Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 01/07/2024

Xây dựng tiêu chí thiết kế sinh thái và lộ trình áp dụng thiết kế sinh thái cho bao bì của một số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam

05/06/2024

    Ngày 4/6/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức hoạt động nghiên cứu “Xây dựng tiêu chí thiết kế sinh thái, đề xuất lộ trình áp dụng thiết kế sinh thái cho bao bì của một số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam”. 

TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, thiết kế sinh thái (TKST) được Ủy ban Châu Âu đưa ra nhằm tối ưu hóa hiệu quả môi trường của sản phẩm trong khi duy trì chất lượng của sản phẩm và mang đến những cơ hội mới thực sự cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội. TKST bao bì nhựa nhằm mục đích giảm thiểu tác động môi trường của bao bì nhựa và hàng hóa đóng gói trong toàn bộ vòng đời. Theo đó, bên cạnh các tiêu chí về tác động môi trường của sản phẩm và bao bì, sản phẩm và bao bì sản phẩm phải được thiết kế đáp ứng được các tiêu chí liên quan đến tài nguyên, năng lượng, môi trường và sản phẩm.

    Nghiên cứu “Xây dựng tiêu chí thiết kế sinh thái, đề xuất lộ trình áp dụng thiết kế sinh thái cho bao bì của một số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam” thuộc hợp phần II “Hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật và KHHĐ nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn, bao gồm cả trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR)” của dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF-Việt Nam tài trợ, Bộ TN&MT là cơ quan chủ quản, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) là chủ dự án sẽ được triển khai từ tháng 06/2023 đến tháng 01/2024 nhằm đưa ra cách tiếp cận phù hợp cho Việt Nam trong triển khai TKST trong thời gian tới.

Quang cảnh cuộc họp

    Trình bày tổng quan về nghiên cứu, TS. Đinh Quang Hưng cho biết, TKST bao gồm 7 nguyên tắc: tối ưu việc sử dụng tài nguyên; giảm thiểu chất thải; bảo vệ đa dạng sinh học; sử dụng năng lượng tái tạo; kéo dài tuổi thọ của sản phẩm; tích hợp tiêu chuẩn xanh; giáo dục và nâng cao nhận thức. Từ đó, đem lại những hiệu quả tích cực, giảm áp lực đến môi trường như giảm thiểu chất thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí, tạo việc làm xanh. Đặc biệt, TKST giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về sản phẩm thân thiện, bền vững và góp phần làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường…

    Trong quá trình chuyển đổi sang TKST, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đầu về đổi mới công nghệ, từ đó tạo ra xu hướng bao bì xanh và nâng cao nhận thức về bao bì xanh qua các chiến dịch truyền thông… Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi việc sản xuất bao bì theo hướng TKST phải đối mặt với nhiều thách thức từ chi phí nguyên liệu, công nghệ tái chế, các quy định pháp lí và việc chuyển đổi cần dựa trên các điều kiện của từng địa phương…

    Tại Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 không đề cập riêng đến TKST, tuy nhiên đã có các quy định cơ sở quan trọng cho thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH), là tiền đề để thúc đẩy TKST tại Việt Nam. Cụ thể, Luật đã quy định về KTTH (Điều 142), sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường và nhãn sinh thái (Điều 145), trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) (Điều 54 và 55). Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 đã quy định chi tiết về Hồ sơ đề nghị và thủ tục chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam (Điều 146 và Điều 147). Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết các điều của Luật BVMT, trong đó, quy định tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm đáp ứng bộ tiêu chí nhãn sinh thái Việt Nam (Điều 76 và 77)…

    Hiện nay, TKST đang được xác định là một trong những chương trình, nhiệm vụ ưu tiên tại Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH tới năm 2035 bao gồm: Hỗ trợ thúc đẩy TKST, thiết kế để thực hiện KTTH. Đồng thời, đây cũng là một trong những nội dung quan tâm trong đàm phán Hiệp ước toàn cầu về rác thải nhựa Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ (dự kiến phê duyệt trong năm 2024). Để nắm bắt được xu hướng TKST, doanh nghiệp nên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các vật liệu thân thiện với môi trường, đồng thời, tiến hành đào tạo và nâng cao nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của thiết kế bao bì sinh thái. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn kĩ thuật, hỗ trợ tạo dựng thói quen và thị trường cho các sản phẩm sinh thái…, ông Đinh Quang Hưng nhấn mạnh.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm quốc tế trong thiết kế bao bì sinh thái; cách tiếp cận TKST; kế hoạch triển khai nghiên cứu TKST; tiêu chí riêng dành cho nhãn dán bao bì sinh thái…

 Châu Loan - Phùng Quyên

Ý kiến của bạn