháp lý; Thể chế và tổ chức ngành; Kỹ năng, kỹ thuật.

     Môi trường pháp lý: Các vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên nước đều được nêu trong Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước. Bên cạnh đó là Nghị định số 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp và Nghị định số 25/2013/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải, tuy nhiên vẫn có sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa hai nghị định này, đặc biệt là vấn đề về phí thoát nước và phí BVMT. Việt Nam đã ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch, thiết kế, thi công, quản lý vận hành các công trình hệ thống thoát nước và XLNT, nhưng những tiêu chuẩn, quy chuẩn này phần lớn đã được xây dựng cách đây hàng chục năm nên không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Ví dụ, khi lập quy hoạch hệ thống thoát nước, cần phải tuân thủ TCXDVN 33:2006 , theo đó thời gian quy hoạch 25 - 30 năm, với mức độ phát triển dân số và kinh tế - xã hội rất tham vọng; mức tiêu thụ nước/phát sinh nước thải rất lớn (300 - 400 lít/người/ngày đêm ở các đô thị lớn); hệ số không điều hòa ngày dao động từ 1,2 đến 1,4 và hệ số không điều hòa giờ dao động từ 1,13 đến 1,3. Theo đó, quy mô công suất nhà máy nước/trạm XLNT được tính toán dựa trên dự báo dân số theo thời gian quy hoạch nhân với tiêu chuẩn dùng nước, nhân với hệ số dùng nước không điều hòa ngày. Còn kích thước đường ống/cống thoát nước thải được tính toán với quy mô công suất nhà máy nước/trạm XLNT chia cho 24 giờ và nhân với hệ số không điều hòa giờ. Đây chắc chắn là một trong các nguyên nhân của các hệ thống thoát nước và nhà máy XLNT chỉ vận hành được không quá 50% công suất thiết kế và xây dựng.

     Cũng có các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới được ban hành, ví dụ QCVN40-2011, yêu cầu nghiêm ngặt xử lý các chất phù dưỡng (nitơ, phospho) trong nước thải, nhưng lại kém khả thi trong điều kiện kinh tế hiện tại của đất nước, khi mà số đô thị có hệ thống thoát nước và XLNT còn quá ít so với tổng số đô thị trong cả nước; hơn nữa, ở đô thị có nhà máy XLNT thì cũng chỉ mới thu gom được một phần nhỏ nước thải để xử lý thì vấn đề nâng cao chất lượng nước sau xử lý còn quá xa vời so với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ.

     Cũng nằm trong nhóm vấn đề về môi trường pháp lý là chính sách tài chính trong xây dựng và quản lý vận hành các hệ thống thoát nước và XLNT. Cho đến hiện nay nguồn tài chính duy nhất cho đầu tư xây dựng là từ nguồn đầu tư của Chính phủ; phần lớn chi phí quản lý vận hành cho hệ thống thoát nước, XLNT vẫn được cấp phát bởi chính quyền địa phương. Chính phủ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước, XLNT, nhưng với chính sách giá/phí dịch vụ theo Nghị định số 88/2007/NĐ-CP và Nghị định số 25/2013/NĐ-CP thì sẽ không có nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền vào lĩnh vực này. Chính vì vậy mà trong tương lai gần, tất cả các địa phương vẫn trông chờ vào nguồn ngân sách hạn hẹp của Chính phủ. Và hệ quả là nguồn tài nguyên nước của quốc gia sẽ tiếp tục bị xuống cấp và ô nhiễm.

 

 Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (khi đang cải tạo)                                         Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (sau khi cải tạo)        

 

     Chính vì nguồn tài chính hạn hẹp, nên nhiều dự án đầu tư cải tạo thoát nước, thu gom và XLNT bị “cắt gọt” cho phù hợp với ngân sách. Điều đáng nói ở đây là phần lớn các dự án bị “cắt gọt” theo phương ngang, chứ không theo phương dọc. Kết quả là rất nhiều thành phần quan trọng của hệ thống thoát nước, như cống cấp 3, đấu nối hộ thoát nước bị “gọt” đi. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho các nhà máy XLNT chỉ vận hành chưa tới 50% công suất thiết kế và xây dựng, và nguồn nước thải vẫn đang gây ô nhiễm các nguồn nước mặt và nước ngầm.

