Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

12/04/2024

    Nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy đối thoại chính sách và khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm hỗ trợ hiệu quả quá trình chuyển đổi sang phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam, ngày 12/4/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” trong khuôn khổ Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT phát biểu tại Hội nghị

    Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ các Bộ/ngành, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN), các doanh nghiệp thứ cấp, tổ chức tài chính và nghiên cứu, hiệp hội, tổ chức quốc tế và cơ quan truyền thông, đây diễn đàn thảo luận chính sách và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn được các doanh nghiệp hết sức lưu tâm, để thúc đẩy chương trình triển khai mô hình tiêu dùng bền vững.

    Hoạt động triển khai mô hình KTTH trong KCN tại Việt Nam là bước quan trọng hướng tới sự phát triển bền vững. Mặc dù đã đạt được tiến bộ đáng kể như mô hình sản xuất sạch hơn và mạng lưới công nghiệp sinh thái, nhưng để đạt được hiệu quả tối ưu của KTTH việc tăng cường chính sách và ưu đãi để thúc đẩy sự  tham gia của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp và cơ quan quản lý là hết sức cần thiết. Sự chủ động trong quản lý và tái tạo tài nguyên được xem là chìa khóa quan trọng để tạo nên một môi trường sản xuất KCN thân thiện với môi trường và có thể giúp nâng cao cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT giới thiệu Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2035

    Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá cao vai trò của mô hình KCN sinh thái trong việc xanh hóa các KCN, thực hiện KTTH trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung và KCN nói riêng, trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng và thể hiện cam kết chính trị đối với các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

    Về những cơ hội KTTH đem lại góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, ông Smail Alhilali, Trưởng Ban Kinh tế tuần hoàn và Quản lý Hóa chất của UNIDO trụ sở chính, cho biết: “Thúc đẩy tính tuần hoàn trong các KCN có thể giúp Việt Nam không chỉ giảm tác động môi trường mà còn tạo cơ hội đổi mới và tăng trưởng xanh”. Đồng thời, tiềm năng phát triển KCN sinh thái trở thành trung tâm đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước.

TS. Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec chia sẻ mô hình KTTH tại KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng

    Nhiều năm qua, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, định hướng phát triển KTTH trong hệ thống chính sách và văn bản pháp luật. Luật BVMT 2020, Điều 142 quy định về KTTH và nhiều điều khoản khác có vai trò thúc đẩy thực hiện KTTH. Cụ thể hóa lộ trình trình thực hiện KTTH trong Luật BVMT, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã giao Bộ TN&MT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ banh hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH.

    Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT giới thiệu Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2035. Trong đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Kế hoạch hành động sẽ tập trung thực hiện các chỉ tiêu về Sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; Kéo dài vòng đời sản phẩm được hình thành từ nhựa; giảm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân đầu theo các năm; Đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững; Đóng góp vào thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, mục tiêu quan trọng đã được đề ra trong các Văn kiện của Đảng; Chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Toàn cảnh Hội nghị

    Để thúc đẩy triển khai thực hiện KTTH tại KCN sinh thái, ông Jerome Stucki, Trưởng ban KTTH và Hiệu quả tài nguyên của UNIDO Trụ sở chính, nhấn mạnh cam kết của UNIDO trong hỗ trợ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững thông qua thúc đẩy tính tuần hoàn trong ngành công nghiệp. Ông nhấn mạnh vai trò của UNIDO trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách và kỹ thuật về sử dụng các nguồn tài nguyên sạch hơn và hiệu quả hơn bao gồm nguyên vật liệu, năng lượng và nước, đồng thời thúc đẩy thực hiện KTTH và mô hình hợp tác kinh doanh trong phát triển các KCN sinh thái.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

    Tại các phiên thảo luận, các diễn giả đã giới thiệu chính sách về KTTH; Vai trò và tầm quan trọng của KCN sinh thái - hạt nhân thúc đẩy KTTH; Định hướng phát triển KTTH tại các KCN hiện nay. Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận và trao đổi tương tác về cơ hội và thách thức tích hợp các hoạt động KTTH giữa các ngành công nghiệp khác nhau trong các KCN. Hơn nữa, các chuyên gia trao đổi cách thức gắn kết giữa mục tiêu phát triển đô thị thông qua thúc đẩy các giải pháp cộng sinh công nghiệp và đô thị.

Nam Hưng

Ý kiến của bạn