Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Tham vấn Dự thảo Thông tư quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tại chế, xử lý chất thải

25/12/2023

    Ngày 22/12/2023, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức “Hội thảo tham vấn Dự thảo Thông tư quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tại chế, xử lý chất thải”.

    Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT cho biết, tại Điều 55 Luật BVMT năm 2020 và quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định EPR là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó được thải bỏ.

Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT phát biểu tại Hội thảo

    Theo đó, Luật BVMT năm 2020 quy định 2 trách nhiệm bao gồm tái chế và xử lý chất thải. Đối với trách nhiệm tái chế, doanh nghiệp phải tự mình tổ chức tái chế một số sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế. Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, bao bì phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải.

    Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng hội đồng EPR Quốc gia đã trình bày nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư. Theo đó, Dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, nhà sản xuất, nhập khẩu; Cơ chế hỗ trợ hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và hỗ trợ địa phương thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt/ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

    Về trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì, Dự thảo Thông tư quy định rõ về lộ trình thực hiện tái chế đối với các tất cả các loại pin, ắc-quy, dầu nhớt, săm, lốp bắt đầu từ ngày 1/1/2024, sản phẩm điện tử từ 1/1/2025 và phương tiện giao thông từ ngày 1/1/2027. Riêng đối với các loại bao bì (thực phẩm; mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; Chất tẩy rửa, chế phẩm gia dụng, nông nghiệp, y tế; bao xi măng) được thực hiện theo quy mô bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Ngoại trừ một số trường hợp như: Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; Nhà sản xuất bao bì có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; Nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.

    Tỷ lệ tái chế bắt buộc, quy cách tái chế bắt buộc được nêu chi tiết tại cột số 4, 5 phụ lục XXII, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022. Mức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam cũng được tính theo công thức: F = R x V x Fs, trong đó: F là số tiền phải nộp; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc; V là lượng sản phẩm, bao bì đưa ra thị trường; Fs là định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì. Việc tái chế sản phẩm, bao bì để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu phải được bóc tách khối lượng, có chứng từ riêng (cơ sở tái chế phải có chứng từ thu mua nguyên liệu đầu vào của quá trình tái chế là sản phẩm, bao bì (không bao gồm phế liệu nhập khẩu) và có chứng từ chứng minh quá trình tái chế các sản phẩm, bao bì này đáp ứng quy định về quy cách tái chế bắt buộc).

Quang cảnh Hội thảo

    Về cơ chế hỗ trợ hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và hỗ trợ địa phương thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt/bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Đối tượng được hỗ trợ là cơ quan, tổ chức được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền hoặc giao làm chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt/bao bì thuốc bảo vệ thực vật (chủ dự án); các dự án có quy mô từ cấp liên xã trở lên sẽ được hỗ trợ bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp hệ thống lưu giữ, trung chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; Dự án đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Dự án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ hộ gia đình, cá nhân; Dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt các điểm lưu giữ, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát và các khu vực công cộng bị ô nhiễm môi trường; Dự án thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

    Các dự án nhận được hỗ trợ cần đáp ứng các tiêu chí, ưu tiên do Bộ TN&MT công bố, đồng thời bảo đảm phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt/bao bì thuốc bảo vệ thực vật của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có văn bản xác nhận của UBND cấp tỉnh nơi thực hiện dự án về kinh phí đề nghị hỗ trợ chưa được bố trí từ các nguồn vốn khác, trường hợp kinh phí đề nghị hỗ trợ đã được đưa vào kế hoạch bố trí từ các nguồn khác thì phải cam kết đưa kinh phí đề nghị hỗ trợ ra khỏi kế hoạch bố trí từ các nguồn khác này; cam kết về triển khai phương án duy trì, vận hành đối với các dự án ngay sau khi kết thúc, phê duyệt hoàn thành…

    Góp ý vào Dự thảo, các đại biểu yêu cầu công bố danh sách các đơn vị tái chế; quy định/định mức tái chế dành cho từng loại sản phẩm tái chế; bổ sung thêm các đối tượng hỗ trợ tái chế; thu gom; chứng minh khả năng truy xuất nguồn gốc tái chế/ thu gom tái chế; quy định về khả năng của các đơn vị giám sát độc lập…

    Tổ Soạn thảo đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Thông tư.

Phùng Quyên

Ý kiến của bạn