Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hội thảo tham vấn mô hình thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ tại Việt Nam

26/07/2024

    Ngày 26/7/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM); Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Văn phòng Hội đồng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất quốc gia (Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia) tổ chức Hội thảo tham vấn về mô hình thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ tại Việt Nam nhằm đề xuất giải pháp, cơ chế thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

    Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE; ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE; ông Đào Công Quyết, Trưởng ban truyền thông của VAMA; ông Lê Văn Vệ, Tổng thư ký hiệp hội – Đại diện chủ tịch VAMM và đại diện một số đơn vị của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Sở TN&MT, Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phú; đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia và các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, tái chế phế liệu…

Các đại biểu dành một phút tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

    Trước khi Hội thảo diễn ra, các đại biểu tham dự Hội thảo đã dành một phút tưởng niệm tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người chiến sỹ cộng sản trung kiên, tài năng, đức độ của dân tộc Việt Nam đã mãi mãi ra đi.

    Sau phút tưởng niệm, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng ISPONRE đã phát biểu khai mạc Hội thảo. Ông Nguyễn Đình Thọ cho biết: “Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phương tiện giao thông thải bỏ đang ngày càng tăng và trở thành một trong những thách thức lớn về môi trường. Quản lý phương tiện giao thông thải bỏ đúng cách là một nhiệm vụ đầy thách thức đòi hỏi phải xem xét nhiều vấn đề liên quan như quản lý phương tiện giao thông, quản lý môi trường, cơ chế tài chính, cơ chế thu hồi, công nghệ tái chế, điều kiện kinh tế xã hội...”.

Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng ISPONRE phát biểu khai mạc Hội thảo

    Theo ông Nguyễn Đình Thọ, ở nhiều nước phát triển, đặc biệt tại các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô được coi là thiết yếu, các chính sách liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được xây dựng. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một cách tiếp cận chính sách dựa trên việc quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm - không chỉ trong giai đoạn sử dụng mà cả khi sản phẩm của họ đã trở thành chất thải. Đây là cách tiếp cận chính sách hiệu quả để hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường.

    Tại Việt Nam, mô hình (EPR) tự nguyện (theo Luật BVMT 2014 và Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg) đã không phát huy được tác dụng mong muốn, không tạo ra cơ chế tài chính bền vững cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm sau sử dụng; không có tác động đến quá trình sử dụng nguyên liệu, thiết kế sản phẩm, chính sách bảo trì, bảo dưỡng sản phẩm để giảm chi phí tái chế bằng cách sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, thiết kế sản phẩm dễ thu gom, tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm... Đứng trước xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn thì việc áp dụng EPR theo mô hình bắt buộc là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm phải thu hồi, tái chế các phương tiện giao thông thải bỏ bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Do vậy, Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã đưa ra các quy định cụ thể hơn, khả thi hơn để thực hiện hiệu quả cơ chế EPR. Theo đó, phương tiện giao thông là một trong những loại sản phẩm phải thực hiện cơ chế EPR.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - đại diện nhóm nghiên cứu của ISPONRE trình bày tham luận

về thực trạng quản lý phương tiện giao thông và thu hồi, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ tại Việt Nam

    Trong thực tế hiện nay, việc thu hồi, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ chủ yếu được thực hiện bởi khu vực phi chính thức, là các cơ sở ở các làng nghề thu gom, tháo dỡ, tái chế. Trong khi đó, dòng phương tiện giao thông ở nước ta tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua với tỉ lệ sở hữu phương tiện giao thông đường bộ tăng mạnh với khoảng 70 triệu xe mô tô/xe gắn máy, 5-6 triệu xe ô tô đang lưu hành. Điều này đang đặt ra những thách thức lớn trong việc thực thi quy định pháp luật.

    Theo quy định tại khoản 4, Điều 77, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông có trách nhiệm thu hồi, tái chế các loại phương tiện giao thông cũ thải bỏ từ ngày 1/1/2027. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định việc thải bỏ phương tiện giao thông trước ngày 1/1/2025. Chính vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Tại Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu của ISPONRE đã có bài trình bày về thực trạng quản lý phương tiện giao thông và thu hồi, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ tại Việt Nam, đề xuất mô hình thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ tại Việt Nam; Kinh nghiệm của một số quốc gia về thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ. Tiếp đó là các ý kiến chia sẻ của VAMM, VAM về khó khăn, thách thức của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã góp ý cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thải bỏ phương tiện giao thông nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn