Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững

18/09/2024

    Trong khuôn khổ hợp tác APEC, từ ngày 18 - 20/9/2024, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế tổ chức Hội thảo APEC về “Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững”. Mục đích của Hội thảo nhằm nâng cao năng lực nông nghiệp và chia sẻ thông tin về thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu; thúc đẩy hệ thống nông nghiệp thông qua tái chế tài nguyên, phát triển năng lượng xanh, giảm khí nhà kính và quản lý tài nguyên hiệu quả. Đồng thời, xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững, toàn diện, giảm lãng phí, khuyến khích chính sách thân thiện với môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và áp dụng công nghệ sinh học, số hóa trong nông nghiệp. Hội thảo thu hút sự tham gia của 100 đại biểu, diễn giả là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà sản xuất tiêu biểu từ các nền kinh tế thành viên cũng như tổ chức quốc tế hoặc khu vực để chia sẻ những thông lệ quốc tế theo sự đồng thuận của các thành viên APEC.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT chia sẻ, hiện nay, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng như cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu... Thực tế này đòi hỏi tất cả mọi quốc gia trên thế giới phải khẩn trương có kế hoạch với những hành động thiết thực, mang tính tập thể trong việc tìm ra giải pháp chuyển đổi từ sử năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt... trong đó, năng lượng sinh khối đang được đánh giá là nguồn năng lượng có nhiều tiềm năng.

    Năng lượng sinh khối được xem là một nguồn năng lượng tái tạo vì các nguồn tài nguyên sinh học có thể tái tạo lại trong thời gian ngắn, so với năng lượng từ các nguồn hóa thạch như than đá hoặc dầu mỏ. Điều này giúp giảm bớt lượng khí thải carbon dioxide ra môi trường so với việc sử dụng năng lượng từ các nguồn hóa thạch, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến biến đổi khí hậu. Năng lượng sinh khối có thể ở nhiều dạng khác nhau như điện sinh khối, ethanol, biodiesel, biogas, nhiệt sinh học, khí từ chất thải và được sản xuất bằng cách đốt cháy hoặc biến đổi sinh học nguồn nguyên liệu như gỗ, bã mía, bã cây trồng, bã cỏ, hoặc bã bắp. Năng lượng nhiệt từ quá trình này được sử dụng để sản xuất điện qua hệ thống turbine và generator. Với đặc thù là một nước nông nghiệp, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối rất lớn, với tổng tiềm năng lên đến 50 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong đó, các nguồn sinh khối chính bao gồm: (i) Gỗ và phụ phẩm từ rừng: Gỗ là nguồn sinh khối chính ở Việt Nam, chiếm khoảng 40% tổng tiềm năng, tương đương với 20 triệu TOE. Gỗ được sử dụng để sản xuất điện, nhiệt và nhiên liệu sinh học. (ii) Chất thải nông nghiệp: Rơm rạ, bã mía và phân chuồng, chiếm khoảng 30% tổng tiềm năng, tương đương với 15 triệu TOE. Chất thải nông nghiệp được sử dụng để sản xuất điện, nhiệt và phân bón. (iii) Chất thải đô thị: Rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp, chiếm khoảng 30% tổng tiềm năng, tương đương với 15 triệu TOE. Chất thải đô thị được sử dụng để sản xuất điện, nhiệt và phân bón. Như vậy, việc thúc đẩy phát triển năng lượng sinh khối không chỉ giúp giảm bớt các chất thải ra môi trường mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Toàn cảnh Hội thảo

