Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Giới thiệu Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật hiện có tốt nhất cho ngành sản xuất giấy và bột giấy

13/11/2023

    Ngày 10/11/2023, tại Hà Nội, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Dự thảo hướng dẫn ký thuật hiện có tốt nhất cho ngành sản xuất giấy và bột giấy” nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp để hoàn thiện Dự thảo.

    Ngành công nghiệp giấy Việt Nam là một trong những ngành kinh tế lớn, có tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế nói chung và kinh tế công nghiệp nói riêng. Tính đến năm 2022, ngành giấy Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất, trong đó có hơn 80% là doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, công suất dưới 10.000 tấn/năm. Năng lực sản xuất toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn. Để sản xuất ra một tấn giấy thành phẩm, các nhà máy Việt Nam phải sử dụng khoảng 2 tấn gỗ và 100 - 350 m3 nước, trong khi các nhà máy giấy hiện đại của thế giới chỉ sử dụng 7 - 15 m3. Sự lạc hậu này không chỉ gây lãng phí nguồn nước ngọt, mà còn khiến doanh nghiệp tăng chi phí xử lý nước thải, nhất là công đoạn tẩy trắng - công đoạn gây ô nhiễm lớn nhất (chiếm 50 - 70% tổng lượng nước thải và từ 80 - 95% tổng lượng dòng thải ô nhiễm). Bên cạnh đó, quá trình sản xuất còn phát sinh từ 45 - 48 kg chất thải rắn/tấn sản phẩm.

Toàn cảnh Hội thảo

    Ở Việt Nam, kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT), lần đầu tiên được đưa vào Luật BVMT năm 2020 và được đã định nghĩa là “giải pháp kỹ thuật tốt nhất được lựa chọn bảo đảm phù hợp với thực tế, hiệu quả trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường” (Khoản 36, Điều 3, Luật BVMT năm 2020). Điều 105 Luật BVMT đã quy định, BAT sẽ được áp dụng cho các dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo lộ trình được Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, Điều 53, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 đã quy định chi tiết lộ trình áp dụng BAT cho các đối tượng có liên quan, theo đó các dự án đầu tư thuộc ngành sản bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế hoặc từ sinh khối thuộc nhóm dự án mức I (Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) sẽ phải nghiên cứu, áp dụng BAT đối với ít nhất một hoạt động hoặc công đoạn sản xuất trước ngày 1/1/2027. Chính vì thế, việc xây dựng Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật áp dụng BAT cho ngành sản xuất giấy, bột giấy là rất cần thiết.

Các đại biểu tại Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Quy định về BAT tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế áp dụng BAT cho ngành giấy, bột giấy; một số nội dung trong Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật áp dụng BAT cho ngành sản xuất giấy, bột giấy. Đa số các đại biểu cho rằng, nhóm nghiên cứu cần lập luận sự cần thiết ban hành tài liệu hướng dẫn này; nêu rõ quy trình, đánh giá công nghệ, từ đó xây dựng tiêu chí lựa chọn; hướng dẫn kỹ thuật cần cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp dễ thực hiện; doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ các điều kiện để áp dụng BAT; trách nhiệm của các bên liên quan…

    Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo ghi nhận và cảm ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và chi tiết trong Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật áp dụng BAT cho ngành sản xuất giấy, bột giấy. Đồng thời khẳng định, nhóm nghiên cứu sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo với chất lượng cao nhất.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn