Banner trang chủ

Dòng chảy môi trường

25/06/2014

     Sự thiếu quan tâm đến nhu cầu nước của dòng sông đã làm cho điều kiện của sông bị suy thoái nghiêm trọng. Các loài cá bản địa đã từng là nguồn cung cấp thực phẩm và phục vụ đánh bắt thương mại đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng. Những loài cá ngoại lai không thể dùng làm thực phẩm được đưa vào đã khuấy động lòng sông và làm cho chất lượng nước tiếp tục suy giảm. Những cánh đồng hoa màu từng phát triển mạnh nhờ được tưới nước sạch giờ đây phải đối mặt với việc thiếu nước. Nước tưới thường bị nhiễm mặn nặng gây suy giảm năng suất cây trồng.

     Kịch bản này minh họa một thực tế đang ngày càng trở thành vấn đề cần được quan tâm. Các hệ thống sông ngòi và nước dưới đất cần nước để duy trì các chức năng, giá trị sử dụng và lợi ích đối với con người. Lượng nước cần thiết cho những nhu cầu này được gọi là “dòng chảy môi trường (DCMT)”. Những hậu quả của việc bỏ qua các nhu cầu này ngày càng trở nên nhãn tiền và tốn kém về kinh tế. Ở hạ lưu, các hệ sinh thái cùng với các ngành sản xuất và cộng đồng dân cư lệ thuộc đang phải trả giá.

     Dòng chảy môi trường

     DCMT là chế độ nước được cung cấp trong một dòng sông, vùng đất ngập nước hoặc vùng ven bờ để duy trì các hệ sinh thái và những lợi ích của chúng ở những nơi dòng chảy bị điều tiết và có sự cạnh tranh trong sử dụng nước. DCMT góp phần quan trọng đối với sức khỏe của dòng sông, sự phát triển kinh tế và giảm đói nghèo.

     Tuy nhiên, mức độ sức khỏe của dòng sông sẽ được duy trì tùy thuộc vào sự đánh giá của xã hội và sự đánh giá này sẽ khác nhau giữa các quốc gia, vùng miền. Vì vậy, thế nào là DCMT thích hợp sẽ phụ thuộc vào những giá trị mà việc quản lý hệ thống sông muốn đạt được. Những giá trị đó sẽ là cơ sở để đưa ra các quyết định nhằm hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường và việc sử dụng nguồn nước của dòng sông.

     DCMT thích hợp không chỉ là đặc trưng duy nhất của một hệ thống sông khỏe mạnh mà còn phụ thuộc vào các yêu tố khác như giảm thiểu ô nhiễm và kiểm soát các hoạt động trên sông (đánh bắt thủy sản và giải trí). Nếu chỉ tập trung vào DCMT mà không chú ý tới bối cảnh của nó sẽ khó có thể đạt được kết quả tốt. Vì vậy, DCMT cần được xem xét như một bộ phận cấu thành tổng thể của quản lý lưu vực sông hiện đại.

     Bên cạnh đó, việc cung cấp DCMT cần sự hỗ trợ thực hiện một cách tổng thể các biện pháp thực hành và quy định quản lý toàn diện của lưu vực, ví dụ liên quan đến sử dụng đất, các quyền về nước và các loại hình sử dụng trên sông. Với một con sông đã bị suy thoái nghiêm trọng, nếu chỉ quan tâm đến cung cấp DCMT có thể sẽ không có tác dụng hoặc thậm chí còn gây thiệt hại. Ví dụ, bờ sông vốn đã bị mất ổn định do lớp phủ thực vật bị phá hủy có thể sẽ bị xói lở nếu cung cấp các dòng chảy biến đổi. Tương tự như vậy, việc làm ngập các vùng đất ngập nước và đồng bằng ngập lũ đã bị suy thoái và ô nhiễm có thể tạo thuận lợi cho các loài cỏ dại phát triển và làm cho các chất ô nhiễm lan rộng khắp khu vực. Do vậy, tiến hành DCMT một cách hoàn toàn độc lập và tách rời khỏi các biện pháp quản lý khác không phải là phương án được ưu tiên.

     Một phần của thách thức trong việc cung cấp DCMT sẽ là việc xác định những thành phần của chế độ dòng chảy tự nhiên quan trọng để đạt được mục tiêu dòng chảy đã định. Có thể thấy, các đồng bằng ngập lũ cần được ngập nước trong một thời gian nhất định đủ để kích thích sự sinh trưởng của cá. Có thể vận dụng kiến thức này bảo đảm lượng nước sẵn có được sử dụng để kéo dài con lũ tự nhiên qua giai đoạn tới hạn đó hơn là để tăng đỉnh lũ.

 

Duy trì chế độ dòng chảy trên sông đảm bảo được tính bền vững về môi trường,

sinh thái và đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước

 

     Để thiết lập DCMT, cần xác định rõ các mục tiêu của dòng sông và kịch bản khai thác, sử dụng nước. Các mục tiêu cần có các chỉ số để đo lường. Ví dụ các mục tiêu thích hợp có thể là “duy trì loài cá hồi nâu ở mức năm 1995”, “bảo tồn được ít nhất 75% rừng ngập mặn ở hạ lưu” hoặc “duy trì hàm lượng nitrat ở mức thấp hơn một tiêu chuẩn cụ thể”.

     Các lợi ích của dòng chảy môi trường

     Các hệ sinh thái thủy sinh như sông ngòi, vùng đất ngập nước, cửa sông và các hệ sinh thái ven biển cung cấp nhiều lợi ích khác nhau cho con người. Những lợi ích này bao gồm “hàng hóa” như nước uống sạch, cá, bông sợi và các “dịch vụ” như làm sạch nước, giảm nhẹ lũ lụt và giải trí. Những dòng sông khỏe mạnh và các hệ sinh thái đi kèm còn mang những giá trị nội tại đối con người, đó là những giá trị có ý nghĩa văn hóa, đặc biệt đối với các nền văn hóa bản địa. Giá trị nội tại này thường bị bỏ qua vì khó nhận biết và định lượng.

     Các dòng sông và hệ sinh thái thủy sinh cần nước và các nguồn cung cấp khác như đất đá, bùn cát để tồn tại khỏe mạnh, mang lại lợi ích cho con người. DCMT là thành phần đóng góp quan trọng cho sức khỏe của những hệ sinh thái này. Việc lấy đi dòng chảy của sông hoặc hệ thống nước dưới đất không chỉ làm tổn hại toàn bộ hệ sinh thái thủy sinh mà còn đe dọa tới con người cùng những cộng đồng dân cư đang sống phụ thuộc vào hệ sinh thái này.

     Dòng chảy môi trường là một bộ phận cấu thành tổng thể của quản lý lưu vực sông hiện đại

    DCMT cần được nhìn nhận trong bối cảnh thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước (QLTHTNN) trên các lưu vực sông. DCMT sẽ chỉ đảm bảo được sức khỏe của dòng sông nếu như chúng là một phần trong tập hợp các biện pháp tổng thể như bảo vệ đất, phòng ngừa ô nhiễm, bảo vệ và phục hồi các sinh cảnh. Trong lịch sử, nước đã được quản lý trên cơ sở đáp ứng nhu cầu cung cấp với ưu tiên là tối đa hóa tăng trưởng kinh tế ngắn hạn từ việc sử dụng nước mà ít có sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân nguồn tài nguyên và sự hiểu biết về hậu quả của việc sử dụng quá mức, sự suy giảm sức khỏe của dòng sông. Ngày nay, các nhà quản lý đang cố gắng cụ thể hóa việc cần có một quan điểm chính thống và toàn diện về hệ thống sông thông qua mô hình QLTHTNN, bởi họ hiểu rằng cần phải quan tâm đến các hệ sinh thái nước và nguồn tài nguyên cung cấp cho sự tồn tại, phát triển lâu dài của nền kinh tế.

     Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay mới chỉ chú trọng trước hết đến việc cấp nước - dù là để đáp ứng nhu cầu về nước, quản lý các chất gây ô nhiễm, hay xử lý nước và năng lực đánh giá, thực hiện DCMT còn rất hạn chế. DCMT là một khái niệm mới, tồn tại được hơn hai thập kỷ và hầu như chưa ai biết đến tính thiết thực và hữu dụng của nó như là một công cụ quản lý tài nguyên nước. Đồng thời, có rất ít hiểu biết về số lượng, chất lượng cũng như thời điểm cụ thể cần phải cung cấp nước cho những hệ thống này và mối liên hệ giữa lượng nước còn lại trong hệ thống. Tương tự, người ta cũng không nhận thức được thực tế là nguồn nước ngầm cũng cần phải được quản lý để đảm bảo sự lành mạnh cho nguồn nước mặt, hay các điều kiện của con sông có thể được kiểm soát ở phạm vi rộng thông qua quản lý dòng chảy sông một cách đúng đắn.

     Việt Nam là quốc gia có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, song phân bố không đồng đều giữa các mùa trong năm và giữa các vùng, lưu vực sông trong cả nước, gây ra lũ lụt vào mùa mưa và hạn hán, thiếu nước về mùa khô. Để tăng cường điều hòa dòng chảy, nhiều công trình cơ sở hạ tầng tài nguyên nước đã được xây dựng nhằm phục vụ đời sống và sản xuất cũng như phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Các công trình này góp phần quan trọng trong việc đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành các công trình này đã tạo nên kiểu chế độ dòng chảy mới, khác với chế độ dòng chảy trong tự nhiên ở nhiều lưu vực sông tại các giai đoạn khác nhau trong năm, làm ảnh hưởng bất lợi tới tài nguyên nước, các giá trị, chức năng của môi trường nói chung và hệ sinh thái thủy sinh nói riêng, ảnh hưởng tới khả năng cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ phục vụ nhu cầu của con người, đặc biệt là các cộng đồng dân cư nghèo. Để khắc phục tồn tại đó, việc duy trì một chế độ dòng chảy trên sông vừa đảm bảo được tính bền vững về môi trường, sinh thái, vừa đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nước, sẽ mang lại lợi ích tổng hợp cao nhất về kinh tế - xã hội, môi trường là một trong những vấn đề hết sức cấp bách hiện nay.

 

            Trần Lệ Hà

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

Ý kiến của bạn