Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Những kết quả nổi bật trong công tác thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

13/12/2024

    Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, cụ thể, Điều 79 của Luật quy định, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại CTRSH theo khoản 1, Điều 75. Bên cạnh đó, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT cũng nêu rõ, hộ gia đình, cá nhân có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng nếu không phân loại, không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định. Chính vì vậy, việc triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSH tại nguồn đang được các cấp chính quyền và người dân cả nước quan tâm, trong đó có tỉnh Bắc Giang.

    1. Một số kết quả ban đầu

    Theo quy định tại khoản 1, Điều 75, Luật BVMT năm 2020, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và CTRSH khác (không bao gồm chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Trong đó, đối với nhóm chất thải tái chế (phế liệu), người dân, chủ nguồn thải có thể bán cho cá nhân, tổ chức thu gom có chức năng hoặc lực lượng thu gom tại nguồn; nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy có thể xử lý thành phân hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; nhóm chất thải còn lại (vỏ bao bì, đồ sành, sứ vỡ; túi ni lông…) thì tập kết, chuyển giao cho lực lượng thu gom đưa đi xử lý. Đối với nhóm CTSH nguy hại (pin đã qua sử dụng, bóng đèn cũ, hỏng, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại, chất thải điện tử...), chủ nguồn thải chuyển đến điểm tiếp nhận hoặc điểm thu hồi CTNH bố trí tại các khu dân cư. CTRSH sau phân loại tại nguồn phải được lưu chứa trong bao bì, thiết bị riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết, bảo đảm không rò rỉ nước, không phát tán mùi hôi ra môi trường.

    Tỉnh Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có tổng diện tích đất tự nhiên là 389.589 ha. Với 8 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố, 209 xã, phường, thị trấn và quy mô dân số năm 2023 khoảng 1,9 triệu người, khối lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) phát sinh trên toàn tỉnh hiện nay khoảng 971 tấn/ngày, dự báo đến năm 2025 là 1.068 tấn/ngày, đến năm 2030 là 1.363 tấn/ngày. Trước đây, RTSH của tỉnh chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt lộ thiên, làm phát sinh khí thải, nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường thứ phát.

    Để giải quyết bài toán này, ngày 27/2/2020, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý rác thải (XLRT) ra môi trường. Cùng với đó là một loạt cơ chế, chính sách như Nghị quyết số 06/2020/NQHĐND ngày 9/7/2020 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động đầu tư, xây dựng nhà máy và lắp đặt lò đốt rác thải; Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 1/7/2021 ban hành quy định quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quyết định số 1553/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 ban hành Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ RTSH đúng quy định, giai đoạn 2021 - 2025”… Thực hiện các chỉ thị, quyết định nêu trên, các đơn vị, đoàn thể, địa phương đã xây dựng, triển khai hàng nghìn mô hình thu gom, phân loại, XLRT hiệu quả. UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí, duy trì hoạt động 72 khu XLRT tập trung quy mô huyện, xã, cụm xã; 4 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh (TP. Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa và Yên Thế). Cùng với đó, đưa vào hoạt động 28 lò đốt công nghệ xử lý CTRSH theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 9/7/2020 của HĐND tỉnh (huyện Lạng Giang 10 lò; huyện Lục Ngạn 4 lò; huyện Yên Thế 3 lò; huyện Tân Yên 3 lò; huyện Sơn Động 2 lò; huyện Hiệp Hòa 1 lò; huyện Lục Nam 5 lò), nâng tổng số lò đốt công nghệ của toàn tỉnh lên 78 lò.

    Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác quản lý RTSH của tỉnh đã đi vào nề nếp và đạt được những kết quả tích cực. Tính đến tháng 4/2024, Bắc Giang đã thành lập, duy trì hoạt động của 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, XLRT cho 100% xã, phường, thị trấn; bố trí 2.200 điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, thôn và 12 ga ép rác tại TP. Bắc Giang; các huyện bố trí 26 xe ép rác chuyên dụng, 76 xe ô tô cùng nhiều xe thô sơ khác… Ngoài ra, 5/10 huyện đã bố trí thu gom, XLRT tập trung cấp huyện, tổng công suất 350 tấn/ngày; 60 xã có khu thu gom, XLRT tập trung quy mô cấp xã, cụm xã; tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 94,9%, tương đương 916,5 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ rác thải được xử lý hợp vệ sinh đạt 83,5%. Tỉnh cũng đang tập trung triển khai các bước xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện quy mô liên huyện, công suất 750 tấn/ngày tại TP. Bắc Giang và 650 tấn/ngày tại huyện Hiệp Hòa.

