Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Khởi động Chương trình khoanh nuôi giúp tái sinh 25 ha rừng ngập mặn tại Cà Mau

22/08/2023

    Ngày 18/8/2023, tại Cà Mau, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng hành cùng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau khởi động Chương trình khoanh nuôi giúp tái sinh 25 ha rừng ngập mặn tại Cà Mau. Đây là một hoạt động của nhân viên Vinamilk nằm trong Dự án lớn mang tên “Cánh rừng Net Zero” với nỗ lực hình thành những mảng xanh để giúp hấp thụ khí các bon, tiến gần đến mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, góp phần vào mục tiêu chung Net Zero 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh.Thông điệp Vinamilk truyền tải trong hoạt động lần này tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là “Tái sinh rừng ngập mặn - Khóa dấu chân các bon” với Dự án khoanh nuôi, tái sinh 25 ha rừng ngập mặn cùng đối tác Gaia và sẽ kéo dài trong 6 năm tới.

    Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Nhà sáng lập - Giám đốc điều hành Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, đơn vị đang đồng hành cùng Vinamilk trong Dự án này, rừng ngập mặn là hệ sinh thái giúp “khóa” được các bon hiệu quả. Một số nghiên cứu cho thấy lượng hấp thụ và tích trữ các bon của rừng ngập mặn có thể gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới trên cạn, tùy vào các khu vực khác nhau. Có thể nói, rừng ngập mặn là “bể chứa các bon” hữu hiệu vì có thể lưu trữ các bon trong hơn 5.000 năm. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển những khu rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

    Bà Đỗ Thị Thanh Huyền thông tin, cánh rừng do Vinamilk & Gaia đang khoanh nuôi có diện tích 25 ha trong vùng lõi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, dự kiến có khoảng 100.000 - 250.000 cây mắm mọc lên. Để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của Dự án, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia sẽ phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau triển khai các hoạt động bảo vệ và giám sát khu vực khoanh nuôi như: Truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân; tuần tra giám sát, gia cố hàng rào bảo vệ khu rừng, thực hiện các nghiên cứu đo lường những tác động khu rừng tạo ra trong vòng 6 năm. Hy vọng cánh rừng sẽ phát triển nhanh chóng, trở thành “bể hấp thụ các bon” lớn trong tương lai gần.

    Tổng đầu tư của Vinamilk cho Dự án này là 4 tỷ đồng, bao gồm các hoạt động phục vụ việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng, các chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư sống trong và ven Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Dự kiến với 25 ha rừng ngập mặn, trong điều kiện sinh trưởng bình thường, có thể hình thành nên bể hấp thụ carbon từ 17.000 - 20.000 tấn các bon, quy đổi tương đương với 62.000 - 73.000 tấn CO2. Với 25 ha rừng được khoanh nuôi tái sinh sẽ có gần 2.400 m hàng rào được dựng nên từ 6.800 cọc cừ tràm và gần 4.700 m lưới, được duy trì, bảo dưỡng hàng năm.

    Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho hay, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là vùng trọng điểm của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cà Mau, một trong khu RAMSAR của Việt Nam (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới). Đây cũng là nơi bảo tồn nguồn gen, bảo vệ các hệ sinh thái đa dạng với hơn 400 loài, trong đó có hơn 40 loài quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng như rái cá, mèo cá, trăn gấm… Hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng do Vinamilk thông qua Gaia triển khai thực hiện tại Vườn quốc gia, ngoài việc giúp trung hòa các bon để góp phần giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, còn giúp tăng diện tích độ che phủ rừng, lấn dần ra biển, chống xâm nhập mặn, tăng khả năng chắn sóng bảo vệ bờ, hình thành sinh thái của rừng, tạo nơi cư trú của nhiều giống loài thủy sản cũng là loài động vật, thực vật quý hiếm. Khi có thêm nhiều sự đồng hành, chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng, cánh rừng ngập mặn của Mũi Cà Mau sẽ ngày càng sinh trưởng, phát triển tốt.

    Trước Dự án này, năm 2018, cũng tại Cà Mau, Vinamilk và Chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” đã trồng gần 100.000 cây tại các khu vực như: Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 - Cột mốc số 0, khu vực bờ biển xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) và xã Tân Hưng (huyện Cái Nước)… Đến nay, rừng đều đã phát triển, tạo thành những mảng xanh rộng lớn tại địa phương.

    “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” là Chương trình do Vinamilk phối hợp cùng Bộ TN&MT thực hiện từ năm 2012 - 2020 với mục tiêu trồng 1.121.000 cây xanh tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố, tổng giá trị 12,5 tỷ đồng. Đầu năm 2023, Vinamilk tiếp tục đồng hành cùng Bộ TN&MT trong hoạt động “Trồng cây hướng đến Net Zero (2023 - 2027)” với ngân sách 15 tỷ đồng.

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn