Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Đề xuất giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện đối với ngành nhựa trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn

26/12/2023

    Ngày 22/12/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp cùng Ban Quản lý Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) làm Chủ Dự án và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức Hội thảo “Đề xuất giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện đối với ngành nhựa trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn - KTTH”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Phó Viện trưởng ISPONRE TS. Mai Thanh Dung; đại diện Ban Quản lý Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) đại dương tại Việt Nam”; VASI; WWF và các chuyên gia, nhà khoa học…

Phó Viện trưởng ISPONRE TS. Mai Thanh Dung phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng ISPONRE Mai Thanh Dung cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ TN&MT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) thực hiện KTTH. Trong quá trình xây dựng Dự thảo KHHĐQG thực hiện KTTH, Viện đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về nội dung ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên cần áp dụng KTTH, đặc biệt đối với ngành nhựa. Hội thảo hôm nay được tổ chức  nhằm mục tiêu tham vấn các bên liên quan về đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện đối với ngành nhựa hỗ trợ quá trình xây dựng Dự thảo KHHĐQG thực hiện KTTH. Các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ đóng góp hiệu quả cho quá trình xây dựng và hoàn thiện KHHĐQG thực hiện KTTH trong thời gian tới.

    KTTH là cách tiếp cận đang nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng quốc tế (bao gồm cả các tổ chức quốc tế, nhà khoa học và Chính phủ của nhiều quốc gia) để nghiên cứu, thể chế hóa vào các chính sách, hành động cụ thể. Việt Nam đã ban hành các chủ trương, định hướng phát triển KTTH trong hệ thống chính sách và văn bản pháp luật. Cụ thể, Điều 142 Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể về tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện KT - XH của Việt Nam. Trong các nhiệm vụ quy định tại lộ trình KTTH, đến cuối năm 2023, Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng KHHĐQG thực hiện KTTH. Nội dung KHHĐQG thực hiện KTTH yêu cầu xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong lộ trình thực hiện KTTH và áp dụng các tiêu chí, chỉ số để đánh giá việc thực hiện KTTH đối với lĩnh vực đó. Quá trình nghiên cứu về tính sẵn sáng áp dụng KTTH trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, hiện trạng phát sinh và các thuận lợi, khó khăn của từng ngành cho thấy ngành nhựa là một trong những ngành ưu tiên cần thúc đẩy áp dụng KTTH trong thời gian tới.

    Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 -  0,73 triệu tấn, thực tế này khiến Việt Nam được đánh giá là một trong những nguồn phát sinh RTN lớn trên thế giới (World Bank, 2021). Theo Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, tổng lượng RTN được thu gom năm 2021 là 2,4 triệu tấn (trong số tổng 2,9 triệu tấn lượng chất thải nhựa phát sinh), tuy nhiên, chỉ có 0,9 triệu tấn RTN được phân loại cho tái chế và 0,71 triệu tấn rác được tái chế.

                        Toàn cảnh Hội thảo

    Giới thiệu về KHHĐQG thực hiện KTTH, TS. Lại Văn Mạnh ISPONRE cho biết, các ngành, lĩnh vực và sản phẩm ưu tiên thực hiện KTTH bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ và thủy sản; Năng lượng; Khai thác và chế biến khoáng sản; Hóa chất; công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng và giao thông vận tải; Lĩnh vực trung gian, cộng sinh (du lịch, cộng sinh công nghiệp, đô thị); lĩnh vực hỗ trợ thực hiện KTTH. Các giải pháp trong KHHĐ thực hiện KTTH là: Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt thể chế, chính sách; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Hỗ trợ áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh,tiêu dùng; Quản lý chất thải theo hướng KTTH; Liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá.

    Báo cáo tại Hội thảo về thúc đẩy mô hình tái sử dụng trong thực hiện KTTH, ThS. Nguyễn Thế Thông giới thiệu về thực tiễn áp dụng các mô hình tái sử dụng trên thế giới như: Mô hình kinh doanh đồ second hand tại Nhật Bản, Ôxtrâylia; Mô hình đặt cọc hoàn trả ở Áo; Mô hình reuse-refill ở Vương Quốc Anh… Qua kinh nghiệm thực hiện các mô hình tái sử dụng, đề xuất giải pháp thực hiện tái sử dụng trong KTTH tại Việt Nam, cụ thể: tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp đã, đang và sẽ áp dụng các mô hình tái sử dụng tại Việt Nam; thống kê thông tin dữ liệu đầy đủ của các loại sản phẩm, chất thải áp dụng các mô hình tái sử dụng; mở rộng tính kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong triển khai các mô hình tái sử dụng; nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc tiêu thụ các sản phẩm có thể tái sử dụng.

    Kết luận Hội thảo, đại diện Ban quản lý Dự án “Giảm thiểu RTN đại dương” cho biết, xây dựng KHHĐQG thực hiện KTTH là một trong những hoạt động khởi động trong lộ trình hiện thực KTTH tại Việt Nam. Để tạo thuận lợi trong phát triển KTTH tại Việt Nam cần thúc đẩy sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, cập nhật thông tin cho địa phương, triển khai, nhân rộng các hoạt động nâng cao nhận thức đối với cá nhân về vai trò và lợi ích của mô hình KTTH.

Châu Loan

Ý kiến của bạn