Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu

15/09/2015

     Ngày 3/12/2013, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) tổ chức Hội thảo Quản lý, theo dõi và đánh giá nỗ lực ngân sách của Nhà nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).      Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Rémi Genevey, Giám đốc AFD cho biết, trong một số cuộc gặp cấp cao gần đây, chủ đề chống BĐKH được xem như một hướng hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Pháp, nhất là để chuẩn bị cho Hội nghị Biến đổi khí hậu tổ chức tại Pari vào năm 2015. Từ năm 2009, qua Chương trình hỗ trợ thích ứng với BĐKH (SPRCC), AFD đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam triển khai và xây dựng các chính sách chống BĐKH.   Toàn cảnh Hội thảo        Theo AFD, ước tính đến 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 125 triệu dân, do đó sẽ gặp phải các thách thức như: tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên, nhu cầu sử dụng năng lượng trong khi phải hướng tới phát triển nền công nghiệp năng lượng các bon thấp, đồng thời quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hiện tại, Việt Nam đã cam kết thực hiện cải cách ngân hàng, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và điều chỉnh đầu tư công. Song Việt Nam cần phải tiếp tục công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế để đảm bảo phát triển bền vững. Trong đó, cần ưu tiên ứng phó với các hệ quả của BĐKH, nhất là tại hai vùng đồng bằng châu thổ lớn của Việt Nam (đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mêkông).      Đánh giá tình hình thực hiện việc chống BĐKH tại Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong quá trình thực hiện việc ứng phó với BĐKH, dù đã đạt được những thành quả nhất định, song Việt Nam vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như: Cần huy động nguồn kinh phí để thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh trước năm 2020; Các chính sách để huy động và kêu gọi các nguồn tài chính, đặc biệt là các quỹ khí hậu quốc tế còn thiếu; sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…       Cũng tại Hội thảo, Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (ADETEF) cho biết, sẽ huy động các chuyên gia để hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong khối ASEAN, nhất là các nước thuộc vùng sông Mêkông, dưới hình thức tổ chức các đoàn công tác nghiên cứu khảo sát và các khóa học, hội thảo chuyên đề. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ Việt Nam có cơ hội được học tập và trao đổi nghiệp vụ tại Pháp; Tăng cường trả lời các gói thầu của các nhà tài trợ đa phương tại Việt Nam và trong khối ASEAN, nhằm tư vấn hiệu quả và phù hợp với chính sách phát triển của các nước thụ hưởng và các nhà tài trợ.   Theo Dangcongsan.vn  
Ý kiến của bạn