    Phát huy kết quả đạt được, ngày 5/9/2024, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ban hành kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế CTRSH phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả các quy định của Luật BVMT năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 2/11/2023 của Bộ TN&MT về hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH... Kế hoạch số 56/KH-UBND đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn; tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở đô thị đạt 90%, cấp xã đạt 70%; tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý theo quy định tại đô thị đạt trên 98%, tại nông thôn đạt trên 90%; tỷ lệ CTNH được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định đạt trên 98%. Đối với các huyện/xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các chỉ tiêu về tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý và tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn sẽ thực hiện theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 và Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh ban hành.

    Để đảm bảo mục tiêu đề ra, Kế hoạch sẽ tập trung triển khai các nội dung liên quan đến phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Theo đó, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 4 nhóm: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH cồng kềnh; CTNH… Tại khu vực công cộng, điểm tập trung dân cư, tuyến đường địa phương, UBND tỉnh yêu cầu phải bố trí thùng thu gom RTSH theo màu (màu cam cho chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; màu xanh cho chất thải thực phẩm; màu vàng cho RTSH khác). Tại văn phòng, trụ sở cơ quan, đơn vị, trang bị 3 loại thùng chứa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH còn lại. Thiết bị lưu chứa CTRSH yêu cầu phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ, đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị, trên thân thùng in hình ảnh, ký hiệu hướng dẫn phân loại; hoạt động thu gom, vận chuyển RTSH phải được thực hiện riêng biệt theo tính chất của từng loại chất thải đã phân loại. Những địa phương có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, chất thải rắn (CTR) sau phân loại sẽ tiến hành thu gom, vận chuyển rác thải về cơ sở xử lý CTRSH để xử lý, tái chế. Đối với địa phương chưa có đủ những điều kiện, UBND cấp huyện chỉ đạo phòng ban chuyên môn, UBND cấp xã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể hướng dẫn người dân sử dụng chất thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ để cải tạo đất. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế thì chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế; CTRSH còn lại sẽ thu gom, vận chuyển về khu xử lý CTRSH tập trung của địa phương để xử lý…

    UBND tỉnh giao Sở TN&MT tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch và hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn; xây dựng tài liệu về phân loại CTRSH tại nguồn; tổ chức tuyên truyền kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn đến các Sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện để phổ biến rộng rãi đến mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã phân loại để áp dụng theo đúng quy định của Luật BVMT năm 2020. Tăng cường trao đổi, hợp tác, học tập kinh nghiệm của các địa phương trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; triển khai xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn của tổ chức, công dân, đảm bảo phù hợp với cở sở dữ liệu về môi trường của tỉnh...

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đại Hóa, huyện Tân Yên tích cực thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn

    Về phía Sở TN&MT, hiện đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH giai đoạn 2025 - 2030; Dự thảo Quy định thu gom, vận chuyển, xử lý CTR y tế trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh ban hành trong năm 2024... tạo hành lang pháp lý quan trọng, vững chắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước BVMT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, để thực hiện các chỉ tiêu về môi trường năm 2024, Sở TN&MT đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, nhất là việc thực hiện các giải pháp góp phần nâng cao chỉ tiêu tỷ lệ CTR nông thôn được thu gom; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác thu gom, XLRT tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy XLRT; cải tạo, nâng cấp trước mắt một số bãi rác và duy trì, nhân rộng mô hình Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh; vận động người dân phân loại, thu gom, tập kết rác đúng nơi quy định. Mặt khác, bố trí ngân sách, từng bước mở rộng địa bàn thu gom rác thải nông thôn; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số quy hoạch có liên quan, đảm bảo quỹ đất xây dựng điểm thu gom, XLRT phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc những hành vi vi phạm. Đối với nhiệm vụ thực hiện Tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách quan trọng về lĩnh vực môi trường; chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BVMT trong thời kỳ đổi mới đến mọi tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

    2. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp

    2.1. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

    Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thu gom, phân loại CTRSH của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: Tiến độ đầu tư, xây dựng Nhà máy XLRT tại TP. Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa triển khai chậm; khó khăn trong việc bổ sung quy hoạch điện rác; nhận thức của người dân về công tác thu gom, XLRT tuy đã được nâng lên, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ chưa thực hiện phân loại, không nộp tiền dịch vụ vệ sinh môi trường, xả rác thải không đúng nơi quy định... Một số xã vùng sâu, vùng xa, địa hình phân tán, dân cư thưa thớt, giao thông không thuận lợi, gây trở ngại cho công tác thu gom, XLRT; nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế; công tác vận chuyển rác thải hiện nay chủ yếu bằng phương tiện xe thô sơ, xe tự chế; các thiết bị lưu giữ, phân loại, điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải chưa đồng bộ, chưa đảm bảo quy định…

    Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do hệ thống pháp luật về BVMT từ Trung ương đến địa phương tuy đã cơ bản đủ nhưng vẫn còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, chế tài xử lý chưa nghiêm; chồng chéo trong quản lý môi trường nói chung và môi trường khu vực nông thôn nói riêng. Thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến bất thường, cùng với tình hình suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như hoạt động đầu tư cho công tác BVMT. Trong khi đó, chất thải nông thôn ngày càng đa dạng về số lượng, chủng loại, xuất hiện thêm nhiều loại khó xử lý; việc thực hiện quy hoạch và xây dựng khu XLRT gặp khó khăn do người dân không đồng tình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thực sự được chú trọng, hiệu quả thấp; ý thức, trách nhiệm về BVMT của một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa cao, nhiều đơn vị đã bị xử lý vi phạm nhưng vẫn tái phạm; tình trạng xả rác bừa bãi, không chấp hành nộp phí vệ sinh môi trường, không hợp tác khi triển khai xây dựng khu vực XLRT vẫn xảy ra. Kinh phí của Nhà nước dành cho hoạt động BVMT còn thiếu, phân bổ dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT chưa đồng bộ; thiếu các công trình thu gom, xử lý nước thải, CTRSH tập trung; công tác xã hội hoá chưa phát huy được hiệu quả, không huy động được sức mạnh toàn dân tham gia BVMT. Mặt khác, tỉnh chưa có phương thức quản lý chung đối với mạng lưới thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; việc xúc tiến chuyển giao công nghệ mới, công nghệ sản xuất sạch hơn hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về BVMT, nhất là trong thu gom, phân loại, xử lý CTRSH tại nguồn chủ yếu được thực hiện tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, chưa quan tâm đến khu vực nông thôn, hoạt động sản xuất của hộ gia đình, cá nhân...

    2.2. Đề xuất giải pháp

    Nhìn chung, công tác thu gom, phân loại, xử lý CTRSH của tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên để có thể quản lý CTRSH một cách đồng bộ, hiệu quả trước những yêu cầu mới của thực tiễn, thời gian tới, tỉnh cần tập trung nguồn lực để tháo gỡ mọi thách thức, khó khăn, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

    Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định, phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH, không sử dụng bao bì chứa CTRSH. Tuy nhiên, do các điều kiện chưa đồng bộ về công nghệ thu gom, xử lý CTRSH, nên trong Nghị định quy định lộ trình đến ngày 31/12/2024 mới áp dụng phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của người dân cần sớm được quan tâm đúng mức, đồng thời, phải đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng cụ thể, ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu, dễ thực hiện; đa dạng hình thức tuyên truyền, hướng dẫn bằng tờ rơi, video ngắn, pano, khẩu hiệu… để người dân dễ tiếp cận, nắm bắt, hiểu rõ, từ đó mới thực hiện hiện quả.

