Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Phát huy vai trò cung cấp thông tin của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường

06/09/2023

    ​1. Đặt vấn đề

    Kế thừa và phát triển tư tưởng trọng dân, dựa vào sức dân trong lịch sử dụng nước và giữ nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong xây dựng chính quyền. Nếu biết huy động và tổ chức sức mạnh của nhân dân thì sức mạnh đó trở thành vô địch [4]. BVMT đang ngày càng được xã hội quan tâm. Xác định được ý nghĩa và trách nhiệm trong công tác BVMT, các cấp, ngành đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực nhằm huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng chung tay BVMT.

    Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT. Nhiều địa phương đã hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả, tiêu biểu [2,6]; sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong việc thu thập, cung cấp thông tin về BVMT, trong đó có đánh giá kết quả BVMT của doanh nghiệp, lên tiếng phản đối, tạo sức ép, lên án các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến tài nguyên nhiên nhiên.

    Với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lẩn tránh, không thực hiện nghĩa vụ BVMT, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Sự phản ứng của cộng đồng, nếu đủ mạnh, sẽ buộc các tổ chức, cá nhân này phải tuân thủ các quy định của pháp luật BVMT. Cộng đồng dân cư là lực lượng nòng cốt để đấu tranh, phản đối gay gắt, thậm chí hình thành làn sóng, sức mạnh dư luận lên án các các nhân, tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến tài nguyên nhiên nhiên [5]. Vì vậy, cần có các giải pháp hiệu quả hơn từ cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát huy sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong việc giám sát, thu thập, cung cấp thông tin về BVMT với cơ quan có thẩm quyền.

    ​2. Vai trò của cộng đồng trong hoạt động BVMT

    Theo Luật BVMT năm 2020, cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam [7]. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra. Trong bối cảnh đất nước còn hạn chế về nguồn lực, cần phải biết huy động tài lực, trí lực, vật lực, nhân lực từ nhân dân để xây dựng chính quyền [4]. Trong lĩnh vực quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, Nhà nước cũng đã huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng chung tay BVMT.

    Tại nhiều địa phương, cộng đồng dân cư thông qua các tổ chức Hội, nhiều phong trào, mô hình về BVMT được gây dựng, duy trì hoạt động vừa mục đích để tuyên truyền đến người dân, đồng thời trực tiếp thu hút cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Có thể ghi nhận những mô hình như: “Phụ nữ sống xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Phân loại rác tại nguồn” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xanh - Sạch - Đẹp” trong các trường học... [2,6] đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường tại khu vực sinh sống.

    Cộng đồng cũng đã trực tiếp tham gia xử lý các sự cố liên quan đến môi trường như phòng chống cháy rừng, lụt bão, khơi thông kênh mương, dọn vệ sinh môi trường sau bão, lũ, đấu tranh BVMT,... [5]. Theo thống kê, có trên 50% vụ việc vi phạm pháp luật BVMT do người dân, cộng đồng tại địa phương phát hiện, phản ánh với cơ quan có thẩm quyền [5]. Người dân nhiều địa phương đã chủ động và phối hợp giám sát, thu thập dữ liệu, hình ảnh, củng cố hồ sơ pháp lý, chứng cứ, hình ảnh... nhằm khẳng định và xác nhận các hành vi vi phạm pháp luật BVMT của tổ chức, doanh nghiệp để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng. Đồng thời, người dân là lực lượng tiêu dùng đông đảo có thể từ chối, loại bỏ các sản phẩm hàng hóa của tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

    Tuy nhiên, trước thực trạng môi trường hiên nay, vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong BVMT vẫn còn hạn chế do việc tiếp cận thông tin của người dân còn gặp khó khăn; bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng về BVMT, nhất là cấp địa phương, cấp cơ sở vẫn chưa thường xuyên và chưa hiệu quả.

