Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa, hướng tới tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa

05/01/2024

    Rác thải nhựa (RTN) là cụm từ không còn xa lạ với đông đảo người dân Việt Nam và “ô nhiễm trắng-ô nhiễm RTN” là hiện trạng hiện hữu, ảnh hưởng lớn tới môi trường và sức khỏe con người, đặc biệt là môi trường biển và đại dương.

    Theo Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 được Bộ TN&MT tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường khoảng 0,42 triệu tấn/năm và chưa đánh giá được chính xác khối lượng chất thải nhựa thất thoát ra biển và đại dương.

    Trước tình trạng đáng báo động về “ô nhiễm trắng”, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng có nhiều chính sách, hành động để ứng phó trong đó phải kể đến Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Vì vậy, Cuộc thi “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa” ra đời với mục tiêu khơi dậy ý thức và hành động tiêu dùng xanh để giảm bớt ô nhiễm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra một tương lai bền vững, khuyến khích, vận động và tôn vinh những ý tưởng, sáng kiến và hành động sẽ giúp giảm bớt ô nhiễm nhựa, thúc đẩy tiêu dùng xanh thông minh...

    Sau hơn 2 tháng phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được trên 50 sáng kiến từ khắp mọi miền Tổ quốc đại diện cho sự đa dạng của lứa tuổi và tầng lớp xã hội, trong đó, Ban Tổ chức đã trao giải cho 6 tác phẩm đạt giải cao, giải Nhất thuộc về tác phẩm: “Tổ chức các hoạt động truyền thông sáng tạo giúp nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của RTN, hướng tới tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa” của nhóm Trường học xanh - Trưởng nhóm Lê Thị Hảo, Giáo viên trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT)

trao giải Nhất cho nhóm tác giả Trường học xanh

    Theo thống kê, bình quân 1 học sinh trường TTCS Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) thải ra môi trường khoảng 2 - 3 túi ni lông, 1 vỏ lon nước hoặc 1 cốc nước nhựa dùng một lần/ngày. Như vậy, bình quân trong 1 ngày, 659 học sinh trường THCS Quảng Phú thải ra môi trường khoảng 1.318 túi ni lông và khoảng 659 cốc nhựa/chai nhựa dùng 1 lần. Mặc dù vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông và ở địa phương, việc giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của RTN còn rất hạn chế.

    Nhằm giúp học sinh hiểu rõ mối nguy hiểm của RTN tới môi trường, sức khỏe, nhóm “Trường học xanh” đã triển khai nhân rộng Sáng kiến “Tổ chức các hoạt động truyền thông sáng tạo giúp nâng cao nhận thức cho học sinh trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình về tác hại của RTN, hướng tới tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa, BVMT”. Điểm khác biệt của Sáng kiến là sự vận dụng đa dạng các loại hình truyền thông sáng tạo. Nhóm đã thực hiện 38 tiết giảng dạy lồng ghép về chủ đề RTN, tổ chức “Ngày hội truyền thông” về tác hại của RTN và tiêu dùng xanh trong chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp; phối hợp với Đoàn xã, Đoàn Biên phòng Ròn tổ chức tuyên truyền và thực hiện chiến dịch thu gom RTN, chung tay làm sạch bờ biển trên địa bàn xã Quảng Phú. Ngoài ra, nhóm truyền thống gián tiếp bằng cách mở video trong 15 phút sinh hoạt đầu buổi học qua hệ thống tivi của các lớp; mở chương trình phát thanh qua loa phát thanh của nhà trường, đồng thời truyền thông qua loa phát thanh của xã tới 14 thôn; tổ chức các hoạt động ngoại khóa như “Biểu diễn thời trang tái chế từ RTN”…

    Cô Lê Thị Hảo, Giáo viên trường THCS Quảng Phú - Trưởng nhóm chia sẻ, nhờ thực hiện kết hợp các giải pháp, có tới 83,3% tổng số học sinh có hiểu biết về thực trạng của việc sử dụng RTN ở địa phương, biết được tác hại của RTN đối với môi trường, sức khỏe; có 70% học sinh tích cực tham gia các hoạt động hạn chế sử dụng nhựa như: Không sử dụng đồ hộp ăn sẵn mua đồ ăn sáng tới trường, thay vào đó là ăn sáng ở nhà, ăn tại quán dùng đĩa thủy tinh, ăn bánh mì sử dụng bao bì giấy. Trung bình 1 tuần như vậy, 461 em đã hạn chế sử dụng được 2.766 hộp đựng đồ ăn sẵn và 2.766 túi ni lông. Chỉ trong 2 tháng phát động, số học sinh trong trường đã hạn chế sử dụng được 15.400 hộp đựng đồ ăn sáng bằng chất liệu nhựa dùng 1 lần và 15.400 túi ni lông đựng đồ ăn sáng, có 347 em tự mang bình nước cá nhân để đựng nước hàng ngày. Trong vòng 6 tháng truyền thông và phát động phong trào thu gom RTN, các em học sinh đã thu gom và nộp được 300 kg nhựa, bán được 3 triệu đồng, mua được 5 thùng đựng rác để phân loại rác thải tại nguồn trong nhà trường.

    Đặc biệt, nhóm đã phối hợp với Đoàn thanh niên của xã tổ chức được 4 đợt thu gom RTN làm sạch 6 km bờ biển xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, thu hút sự tham gia của 210 đoàn viên thanh niên trong xã. Hoạt động này được tổ chức thường xuyên thu hút và thúc đẩy người trẻ chung tay giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn