Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hiện thực hóa các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững

17/11/2023

    Sáng ngày 16/11/2023, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề “Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”. Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp lớn, Trường Đại học, Viện nghiên cứu, cùng chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thời đại

    Phát biểu đề dẫn Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ tuấn Nhân nhấn mạnh, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp và tuần hoàn đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỉ XXI. Đây là cơ hội để thế giới chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.

    Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ban hành kèm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn dưới luật. Bên cạnh đó, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường đã góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả. Với mong muốn xây dựng được bản kế hoạch phù hợp nhất với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu BVMT ở Việt Nam, Thứ trưởng võ Tuấn Nhân khẳng định, Diễn đàn sẽ là cơ hội tốt để các tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ, gợi ý, góp ý về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm đóng góp trách nhiệm hiện thực hóa các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Diễn đàn

    Chia sẻ tại Diễn đàn, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Ramla Khalidi cho rằng, trên cơ sở thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp và kinh tế tuần hoàn, Việt Nam hoàn toàn có thể dẫn dắt cũng như định hướng con đường phát triển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt thông qua đầu tư vào 3 nhóm vấn đề chiến lược: thiết kế tốt hơn cho kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao vốn con người. Do đó, UNDP khuyến nghị áp dụng lộ trình thiết kế sinh thái, bắt đầu từ các yêu cầu chung mang tính sinh thái cho các sản phẩm như bao bì, nhựa, thực phẩm, đồ uống, dệt may, điện tử, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và lớn. Các quy định này từng bước kết hợp với các chính sách về “mua sắm công xanh” sẽ thúc đẩy sức mua của chính quyền địa phương và Trung ương để kích thích tiêu dùng và sản xuất bền vững. Cùng với đó, việc thúc đẩy các tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) của doanh nghiệp cũng sẽ khuyến khích sự liên kết của hoạt động kinh doanh và giúp tiếp cận nguồn vốn xanh.

    Đại diện cho khối doanh nghiệp trong Mạng lưới Đối tác chuỗi cung ứng Thái Lan tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn SCG Roongrote Rangsiyopash khẳng định, Mạng lưới sẽ tích cực cộng tác với các đối tác tại Việt Nam để áp dụng và thực hành các nguyên tắc ESG, từ đó, thúc đẩy thực hiện kinh tế toàn hoàn và hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của khối kinh tế ASEAN trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn

    Cùng với Tập đoàn SCG, đại diện Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức Ellen MacArthur Foundation, Tập đoàn Unilever, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank)… cũng đã trao đổi và thảo luận về cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế toàn hoàn tại các ngành, lĩnh vực từ cấp Trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đều thống nhất rằng, cơ chế tài chính như thúc đẩy thị trường các-bon, nguồn tài chính đổi mới cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái cũng như huy động sự tham gia của tư nhân trong hoạt động quản lý chất thải được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện kinh tế toàn hoàn trong thời gian tới.

Đóng góp hoàn thiện chính sách về kinh tế tuần hoàn

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc thực hiện kinh tế toàn hoàn là một lộ trình dài hạn với những định hướng và hành động chiến lược hướng đến các khía cạnh như: nhận thức, hành vi và văn hóa, hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực, thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế theo hướng bền vững, chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.

    "Câu chuyện của kinh tế tuần hoàn cách đây 5 năm là một điều rất xa, chỉ nằm trên nghiên cứu nhưng nay là giải pháp, là bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

    Để thúc đẩy kinh tế toàn hoàn, theo Phó Thủ tướng, cần phải có một kế hoạch rõ ràng, các mục tiêu cụ thể và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội; đồng thời, cần phải có một hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất. Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 được tổ chức gần với thời điểm COP28 được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã truyền tải ý nghĩa sâu sắc trong việc truyền tải thông điệp của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế về những thách thức, nguy cơ và tác động tiêu cực của BĐKH, sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu; Tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động giảm phát thải khí nhà kính (các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch trung hòa các-bon, chuyển đổi năng lượng…); Thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, đa phương, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế nhằm huy động hỗ trợ Việt Nam thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Do đó, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu tham dự Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

    Thay mặt Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ Đặng Quốc Khánh bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ, đồng thời đánh giá cao những chia sẻ quý báu của các đại biểu tại Diễn đàn. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn; có cơ chế khuyến khích và tạo cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi cấu trúc quản lý, đổi mới, tiếp cận công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến để đóng góp vào tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

    Bộ trưởng cũng cho biết thêm, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức xây dựng Dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” để cụ thể hóa lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn được giao tại Điều 142 của Luật BVMT và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cuối năm nay. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đồng thời đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng và hết sức cần thiết.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày bên lề Diễn đàn

    Trong buổi chiều, Diễn đàn tiếp tục được chia thành 3 phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: (i) Lộ trình triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn; (ii) Phương pháp tiếp cận ESG để thực hiện kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp và (iii) Cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn.

Nam Việt

Ý kiến của bạn