Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Ký kết Chương trình phối hợp về phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành Giáo dục - Đào tạo, giai đoạn 2024 - 2029

10/01/2024

    Nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống thiên tai cho học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai. Đồng thời, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và tăng cường nguồn lực của Bộ NN&PTNT và Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”... Ngày 5/1/2024, Bộ NN&PTNN và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành Giáo dục - Đào tạo, giai đoạn 2024 - 2029.

    Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể từ năm 2024 - 2026 hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ trung ương đến địa phương; chuẩn hóa chương trình, hệ thống tài liệu hướng dẫn tích hợp, lồng ghép kiến thức phòng chống thiên tai vào chương trình giảng dạy các cấp; xây dựng nội dung hướng dẫn giáo sinh các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên về tích hợp, lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai phù hợp với các cấp học và trình độ đào tạo.

    Đến năm 2029, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Giáo dục và Đào tạo) ban hành chỉ đạo việc tích hợp, lồng ghép một số nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai với một số môn học để đưa vào chương trình giáo dục, chương trình giảng dạy cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; 90% các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai tích hợp nội dung phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học; thí điểm một số cơ sở giáo dục Đại học khối ngành Sư phạm, cơ sở có đào tạo giáo viên thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, 100% lực lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp phụ trách về phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; 100% các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai; 50% học sinh cấp tiểu học, 70% học sinh cấp trung học cơ sở, 100% học sinh cấp trung học phổ thông được tập huấn, tham gia các hoạt động về nâng cao nhận thức thức và kỹ năng phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Thời gian qua hai Bộ đã phối hợp hiệu quả trong việc nâng cao năng lực, chất lượng giáo dục về phòng chống thiên tai

    Chương trình phối hợp cũng đề ra 4 nội dung chính về phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2024 - 2029.

    Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn về việc về tích hợp, lồng ghép kiến thức phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào các môn học; rà soát, xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo; xây dựng, thống nhất hướng dẫn các nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần lồng ghép trong các môn học giúp các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục các cấp triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học và hiệu quả. Đồng thời, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn lồng ghép vào môn học kiến thức phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho các cấp học phổ thông và các cơ sở đào tạo chuyên biệt; xây dựng các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn học sinh phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai từng địa phương. Biên soạn, chuẩn hóa bộ tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong trường học về phòng chống thiên tai như: Rung chuông vàng, vẽ tranh, các hoạt động thể thao… và một số cuộc thi cho học sinh, phụ huynh và giáo viên tham gia; xây dựng Đề án “Tích hợp, lồng ghép kiến thức về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục phổ thông”.

    Thứ hai, tổ chức tập huấn, các hoạt động ngoại khóa về lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào hoạt động giảng dạy; mở các khóa/lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ về lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai theo bộ tài liệu chuẩn; thực hiện thí điểm tích hợp, lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giảng dạy tại một số trường Đại học khối ngành Sư phạm, trường đại học có đào tạo giáo viên. Cùng với đó, phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai…

    Thứ ba, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học an toàn trước thiên tai; thực hiện xây dựng thí điểm mô hình trường/lớp học an toàn, thích ứng với thiên tai cho một số địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, kết hợp làm nơi tránh trú, di dời an toàn cho cộng đồng.

    Thứ tư, một số nhiệm vụ khác: Xây dựng và bổ sung tiêu chuẩn “Trường học an toàn trước thiên tai” trong các tiêu chuẩn Trường học an toàn; tham gia các chương trình, khung hành động, cam kết, sáng kiến quốc tế về trường học an toàn trước thiên tai trong khu vực và toàn cầu; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường liên quan đến phòng chống thiên tai.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn