Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hội thảo về chính sách ưu đãi, hỗ trợ cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam

25/10/2024

    Ngày 25/10/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam tổ chức Hội thảo về chính sách ưu đãi, hỗ trợ cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở Việt Nam nhằm tham vấn ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, địa phương, các cơ quan quản lý về hoạt động ưu đãi, hỗ trợ tài chính, đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH và các nội dung liên quan. Đây cũng là một trong những Hội thảo hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí Môi trường của Viện.

    Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường; ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng; ông Michael Siegner - đại diện thường trú Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam; cùng đại diện của các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương; các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các trường và viện nghiên cứu.

Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội cùng với quá trình đô thị hóa và gia tăng dân số. Những yếu tố này đã đặt ra áp lực lớn đối với môi trường, đặc biệt là trong quản lý CTRSH. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số kéo theo gia tăng khối lượng, chủng loại CTRSH; còn nhiều bất cập trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, trong đó phương thức chôn lấp không hợp vệ sinh vẫn đang là chủ yếu.

    Theo báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2023, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn 61/63 tỉnh/thành phố là khoảng 67.877 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày). Tỷ lệ CRTSH được thu gom, xử lý tại đô thị trung bình khoảng 96,6%; tại khu vực nông thôn trung bình khoảng 77,69%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64%. Năm 2019 cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, trong số các bãi chôn lấp hiện nay chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã, do đó nhu cầu đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp là rất cần thiết. 

 Toàn cảnh Hội thảo

    Để xử lý ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, ngày 3/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 807/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi rác, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khắc phục ô nhiễm, giảm thiểu suy thoái, cải tạo và phục hồi môi trường. Mặc dù có nỗ lực đáng kể, nhưng đến nay, việc xử lý triệt để các bãi chôn lấp vẫn chưa hoàn thành do thiếu nguồn lực. Trên cả nước, có 116 bãi rác thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Đến năm 2019, chỉ có 8 bãi rác hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Ngay cả khi được chôn lấp hợp vệ sinh, CTRSH cũng gây ô nhiễm môi trường nước do không xử lý nước rỉ rác đạt yêu cầu theo quy định. Việc xử lý và cải tạo các bãi chôn lấp này đòi hỏi đầu tư lớn cũng như các biện pháp kỹ thuật và quản lý hiệu quả.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận với các nội dung như: Thực trạng công tác quản lý bãi chôn lấp CTRSH ở Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH; Tổng quan chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo phục hồi môi trường bãi chôn lấp CTRSH ở Việt Nam; Cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Xử lý, cải tạo môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Nam Định. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã cùng trao đổi và thảo luận các chính sách về đất đai, vốn đầu tư, thuế, phí và lệ phí để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH; đồng thời đề xuất một số khuyến nghị chính sách về ưu đãi, hỗ trợ cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH tại Việt Nam.

Nguyễn Hằng

 

Ý kiến của bạn