    Theo ông Tô Việt Châu, Hội thảo APEC về “Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững” được tổ chức nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về năng lượng sinh khối trong khu vực APEC trước tình hình hiện tại, xu hướng và bối cảnh tương lai. Đồng thời, thảo luận về các nguồn và loại sinh khối từ chất thải nông nghiệp cũng như cơ hội/thách thức cho năng lượng sinh khối trong chính sách và tài chính về khí hậu; tiềm năng cho năng lượng sinh khối sử dụng chất thải của các sản phẩm cây trồng nông nghiệp khác nhau như lúa, cà phê, ngô, mía; khuyến nghị cơ chế, chính sách cho các nền kinh tế thành viên trong việc tăng cường năng lượng sinh khối cho các cộng đồng nông nghiệp trong khu vực APEC. Ngoài ra, Hội thảo cũng là cơ hội quan trọng để nâng cao nhện thức và sự quan tâm của các bên liên quan về lợi ích đa chiều của năng lượng sinh khối đối với phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, BVMT, tạo điều kiện chuyển giao bí quyết kỹ thuật và thực hành, thúc đẩy chiến lược khu vực về phát triển loại năng lượng này trong tương lai.

    Hội thảo APEC về “Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững” diễn ra trong 2 ngày tại Hà Nội và 1 ngày tham quan thực tế các mô hình sinh khối từ chất thải nông nghiệp thành công tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trong 2 ngày diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ lắng nghe các tham luận và tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh một số nội dung chính như: (i) Định hướng phát triển năng lượng sinh khối toàn cầu và khu vực (Xu hướng toàn cầu trong việc sử dụng sinh khối làm nguồn năng lượng; Tổng quan về năng lượng sinh khối khu vực APEC: Hiện trạng, xu hướng và bối cảnh tương lai; Chiến lược ASEAN về năng lượng sinh khối bền vững cho cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn). (ii) Thúc đẩy năng lượng sinh khối trong khu vực APEC (Nguồn và chủng loại sinh khối từ chất thải nông nghiệp: Tiềm năng và thách thức về năng lượng sinh học bền vững cho phát triển nông thôn khu vực APEC; tiềm năng năng lượng sinh khối sử dụng chất thải của các sản phẩm cây trồng nông nghiệp cụ thể và khác nhau: Nghiên cứu điển hình về lúa và ngô). (iii) Chính sách và tài chính cho phát triển năng lượng sinh khối trong khu vực APEC (Cơ hội cho năng lượng sinh khối trong chính sách và tài chính khí hậu; thị trường tín dụng các-bon: Động lực phát triển năng lượng sinh khối từ chất thải nông nghiệp. (iv) Một số bài trình bày tiêu biểu của các nền kinh tế thành viên về kinh nghiệm sản xuất và sử dụng sinh khối.

    Tại phần thảo luận, các đại biểu tập trung bàn luận về nội dung sinh khối cho tăng trưởng: Tiềm năng và thách thức thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học trong cộng đồng nông nghiệp khu vực APEC. Trong phần này, các chuyên gia quốc tế và khu vực cũng chia sẻ về xu hướng toàn cầu và khu vực trong việc sử dụng sinh khối làm nguồn năng lượng; tiềm năng và thách thức để thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học trong khu vực APEC; các công nghệ hiện có về sản xuất sinh khối; chiến lược dàn hạn, ưu đãi và quy định cho phép triển khai công nghệ năng lượng sinh học; môi trường chính sách và thể chế cho phép, việc thực hiện các thông lệ tốt và công cụ chính sách để thúc đẩy năng lượng sinh học; kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên trong sản xuất và sử dụng sinh khối; cách xây dựng cơ chế hợp tác APEC để thúc đẩy sản xuất sinh khối từ chất thải nông nghiệp... Trong chuyến đi thực tế tại tỉnh Sơn La, các đại biểu sẽ được tham quan 2 mô hình tại Mộc Châu: (1) Mô hình sử dụng năng lượng sinh học để sản xuất điện từ chất thải chăn nuôi bò sữa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nông dân tại trang trại chăn nuôi bò sữa. (2) Mô hình sử dụng lõi ngô làm nhiên liệu sấy nông sản và ủ phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Tại đây, nông dân sẽ giới thiệu các công nghệ sản xuất sinh khối để tự sản xuất sinh khối phục vụ nhu cầu sử dụng của mình nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng và BVMT.

Bùi Hằng

 

Ý kiến của bạn