Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Tham vấn các giải pháp về quản lý và chính sách nhằm quản lý bền vững rác thải nhựa

01/12/2023

    Nhằm chia sẻ một số kết quả nghiên cứu ban đầu của Dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” (3SIP2C), cũng như thảo luận, tham vấn các giải pháp về quản lý và chính sách nhằm quản lý bền vững rác thải nhựa, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế các khoa học Trái đất và môi trường lần thứ ba diễn ra tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), từ ngày 29-30/11/2023, hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đến từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, tổ chức phi Chính phủ làm việc trong lĩnh vực khoa học Trái đất, môi trường, chính sách, thủy sản... đã tham dự Hội thảo chuyên đề về nhựa, thảo luận bàn tròn về chính sách quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam và Triển lãm rác thải nhựa.

Giáo sư Thomas Wagner - Đại học Heriot Watt, Vương quốc Anh, đại diện nhóm thực hiện Dự án phát biểu khai mạc Hội thảo

    Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó nêu rõ, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta. Mặc dù khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới), tuy nhiên việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề về nhựa, Giáo sư Thomas Wagner - Đại học Heriot Watt, Vương quốc Anh, đại diện nhóm thực hiện Dự án cho biết, khẳng định, kết quả nghiên cứu của Dự án 3SIP2C góp phần làm rõ hơn về nguồn phát sinh rác thải nhựa đại dương và tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế - xã hội của cộng động cư dân ven biển, chất lượng môi trường, sức khỏe của hệ sinh thái và con người. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Dự án sẽ đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển tại Việt Nam.

Đồng Giám đốc Dự án tại Việt Nam, TS Ngô Thị Thúy Hường chia sẻ tại Hội thảo

    Tại Hội thảo, các nhà khoa học đến từ các cơ quan, Trường Đại học và Dự án 3SIP2C đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu phản ánh các thách thức khác nhau liên quan đến rác thải nhựa. Thông qua Hội thảo, Dự án đã nhận được nhiều đóng góp ý kiến quý báu cho các hoạt động triển khai trong thời gian tới. Các đại biểu tham dự đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của Dự án đối với vấn đề quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam. Một số đại biểu mong muốn được kế thừa các kết quả của Dự án sau này để phục vụ tốt hơn công tác xây dựng và thực hiện chính sách quản lý rác thải nhựa tại địa phương.

Quang cảnh phiên thảo luận bàn tròn

    Trong phiên thảo luận bàn tròn về chính sách quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận xoay quanh 5 chủ đề: Rác thải nhựa tại khu vực ven biển ở Việt Nam phát sinh từ đâu, chính sách về kiểm soát các nguồn phát sinh này; Nơi tích tụ của chúng, chính sách quản lý hiện nay đổi với khu vực tích tụ rác thải; Tác động của rác thải nhựa đối với khu vực ven biển của Việt Nam, chính sách để giảm thiểu tác động đối với khu vực ven biển; Các thách thức để giảm thiểu rác thải nhựa tại các cộng đồng ven biển, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu - đào tạo và các khối tư nhân; Giải pháp chính sách (cấp Trung ương và cấp địa phương) để giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các cộng đồng ven biển ở Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, đồng chủ trì Dự án TS. Vũ Kim Chi giới thiệu về tác phẩm “Nguồn và nơi tích tụ”

    Bên lề sự kiện cũng đã diễn ra Triển lãm tìm hiểu nguồn và nơi tích tụ của nhựa; trưng bày các sản phẩm của học sinh, sinh viên như thiết kế boardgame về rác nhựa, thả dừa nổi nhằm tìm hiểu đường đi của rác… Các sản phẩm được trưng bày tại Triển lãm là sản phẩm gắn kết giữa khoa học, nghệ thuật và sáng tạo của con người theo cách tiếp cận mới, gần gũi hơn, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, nâng cao hiệu quả tái chế chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

    Dự án 3SIP2C do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) tài trợ thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo - Vương quốc Anh (UKRI), được thực hiện bởi Đại học Heriot-Watt (Vương quốc Anh) và 6 đối tác tại Việt Nam, bao gồm: Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Trường Đại học Phenikaa, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nộị), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản; Viện Kinh tế Quy hoạch Thuỷ sản. Nghiên cứu này nhằm hiểu rõ hơn về nguồn phát sinh rác thải nhựa đại dương và đánh giá tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến các hoạt động khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch, sức khỏe hệ sinh thái và con người; từ đó đề xuất chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển tại Việt Nam và các ngành kinh tế liên quan như thủy sản, du lịch…

Hương Mai

Ý kiến của bạn