Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

TP. Cần Thơ: Đảm bảo khai thác, bảo vệ bền vững an ninh nguồn nước

05/07/2023

    Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước từng bước được hoàn thiện; nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngành nước được tăng cường. Công tác điều tra cơ bản, quy hoạch liên quan đến nguồn nước được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi, phòng, chống thiên tai được thực hiện thường xuyên. Hợp tác quốc tế được mở rộng, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam trong khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Đối với TP. Cần Thơ, những năm qua, công tác đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập chứa nước được đặc biệt quan tâm.

Hình 1. Hệ thống sông, rạch TP. Cần Thơ (Nguồn: UBND TP. Cần Thơ)

    Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều thế mạnh về tự nhiên và con người để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Hệ thống sông rạch là tiềm năng quan trọng bậc nhất của Cần Thơ với sông Hậu, sông Cần Thơ và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Hệ thống kênh đào cấp trục phân bố khá đều ở Cần Thơ, trung bình khoảng 4 - 5km có một kênh. Các kênh này có bề rộng từ 10 đến 30m, độ sâu đáy khoảng từ -2 đến -5m. Mỗi kênh trục có hàng chục kênh nhánh nối vào. Các kênh, rạch này cùng với sông Hậu, sông Cần Thơ tạo thành một mạng lưới quan trọng trong việc phân phối, cấp/tiêu thoát nước cũng như giao thông thủy của thành phố. Tuy nhiên, những tác động từ quá trình đô thị hóa, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, hạn hán, xâm nhập mặn và các vấn đề về tài nguyên nước xuyên biên giới đã và đang đặt ra những thách thức đối với nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố. Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu (BĐKH), suy thoái kinh tế... nhưng công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn luôn được tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Năm 2021, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 250/KH-UBND về thực hiện “Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn thành phố. Theo đó, mục tiêu chung nhằm tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất, điều tra đánh giá, thống kê, kiểm kê tài nguyên nước, quan trắc giám sát tài nguyên nước, phục vụ khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH, quốc phòng, an ninh trên các lưu vực sông, các vùng kinh tế, phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước được xử lý, lưu trữ trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng, bảo vệ bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước thành phố và kết nối chung với hệ thống quản lý cấp quốc gia. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ, thuờng xuyên, hoàn thành việc xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước thành phố; hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và các tác hại khác do nước gây ra; hoàn thành việc xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước thành phố; báo cáo định kỳ hằng năm về sử dụng tài nguyên nước của thành phố.

    Gần đây nhất, để bảo vệ và dự trữ nguồn tài nguyên nước trong sông, rạch, ao, mương, ngày 2/11/2022, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3771/QÐ-UBND phê duyệt, công bố danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn. Theo Quyết định này, có 64 hồ, kênh, rạch không được san lấp. Trong đó, quận Bình Thủy có số kênh, rạch không được san lấp nhiều nhất với 41 kênh, rạch (rạch Khoán Châu, Ông Dựa, Ngã Nhánh, Miễu Ông, Chanh - phường Long Tuyền; Rạch Bàng, Bông Vang, Nhum, Chuối, Ranh, Ngã Cái, Cái Tắc, Ngã Bát, Mương Khai, Hàng Bàng, Bà Bộ - phường Long Tuyền…). Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng đã thông báo đến các Sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố, đồng thời đề nghị triển khai thực hiện những nội dung như tuyên truyền các danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn qua cổng thông tin điện tử của đơn vị đang quản lý; tuyên truyền, phổ biến danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp đến các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, người dân đang sinh sống trên địa bàn biết, quản lý và thực hiện khai thông; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, lấn chiếm, san lấp, xây dựng trái phép, các hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật; thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn mình quản lý,

    Ngoài ra, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tận dụng nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất..., trong đó có Dự án “Thích ứng BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững - Thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước TP. Cần Thơ” được triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay. Dự án đã khảo sát, tìm hiểu hiện trạng hệ thống nước, quy hoạch phát triển đô thị và những tác động BĐKH lên môi trường nước thành phố; thiết lập, tập hợp các phương án chiến lược nhằm phát triển bền vững hệ thống môi trường nước có tính thích nghi với BĐKH; nghiên cứu chất lượng nước mưa, xây dựng phương án tận dụng nguồn nước này tại 1.200 gia đình thuộc 5 quận trên địa bàn thành phố và hướng tới nhân rộng ra toàn địa bàn. Đồng thời, giai đoạn 2015 - 2017, TP. Cần Thơ thực hiện dự án “Khung hỗ trợ quá trình ra quyết định cho công tác quản lý nước trong điều kiện nguồn nước thay đổi”, triển khai tại 10 phường thuộc quận Ninh Kiều, thông qua số liệu thu thập, xây dựng hoàn chỉnh mô hình đa tác nhân hỗ trợ quá trình ra quyết định, đưa ra các kịch bản khác nhau liên quan đến công tác quản lý và quy hoạch nguồn nước. Đây là cơ sở đề xuất các chính sách và chiến lược phù hợp về công tác quản lý nguồn tài nguyên nước cho thành phố.