    Thứ hai, thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn là điều kiện cần thiết để tỉnh Bắc Giang hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành nguồn tài nguyên quý giá, góp phần BMVT. Do vậy, việc khuyến khích hay bắt buộc phải phân loại CTRSH cần có sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp của tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; sự vào cuộc của cộng đồng dân cư và của từng người dân. Do vậy, UBND tỉnh Bắc Giang phải yêu cầu các Sở, ngành, huyện, thành phố triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả nội dung về quản lý CTRSH theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy, khu XLRT tập trung trên địa bàn, nhất là sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành Nhà máy XLRT tại TP. Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, đề án, dự án về phân loại CTRSH tại nguồn và tiến hành tổng kết, đánh giá để nhân rộng trong toàn tỉnh; vận động người dân, nhất là ở khu vực nông thôn tận dụng rác hữu cơ dễ phân hủy làm phân bón cho cây trồng, sử dụng hiệu quả rác tái chế... qua đó góp phần giảm thiểu lượng rác thải phát sinh ra môi trường, tạo cơ sở vững chắc cho công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung, hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn nói riêng tại địa phương.

    Thứ ba, UBND tỉnh cần xem xét, nghiên cứu, ban hành chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Thực tế hiện nay không chỉ tỉnh Bắc Giang mà tại các địa phương khác trong cả nước, do cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện không đồng bộ, dẫn đến nhiều đơn vị sau khi thu gom đã đổ lẫn các loại rác thải, làm cho hoạt động phân loại trước đó của người dân trở thành vô nghĩa. Việc phân loại rác tại nguồn đòi hỏi phải được tổ chức đồng bộ giữa các đơn vị tham gia, từ hoạt động phân loại ở hộ gia đình, đến thu gom, tập kết, vận chuyển và cuối cùng là công nghệ xử lý để tái sử dụng, tái chế. Hiệu quả của mô hình sẽ không đáp ứng được yêu cầu, không duy trì được lâu dài nếu không có công nghệ, chính sách phù hợp, do đó, UBND tỉnh cần hỗ trợ, đồng thời yêu cầu các đơn vị dịch vụ công ích phải chuyển đổi phương tiện, công nghệ phù hợp, bảo đảm quá trình phân loại rác tại nguồn, cũng như quá trình thu gom, vận chuyển được thực hiện một cách đồng bộ, tuân thủ quy định hiện hành về BVMT.

    Thứ tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT, nhất là kết quả thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở để đề xuất, điều chỉnh nội dung, giải pháp thực hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm đối với những trường họp chưa tuân thủ, đảm bảo theo quy định. Đây cũng là cơ sở để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn để tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Ngoài ra, cần tích cực triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh, nhằm kiểm soát ô nhiễm, góp phần BVMT Xanh - Sạch - Đẹp cũng như sức khỏe người dân, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

    Thứ năm, đối với công cuộc xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa nông thôn, việc thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn các cụm dân cư nông thôn cũng cần sớm được quan tâm. UBND tỉnh phải yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phong trào Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh; nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý, tái chế, tái sử dụng RTSH tại hộ gia đình, khu dân cư; xây dựng khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, không để tồn lưu rác thải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM, nhất là Tiêu chí 17 về môi trường, ngoài việc thu gom CTRSH của các hộ gia đình trong thôn, Phong trào dọn vệ sinh trong khu dân cư cũng phải trở thành hoạt động định kỳ. Đồng thời, chú trọng quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng các khu xử lý rác thải; hỗ trợ kinh phí, phương tiện bảo hộ cho các tổ vệ sinh môi trường...

    Kết luận: Hoạt động thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn bắt buộc theo quy định của Luật BVMT năm 2020 là một nội dung mới, còn nhiều khó khăn, mọi giải pháp đề ra phải có thời gian, lộ trình và chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự tham gia của các Sở, ngành liên quan; sự phối hợp của các đoàn thể và sự vào cuộc của cả cộng đồng. Tại Bắc Giang, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã gây ra những tác động tiêu cực lên môi trường và để giải quyết bài toán này, tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp BVMT, nâng hạng chỉ số xanh cấp tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, phân loại CTRSH. Đến nay, tỉnh đã trở thành một trong những địa phương tiêu biểu thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, thu gom, xử lý CTRSH. Để công tác này ngày càng đi vào nền nếp, rất cần sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và từng gia đình, cá nhân, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, giàu đẹp, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Trần Hữu Sỹ

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Ý kiến của bạn