     Thể chế và tổ chức ngành: Chính sách phân cấp của Chính phủ giao trách nhiệm quản lý tài nguyên nước cũng như cung cấp dịch vụ thoát nước và XLNT, kiểm soát ô nhiễm các nguồn nước cho các UBND cấp tỉnh là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, các dòng sông không dừng lại ở các danh giới hành chính giữa các tỉnh. Vì vậy, các Ủy ban BVMT lưu vực sông đã được thành lập, nhưng hoạt động chưa đạt hiệu quả.

     Tương tự, việc tổ chức hoạt động đầu tư, quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ thoát nước, thu gom và XLNT ở các địa phương trong tỉnh cũng là một vấn đề lớn. Nghị định số 88/2007/NĐ-CP đã phân rõ chủ sở hữu tài sản hệ thống thoát nước và đơn vị quản lý vận hành, nhưng tại các địa phương vẫn thành lập ban quản lý dự án trong các doanh nghiệp quản lý vận hành thoát nước.

     Mặt khác, ở một số địa phương, mỗi đô thị, mỗi khu công nghiệp, mỗi bệnh viện, mỗi làng nghề thành lập một ban quản lý đầu tư riêng, một đơn vị riêng chịu trách nhiệm quản lý vận hành hệ thống thoát nước, nhà máy XLNT. Các mô hình này sẽ khó có thể tập hợp được đủ nguồn lực, có đủ kỹ năng, trang thiết bị cần thiết để quản lý đầu tư, quản lý vận hành hệ thống thoát nước và nhà máy XLNT một cách hiệu quả. Và hệ quả là nhiều công trình, hệ thống được thiết kế và xây dựng phụ thuộc vào các kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn nước ngoài (được thuê tuyển bởi nhà tài trợ), không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, có chi phí quản lý vận hành cao (công nghệ bùn hoạt tính nêu trên), gây áp lực ngân sách cho các chủ sở hữu công trình, hệ thống.

     Kỹ năng, kỹ thuật: Thu gom và XLNT là một yêu cầu mới phát sinh trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong ngành, bao gồm các cấp hoạch định chính sách, thiết kế, vận hành tuy đã được tập huấn nhưng chưa trải qua kinh nghiệm thực tế nên vẫn còn phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài. Trong khi đó, các chuyên gia nước ngoài lại thiếu hiểu biết về điều kiện ở địa phương, nên nhiều nhà máy XLNT đã được thiết kế và xây dựng bằng các nguồn vốn tài trợ hay bằng các nguồn vốn đổi đất lấy hạ tầng khác.

     Các công nghệ thích hợp, phù hợp như kết hợp giữa thu gom và XLNT tập trung với thu gom và XLNT phân tán, từng bước nâng cấp chất lượng nước sau xử lý, phù hợp với khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ nhiều khi chưa phải là những ưu tiên của những chuyên gia tư vấn và những người có quyền ra quyết định.

     Bên cạnh đó là các kỹ năng về quản lý vận hành các nhà máy XLNT sao cho có chi phí/hiệu quả tối ưu cũng là khoảng trống cần lập đầy.

     Trở lại bức tranh tương phản của sông Tô Lịch và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trong môi trường pháp lý của quốc gia, trong cơ chế thể chế và tổ chức ngành, thì tại sao một dự án được coi là thành công còn một dự án lại chưa mấy thành công? Những khoảng trống nào đã được vượt qua và những khoảng trống nào chưa được vượt qua?.

 

ThS. Nguyễn Công Thành

Cố vấn kỹ thuật cao cấp, Chương trình quản lý nước thải GIZ

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

Ý kiến của bạn