Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổng kết 5 năm phong trào "Chống rác thải nhựa"

15/11/2023

    Ngày 14/11/2023, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào "Chống rác thải nhựa" giai đoạn 2018-2023. 

Quang cảnh Hội nghị

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ và phát động của Liên hợp quốc về "Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông", tháng 10/2018, Bộ TN&MT đã phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" với sự tham gia của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế và cam kết của các hiệp hội doanh nghiệp, các siêu thị, Trung tâm thương mại trong việc cắt giảm các sản phẩm nhựa, túi ni lông sử dụng một lần. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

    Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam xác định, BVMT, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng. 5 năm vừa qua, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ, nhằm chung tay thu gom, tái chế, giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa dùng một lần, góp phần BVMT. Với nhiều cách làm sáng tạo, các cấp Hội chủ động triển khai phong trào gắn với việc thực hiện các chương trình, cuộc vận động, đề án, dự án của Hội, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm thiểu những vấn đề môi trường nổi cộm ở địa phương; hỗ trợ các tầng lớp phụ nữ cả nước trong thực hiện tốt hơn quyền và lợi ích của mình, phát huy tốt vai trò của người phụ nữ trong tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng tới các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ.

    Theo báo cáo của Hội, từ năm 2020, Trung ương đã Hội đầu tư thí điểm thực hiện mô hình “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chống rác thải nhựa” (5 tỉnh/thành), mô hình “Phụ nữ sống xanh” tại cộng đồng và tại khu chợ (10 tỉnh/thành) với các nội dung trọng tâm: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, tuyên truyền viên nòng cốt và ban quản lý khu chợ; phát động và hướng dẫn thực hiện phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ và hộ gia đình cho hội viên phụ nữ, hướng dẫn thực hành xử lý rác thải hữu cơ. Mô hình đã giúp hội viên, phụ nữ và cộng đồng nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi về giảm thiểu túi ni lông và rác thải nhựa một lần khi đi chợ; thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, tích cực trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa. Sự lan tỏa hành động tích cực hạn chế sử dụng túi ni lông của người đi chợ và tiểu thương đều thể hiện rõ nét đặc biệt vào các “Ngày cuối tuần xanh”. Trong quá trình thực hiện, Trung ương Hội đã phối hợp với các chuyên gia thử nghiệm bộ công cụ đánh giá mức độ sử dụng túi ni lông tại các chợ của tiểu thương và người đi chợ để có những đánh giá bước đầu hiệu quả từ việc hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ. Các số liệu về mức độ sử dụng túi ni lông của người đi chợ và tiểu thương cơ bản tại một số địa phương thông qua hoạt động thống kê, giám sát đều giảm và quy đổi ra lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính cho thấy lượng khí CO2 giảm. Điều này cho thấy, tác động từ các hoạt động mô hình đã góp phần giúp cả tiểu thương, người đi chợ cùng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hàng ngày để chung tay BVMT.

    Ở các địa phương, các cấp Hội đã kế thừa, thành lập mô hình mới, sáng tạo. Theo báo cáo 5 năm thực hiện phong trào chống rác thải nhựa của Hội LHPN Việt Nam (giai đoạn 2018-2023), tổng số mô hình BVMT, chống rác thải nhựa do Hội chủ trì là: 9.153 mô hình, trong đó phổ biến là các mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông”; “Phụ nữ nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần”; “Biến rác thành tiền”; “Phân loại rác thải đầu nguồn”... Bên cạnh đó, các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH như nuôi gà thả đồi” (Lào Cai), nuôi trồng thuỷ sản (Cà Mau), trồng sen (Quảng Nam, Bình Định), trồng và chế biến măng tây (Ninh Thuận)… được các cấp Hội tích cực triển khai ở nhiều địa phương, thu hút sự tham gia đông đảo của hội viên, phụ nữ. Đến nay, 100% các tỉnh/thành Hội đều có các mô hình về BVMT, đã có 29.815 cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường hoặc mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH. Các mô hình tại cộng đồng không chỉ góp phần hiệu quả thực hiện BVMT, thích ứng với BĐKH mà còn có ý nghĩa hỗ trợ các cấp Hội thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Tiêu biểu, thông qua các mô hình phụ nữ thu gom phế liệu để bán gây quỹ thăm hỏi hội viên, phụ nữ và đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, theo số liệu của 45/65 tỉnh, thành, đơn vị, các cấp Hội đã gây được nguồn quỹ 5,7 tỷ đồng và trao tặng học bổng, bảo hiểm y tế cho hàng chục nghìn phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

    Nhìn chung, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo tham gia thực hiện công tác chống rác thải nhựa bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực và các mô hình hiệu quả, tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn, vui tươi cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, góp phần thiết thực trong công tác BVMT của nước ta hiện nay.

    Tại Hội nghị, đại diện Hội Phụ nữ một số địa phương đã có chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình, giải pháp, nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động quản lý rác thải nhựa...

Các tập thể nhận Bằng khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào "Chống rác thải nhựa"

    Nhân dịp này, Hội LHPN Việt Nam đã tuyên dương 64 cá nhân và 65 tập thể đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào "Chống rác thải nhựa" giai đoạn 2018-2023.

Đức Anh

Ý kiến của bạn