    Nhằm nâng cao công tác quản lý, phân bổ nguồn nước giữa các địa phương, các ngành, các đối tượng dùng nước, đáp ứng các nhu cầu phát triển KT - XH, TP. Cần Thơ cũng đã thực hiện Dự án Quy hoạch tài nguyên nước mặt do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam làm đơn vị tư vấn. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng nguồn nước mặt và dự báo nhu cầu sử dụng trong tương lai, đơn vị tư vấn đề xuất các giải pháp giúp thành phố quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước mặt phù hợp. Về giải pháp kỹ thuật, cần thường xuyên điều tra đánh giá tài nguyên nước; duy trì xây dựng mạng quan trắc và theo dõi đánh giá diễn biến tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng khai thác và sử dụng; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý. Đối với giải pháp quản lý, thành phố cần xây dựng cơ chế chính sách quản lý; thường xuyên thanh, kiểm tra; tăng cường cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ về bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

    Hiện TP. Cần Thơ đang tiếp tục triển khai thực hiện các Ðề án "Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP. Cần Thơ", Dự án "Lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phân định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP. Cần Thơ"; lập quy hoạch và điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP. Cần Thơ…".

    Bên cạnh đó, trong công tác quản lý, cấp phép, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, TP. Cần Thơ luôn tuân thủ theo đúng các quy định pháp của pháp luật; triển khai thực hiện khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo chủ trương không cấp mới khai thác nước dưới đất cho những khu vực đã có nước máy đảm bảo cung cấp; bố trí các trạm quan trắc động thái nước dưới đất ở 9/9 quận, huyện nhằm theo dõi diễn biến nguồn nước. Cùng với đó, TP. Cần Thơ đưa vào vận hành một số trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục đặt gần các khu công nghiệp, vị trí lấy nước cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt. Với việc đầu tư xây dựng các trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục sẽ giúp cho thành phố kịp thời nắm bắt thông tin trước những diễn biến thay đổi đột ngột của môi trường nước mặt để đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả. Theo báo cáo hiện trạng môi trường TP. Cần Thơ 5 năm giai đoạn 2015-2020, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt ô nhiễm tập trung giai đoạn 2015-2020 có dấu hiệu cải thiện so với giai đoạn 2010-2015, nước ngầm tại khu vực dân cư đã có sự cải thiện so với giai đoạn trước. Năm 2022, UBND TP. Cần Thơ đã cấp 88 giấy phép khai thác nước dưới đất, với tổng lưu lượng khai thác 169.956 m3/ngày, đêm; cấp 10 giấy phép khai thác nước mặt, với tổng lưu lượng 60.780 m3/ngày, đêm; ban hành 14 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước… Việc cấp phép khai thác tài nguyên nước thực hiện đúng quy định pháp luật và theo đúng chủ trương của UBND thành phố là nơi nào có hệ thống cấp nước máy đảm bảo chất lượng thì không cấp và gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước. Việc cấp phép này phù hợp với tình hình của địa phương và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong điều kiện BĐKH ngày càng phức tạp…

    Có thể nói, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được TP. Cần Thơ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm về an ninh nước, còn thiếu khung pháp lý được xây dựng theo hướng tiếp cận quản lý tổng hợp, đa ngành cho an ninh nguồn nước, mặc dù nội hàm và trách nhiệm về quản lý an ninh nước đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Bảo vệ tài nguyên nước dù đã được luật hóa tại Luật Tài nguyên nước năm 2012; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/0215 của Chính phủ quy định hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm phòng chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước song Luật cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương theo hướng phân cấp tối đa cho địa phương, phân định rõ trách nhiệm, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của địa phương trong quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên nguyên tắc tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy)... Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có TP. Cần Thơ đảm bảo mục tiêu khai thác, bảo vệ bền vững an ninh nguồn nước.

Phạm Thị Lan Anh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2023)

Tài liệu tham khảo:

1. Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Quyết định số 140/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo hiện trạng môi trường TP. Cần Thơ 5 năm (giai đoạn từ 2015-2020).

3. Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/0215 của Chính phủ quy định hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm phòng chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước.

4. Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13.

5. Quyết định số 3771/QÐ-UBND của UBND TP. Cần Thơ phê duyệt, công bố danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn.

6. Kế hoạch số 250/KH-UBND của UBND TP. Cần Thơ về thực hiện “Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn thành phố.

Ý kiến của bạn