Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Đẩy mạnh quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Hoàng Liên

06/09/2024

Giá trị đa dạng sinh học phong phú

    Mang đặc trưng thực vật á nhiệt đới và ôn đới, Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên hiện đã thống kê được 2.847 loài thực vật có mạch thuộc 1.064 chi và 229 họ; 147 loài cây đã được xác định trong Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN. Số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm tới 25% các loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam, do đó, VQG Hoàng Liên sở hữu kho tàng gen cây rừng quý hiếm bậc nhất trong các VQG ở Việt Nam. VQG Hoàng Liên được xác định là vùng có nhiều loài cây dược liệu quý với các loài như: Sâm vũ điệp, Trúc tiết nhân sâm, các loại Hoàng Liên, Đỗ trọng, Thổ hoàng liên, Dâm dương hoắc, Lan hài, Lan kim tuyến, Lan 1 lá, Củ bình vôi, Hoàng tinh… Đặc biệt, Vườn có 6 quần thể cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, gồm: Vân sam Fansipan, Đỗ quyên cành thô, Đỗ quyên Quang trụ, Hồng quang, Thiết sam và Trâm Ổi. Đó là những cây cổ thụ có niên đại vài trăm năm tuổi và có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học rất cao.

    Theo thống kê, cho thấy VQG Hoàng Liên có 555 loài động vật có xương sống trên cạn (Thú 96 loài, chim 346 loài, bò sát 63 loài và lưỡng cư 50 loài), trong đó: 60 loài động vật quý, hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 33 loài trong Danh lục đỏ IUCN, 5 loài chim đặc hữu cho Việt Nam và 25 loài chim khác đặc hữu cho vùng núi cao của Hoàng Liên Sơn; Khu hệ lưỡng cư có 6 loài đặc hữu; Khu hệ Bướm có nhiều loài bướm đẹp không những có giá trị bảo tồn, thương mại mà còn có giá trị tham quan du lịch và thẩm mỹ. Vì vậy, VQG Hoàng Liên được chọn là một trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong chương trình bảo tồn các loài thực vật của IUCN. Vườn cũng được Quỹ môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2003, VQG Hoàng Liên được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

    Hiện nay, VQG có diện tích 28.498 ha rừng, đất lâm nghiệp được quản lý, bảo vệ tốt và được giao cho từng Kiểm lâm viên tổ chức quản lý, bảo vệ. Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát được tổ chức chặt chẽ, tại địa bàn thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, bảo vệ rừng tại gốc, do đó, đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Vườn cũng luôn chú trọng và quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, hàng năm phối hợp với ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở tổ chức hàng trăm cuộc họp thôn, hội nghị cấp xã với hàng nghìn lượt người tham gia.

Cán bộ VQG Hoàng Liên tuyên truyền cho học sinh về công tác BVMT và đa dạng sinh học

    Công tác quản lý, bảo tồn phát triển bền vững đa dạng sinh học

    Hàng năm, VQG đều triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý, hiếm cũng như nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra nguồn giống cây trồng có giá trị hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương, giảm thiểu tác động đến tài nguyên rừng. Hiện VQG đang triển khai 1 đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc Tế tân lá tim (Asarum cordifolium)”; 1 đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây Hoàng đàn (Cupressus torulosa D. Don) tại VQG Hoàng Liên”; và 3 mô hình nghiên cứu khoa học: Nhân giống loài Lan Kiếm hồng hoàng (Cymbidium iridioides) và Lan Kiếm bạch ngọc xuân (Cymbidium longifolium) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào;  Bảo tồn và phát triển cây Lan Kim tuyến; Thu thập, nhân giống và trồng bảo tồn cây Hoàng tinh hoa đỏ (Polygonatum kingianum).

    Bên cạnh đó, VQG Hoàng Liên thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị và tổ chức nghiên cứu khoa học như: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Dược liệu, Trường Đại học Lâm nghiệp, có sự tham gia của các nhà khoa học, tổ chức nước ngoài cùng hợp tác nghiên cứu khoa học chủ yếu là lĩnh lực điều tra đa dạng sinh học, góp phần vào việc bổ sung danh lục động, thực vật của VQG Hoàng Liên; đồng thời thu hút đầu tư, hỗ trợ các dự án, đề tài khoa học trong chiến lược phát triển chung của VQG. Một số chương trình, dự án hợp tác quốc tế nổi bật: Dự án “Quản lý lâm nghiệp cộng đồng vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giai đoạn 2006-2010” do Tổ chức Oxfam Anh tài trợ; Dự án IDEAS – Nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số dựa trên nông nghiệp bền vững (vùng Nouvelle Aquitaine -Cộng hòa Pháp tài trợ) từ năm 2017 đến nay; Chương trình tài trợ nhỏ về bảo tồn và quản lý bền vững các Vườn di sản ASEAN, Pha 2- Hợp phần quốc gia Việt Nam” (Dự án SGP) do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ (2023-nay).

    VQG Hoàng Liên hiện đang là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn với các điểm du lịch như: Leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, du lịch sinh thái suối Vàng – thác Tình Yêu, vũng Rồng – giếng Tiên, rừng già cổ thụ, quần thể Cây Di sản, Nam Kang Ho Tao,…; phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trượt thác nước (Canyoning) tại điểm du lịch suối Vàng – thác Tình Yêu.

    Ngoài ra, công tác giáo dục môi trường được VQG quan tâm triển khai với đa dạng hình thức và đối tượng tuyên truyền. Hàng năm, người dân các xã vùng lõi, vùng đệm đều được tham gia các hội nghị tuyên truyền với nhiều chủ đề về bảo vệ rừng, BVMT, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước và sử dụng nước, rác thải nhựa và xử lý rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn, cảnh quan và môi trường miền núi… Đồng thời, VQG cũng tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ để cấp thẻ ra vào rừng; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trên địa bàn thị xã Sa Pa như: Cuộc thi rung chuông vàng, thi vẽ tranh về bảo vệ môi trường, nói chuyện môi trường, tìm hiểu về VQG Hoàng Liên, trải nghiệm tìm hiểu thiên nhiên VQG Hoàng Liên được tổ chức tại các cụm trường, các trường tiểu học, trung học cơ sở với trên 4.000 lượt người tham gia mỗi năm.

    Từ năm 2014 đến nay, VQG đã thực hiện tiếp nhận trên 700 cá thể động vật hoang dã, tỷ lệ cứu hộ thành công đạt trên 90%. Trong số các cá thể tiếp nhận, có thể kể đến việc tiếp nhận các loài thú lớn trong đó có Gấu. Hiện nay, VQG đang thực hiện chăm sóc, cứu hộ 112 cá thể thuộc 31 loài trong đó 22/31 loài (chiếm 71% ) và 89/112 cá thể (chiếm 79,5 %) thuộc Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Công tác tái thả được VQG thực hiện từ năm 2016, đến nay đã tổ chức 19 đợt tái thả, với tổng số 34 loài, 367 cá thể động vật hoang dã trở về tự nhiên góp phần tăng tính đa dạng môi trường rừng và bảo vệ nguồn gen động vật hoang dã không chỉ cho riêng VQG Hoàng Liên mà còn cho cả nước.

    Thực hiện nội dung thu thập cây bảo tồn, hiện VQG đang trồng, chăm sóc bảo tồn gần 5.000 cây thuộc 111 loài thực vật bậc cao có mạch tại Vườn. Một số loài cây bảo tồn có giá trị quý, hiếm như: Vân sam phan xi păng, Thiết sam, Pơ mu, Bách xanh, các loài Đỗ quyên, Hoàng tinh, Kim giao, Chắp tay, Hồi núi cao, Kiêu hùng, Áo cộc,… nhằm tạo cơ sở nghiên cứu khoa học, nhân giống phát triển bảo tồn và phục vụ tham quan, học tập, quảng bá các loài thực vật đặc hữu của VQG Hoàng Liên.

    Một số giải pháp góp phần bảo tồn, phát triển rừng và đa dạng sinh học trong thời gian tới

    Bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học của VQG cũng gặp những khó khăn, thách thức như: Diện tích Vườn đang quản lý trên địa bàn của 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu; Còn một bộ phận nhân dân sống trong vùng lõi Vườn, có hoạt động canh tác sản xuất và chăn thả gia súc; Ảnh hưởng của kinh tế thị trường đã dẫn đến sự phân hóa xã hội sâu sắc, nhu cầu về vật chất ngày càng tăng thúc đẩy người dân vào rừng khai thác lâm sản để phục vụ nhu cầu của gia đình và xã hội. Ngoài ra, nhận thức về vai trò, chức năng và giá trị của rừng đối với tính bền vững môi trường ở các xã vùng đệm còn hạn chế, chưa đánh giá đúng các giá trị môi trường của rừng đem lại trong cộng đồng địa phương; Cơ chế, chính sách đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học còn nhiều vấn đề bất cập, chưa hợp lý.

    Để bảo tồn, phát triển rừng và đa dạng sinh học, từ kinh nghiệm của VQG Hoàng Liên, trong thời gian tới, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

    Thứ nhất, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở địa phương trong tham gia công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững hệ sinh thái

    Thứ hai, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua hoạt động tuyên truyền giáo dục về tầm quan trọng cũng như nâng cao ý thức cho người dân địa phương trong bảo tồn giá trị đa dạng sinh học; giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường.  

    Thứ ba, phát huy tối đa tiềm năng giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng thông qua  phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch bằng các Mô hình “du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng”, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển rừng.

    Thứ tư, chia sẻ lợi ích từ rừng thông qua các dịch vụ môi trường. Về lâu dài, để giải quyết được những sức ép lên tài nguyên rừng đặc dụng, do sinh kế của cộng đồng địa phương, Nhà nước có thể phải tính đến phương án dành ngân sách công để đầu tư kinh phí, biến việc “bảo vệ rừng” trở thành một nghề có thu nhập trong xã hội, đảm bảo sinh kế cho người dân giữ rừng, thay vì chỉ áp dụng các cơ chế hỗ trợ và giao khoán bảo vệ như hiện nay.

    Thứ năm, quan tâm đến việc tạo sinh kế ổn định, giảm nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,1% tổng số hộ trong vùng đệm.

    Tin tưởng rằng, với những tiềm năng, lợi thế giá trị đa dụng về hệ sinh thái rừng hiện có, đặc biệt là thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái tại VQG, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp được hoàn thiện kịp thời, trong thời gian tới, VQG Hoàng Liên sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa nhằm quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học.

VQG Hoàng Liên là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Lào Cai; tổng diện tích quản lý hiện nay là 28.498 ha (trong đó: 20.998 ha tỉnh Lào Cai; 7.500 ha nằm trên địa bàn tỉnh Lai Châu). VQG Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng lớn của Việt Nam, được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chọn là một trung tâm đa dạng của các loài thực vật; Quỹ Môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao nhất về giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam hiện nay và được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN năm 2003. Từ năm 2003 khi được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng được VQG Hoàng Liên đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ hàng đầu trong các hoạt động, thực hiện xây dựng, triển khai phương án quản lý rừng bền vững, giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Đề án “Phát triển du lịch sinh thái bền vững VQG Hoàng Liên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm bảo vệ và phát triển vốn rừng, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, gìn giữ môi trường, ngăn ngừa những thảm họa về môi sinh cho con người và phát huy khả năng phòng hộ đầu nguồn cho sông Đà, sông Hồng.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn