Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hà Nội: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

12/11/2024

    Với mong muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội rất chú trọng đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường.

    Hiện nay, ngành nông nghiệp của Thành phố có tổng số 18 mô hình khuyến nông, trong đó có 10 mô hình trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình thuỷ sản. Các mô hình được chia thành những nhóm chính như: Phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; Phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phù hợp nhu cầu thị trường; Phát triển cơ giới hoá; Phát triển liên kết sản xuất chăn nuôi gia cầm gắn với tiêu thụ sản phẩm; Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu; Chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, giảm thiểu tác động đến môi trường; Nuôi thủy sản theo phương pháp VietGap; Nuôi thủy sản áp dụng công nghệ cao; Nuôi các đối tượng thủy đặc sản khôi phục nguồn lợi thủy sản nội đồng; Nuôi thủy sản lồng bè.

Mô hình trồng lúa nằm trong tổng số 18 mô hình khuyến nông của ngành nông nghiệp Hà Nội

    Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tích cực triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP và kết hợp với việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Quá trình này giúp chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất an toàn với toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu. Đặc biệt, năng suất đạt từ 60 đến 69,4 tạ/ha, cao hơn 10 - 20% so với phương pháp cấy truyền thống. Đây cũng là tiền đề cho việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ.

    Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội đang triển khai mô hình nuôi bò cái nền sinh sản tại các vùng có bãi chăn thả và khu vực chăn nuôi trọng điểm với nguồn thức ăn xanh dồi dào. Mô hình này kết hợp áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống bò 3B chuyên thịt, nhằm gia tăng số lượng đàn bò cái nền và nâng cao sản lượng bò thịt cung cấp cho Thủ đô.

    Ông Trần Huy Hùng, người dân đang sinh sống tại xã Minh Châu, huyên Ba Vì cho biết: “Nhà tôi đang nuôi 10 con bò sữa. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe của đàn bò và góp phần bảo vệ môi trường, gia đình tôi đã áp dụng cải tiến trong kỹ thuật chăm sóc; ứng dụng công nghệ và trang bị hệ thống xử lý chất thải hiện đại... Nhờ đó sản lượng sữa bò luôn đạt chất lượng cao, có con cho sản lượng lên tới 40 kg sữa/ngày”.

Mô hình nuôi bò sữa được triển khai tại các vùng có bãi chăn thả và khu vực chăn nuôi trọng điểm với nguồn thức ăn xanh dồi dào

    Ngoài ra, mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa gắn với bảo vệ môi trường đang được triển khai trên diện tích 15 ha tại 4 điểm: Xã Đông Yên (huyện Quốc Oai); xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai); xã Minh Cường (huyện Thường Tín) và xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) với sự tham gia của 10 hộ dân. Mô hình này mang lại hiệu quả kép nhờ mối quan hệ cộng sinh giữa cá và lúa, giúp giảm lượng phân bón và công làm cỏ. Hiện nay, cá trong mô hình đều khỏe mạnh và phát triển tốt, với cá trắm cỏ đạt trọng lượng từ 250 - 280g/con và cá chép đạt từ 80 - 90g/con.

    Nhằm thực hiện tốt các mô hình này gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả cao, ngành nông nghiệp Hà Nội thường xuyên kết hợp với các ngành liên quan tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất theo quy trình, nâng cao năng lực về kỹ thuật và quản lý, kiến thức cho các hộ sản xuất, mô hình trang trại sản xuất an toàn. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP với môi trường.

    Đặc biệt, với chủ trương “Xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững, an toàn, chất lượng”, ngành nông nghiệp Thủ đô đã không ngừng cải tiến, đổi mới kỹ thuật trong việc xây dựng các mô hình khuyến nông. Bên cạnh đó, ngành còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng các chế tài về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn đến tận từng người dân. Ngoài ra, ngành còn thúc đẩy nhân rộng các giải pháp, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt.

Sơn Tùng

Bài viết có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội

Ý kiến của bạn