    3. Quy định pháp luật đối với cộng đồng trong hoạt động BVMT

    Để khẳng định vị trí, vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành, tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT, lần đầu tiên, Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung cộng đồng dân cư vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật.

    3.1. Chính sách của Nhà nước về BVMT đối với cộng đồng dân cư

    Tạo điều kiện thuận lợi để tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT.

    Bảo đảm quyền lợi khi có đóng góp cho hoạt động BVMT; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

    Tôn vinh, khen thưởng khi có đóng góp tích cực trong hoạt động BVMT theo quy định của pháp luật.

    3.2. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong BVMT

    Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có quyền yêu cầu chủ dự án đầu tư, cơ sở cung cấp thông tin về BVMT thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác BVMT của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

    Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với dự án đầu tư, cơ sở đó, trừ trường hợp các thông tin này thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

    Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả BVMT của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thực hiện biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

    Chủ dự án đầu tư, cơ sở phải thực hiện yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

    Các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khác, như: Được UBND cấp tỉnh cảnh báo trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng; Được UBND cấp xã hướng dẫn đưa nội dung BVMT vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa; Có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động BVMT khi được hưởng lợi từ môi trường…

    ​3.3. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường

    Cộng đồng dân cư có khả năng bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường được UBND cấp xã thông báo về nguy cơ sự cố và biện pháp ứng phó sự cố môi trường của các cơ sở xung quanh; được thông tin, tham gia và giám sát hoạt động ứng phó sự cố môi trường.

    Thời điểm bắt đầu và kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường và giai đoạn phục hồi môi trường phải được cơ quan, người có thẩm quyền công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng dân cư biết, tham gia và giám sát.

    Người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường và người phát ngôn về sự cố môi trường có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời về sự cố môi trường cho cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng dân cư. Thông tin về sự cố môi trường do người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường và người phát ngôn về sự cố môi trường cung cấp, công bố là thông tin chính thức.

    4. Phát huy vai trò cung cấp thông tin của cộng đồng trong hoạt động BVMT

    Để phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong BVMT, Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung quy định “cộng đồng dân cư” là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT. Luật BVMT năm 2020 đã thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong BVMT và các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia BVMT.

    Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định “Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT”. Người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, qua các ứng dụng trên điện thoại. Chủ dự án phải có trách nhiệm trong việc tham vấn cộng đồng dân cư ngay từ khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

    Ngày 24/1/2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường [1]. Theo đó, Bộ TN&MT sẽ tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về BVMT. Quy chế xác định, kết quả xác minh, xử lý vụ việc phản ánh qua đường dây nóng cập nhật trên Hệ thống thông tin là căn cứ để đánh giá kết quả công tác BVMT của các địa phương hàng năm.

    Hiện nay, ứng dụng trên thiết bị di động phục vụ tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về TN&MT có tên paknMonre [1]. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai ứng dụng phản ánh kiến, nghị trên thiết bị di động, như Hà Nội, Bắc Ninh và Khánh Hòa [8,10]. Đây là hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh phục vụ các hoạt động liên quan tới tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân. Tại Bắc Ninh, ứng dụng được đưa vào hoạt động từ năm 2019, hiện đã và đang trở thành một kênh thông tin tương tác quan trọng giữa Chính quyền và người dân với hơn 11.0000 lượt tải, cài đặt trên cả 2 hệ điều hành: IOS và Android. Với gần 3.000 lượt phản ánh tại gần 30 lĩnh vực, tỷ lệ giải quyết khoảng 90% (số liệu năm 2022) [10]. Hoạt động hiệu quả này đã góp phần tích cực cải thiện mức độ hài lòng của người dân với chính quyền cũng như nâng cao thứ hạng các bộ chỉ số đánh giá về tỉnh. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát cho thấy, một số tỉnh vẫn chưa phát huy hiệu quả trong việc triển khai ứng dụng này. Vì vậy, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, xây dựng và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh kiến nghị của người dân.

    Để phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng dân cư đối với hoạt động cung cấp thông tin phụ vụ quản lý, kiểm soát môi trường một cách hiệu quả hơn, cần thực hiện một số giải pháp như:

    Một là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến luật BVMT một cách có định hướng, trong đó chú trọng tuyên truyền các quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong BVMT. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân về sử dụng hệ thống tiếp nhận và thực hiện phản ánh, kiến nghị thông tin về môi trường.

    Hai là, tăng cường công khai, minh bạch về thông tin về môi trường. Hình thức công khai được thực hiện thông qua cổng thông tin của cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua ứng dụng thiết bị di động và các hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin và thực hiện giám sát.

    Ba là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về BVMT, qua đó giúp cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động BVMT thông qua công nghệ thông tin, tương tác trên máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng...

    Bốn là, xây dựng quy trình và hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, bảo đảm đúng thời hạn trả lời theo quy định; thường xuyên theo dõi, tương tác, trao đổi trên hệ thống khi có ý kiến trao đổi của người dân để làm rõ nội dung phản ánh, kiến nghị trong quá trình xử lý; thực hiện chuyển trả các phản ánh kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết theo đúng trình tự quy định.

    Năm là, khuyến khích tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường. Phát động phong trào thi đua và có hình thức khen thưởng khi người dân có thành tích trong việc phát hiện, tố giác các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

    ​5. Kết luận

    Luật BVMT năm 2020 đã khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định của công tác BVMT. Luật đã đưa cộng đồng dân cư vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT. Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT. Có nhiều mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả. Để tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng trong BVMT và phản ánh thông tin phục vụ quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường cần thực hiện tuyên truyền phổ biến quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong BVMT, công khai minh bạch thông tin về môi trường, thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của người dân và có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân và cộng đồng cung cấp thông tin về môi trường.

TS. Trần Viết Cường

Trường Đại học Hà Tĩnh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2023)

    Tài liệu tham khảo

    1. Bộ TN&MT (2022). Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường. Quyết định số 174/QĐ-BTNMT, ngày 24/1/2022.

    2. Đức Cảnh (2021). Hà Tĩnh: “Điểm tựa” cho môi trường từ những mô hình. Truy cập ngày 8/8/2023 tại https://baotainguyenmoitruong.vn/.

    3. Thu Cúc (2013). Điều tra vi phạm của Công ty Nicotex Thanh Thái. Truy cập ngày 11/8/2023 tại https://baochinhphu.vn/.

    4. Nguyễn Thị Thu Cúc (2021). Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong xây dựng chính quyền. Truy cập ngày 8/8/2023 tại https://tuyengiao.vn/.

    5. Trương Văn Đạt, Phạm Ngọc Bách (2013). Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác BVMT. truy cập ngày 9/8/2023 tại http://tapchimoitruong.vn/.

    6. Mạnh Hùng (2022). Cần nhân rộng các mô hình tham gia BVMT của hội phụ nữ cơ sở. Truy cập ngày 9/8/2023 tại https://www.tapchicongsan.org.vn/.

    7. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam, 2020. Luật BVMT. Luật số: 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.

    8. Minh Thanh (2023). Tăng cường hiệu quả triển khai Hệ thống phản ánh, kiến nghị tỉnh Khánh Hòa. Truy cập ngày 8/8/2023 tại http://phapluatkhanhhoa.vn/.

    9. Q. Thanh - D. N. Hà - G. Minh (2013). 10 lần bị phát hiện, Hào Dương vẫn “coi trời bằng vung”. Truy cập ngày 12/8/2023 tại https://tuoitre.vn/.

    10. Q. Thắng (2023). Ứng dụng Phản ánh kiến nghị - cầu nối 4.0 hiệu quả, thiết thực giữa chính quyền và nhân dân. Truy cập ngày 9/8/2023 tại https://bacninhtv.vn/.

Ý kiến của bạn