Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Cùng hành động để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về tài nguyên nước, khí hậu và thời tiết

04/07/2023

    Biến đổi khí hậu (BĐKH) được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa mọi hoạt động hướng tới phát triển bền vững. Các báo cáo về tình trạng khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới thể hiện những thay đổi của hệ thống khí hậu trong những năm qua, các chỉ số về nồng độ khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng của đại dương, axit hóa đại dương, băng tan và mực nước biển dâng, đều ở mức cao kỷ lục tại thời điểm quan trắc. Như vậy, BĐKH đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn, các đợt nắng nóng kéo dài với cường độ cao hơn, lượng mưa lớn hơn và hạn hán cũng nghiêm trọng hơn.

    Trong khi đó, theo Liên Hợp quốc, tài nguyên nước (TNN) là một phần cơ bản của tất cả các khía cạnh cuộc sống, gắn bó chặt chẽ với các giá trị xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, thông qua mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, môi trường, an ninh lương thực... TNN là yếu tố quan trọng nhất để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Vì vậy, chủ đề Ngày Nước thế giới: “Thúc đẩy sự thay đổi”; Ngày Khí tượng thế giới: “Thông tin thời tiết, khí hậu và TNN góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”; Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với chủ đề “Thời khắc quan trọng cho Trái đất” có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khía cạnh về môi trường - tài nguyên - sinh thái. Các thông điệp nêu trên nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và TNN, BĐKH; kêu gọi toàn thể cộng đồng hợp tác hành động, thể hiện vai trò, trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, BĐKH; tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác, quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.

Toàn cảnh Lễ phát động

    Để chuyển hóa thách thức thành cơ hội và lan tỏa các thông điệp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cấp Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH; nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan tới khí tượng thủy văn, nhất là tại những khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả TNN, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiên vớimôi trường, hướng đến phát triển bền vững. Ngoài ra, thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia với cơ quan quản lý thiên tai, quản lý TNN cũng như chính quyền địa phương và các bên liên quan để phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, BĐKH.

    Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ, là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc và được dự báo sẽ chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH, tỉnh Hòa Bình luôn thấy rõ được tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu, do đó, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình luôn sẵn sàng, chủ động, đối phó với sự thay đổi của thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu. Năm 2023, để hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện và thành phố triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng rộng rãi sự kiện quan trọng này. Đặc biệt, nhân Ngày Khí tượng thế giới 23/3, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh chung tay cùng cộng đồng, bằng những hành động thiết thực của mình sử dụng TNN tiết kiệm, hiệu quả, giữ gìn vệ sinh môi trường, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh và hiện đại. 

Tọa đàm “Vai trò của Khí tượng thủy văn, tài nguyên nước trong thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển đất nước”

    Theo bà Ramla Al Khalidi, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nước là sự sống, mỗi giọt nước đều quý giá, chúng ta phải có trách nhiệm cao hơn trong quản lý và sử dụng nguồn nước. Hiện nay, UNDP đang phối hợp cùng các đối tác giúp Việt Nam đối phó với tình trạng hạn hán và thiếu nước sinh kế, tuy nhiên, để giải quyết triệt để thách thức này cần đẩy mạnh các mô hình thích ứng với BĐKH, đặc biệt là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; ưu tiên triển khai mạng lưới khí hậu đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực nhằm đưa ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn và đầu tư chuyển đổi sang năng lượng xanh. UNDP cam kết hợp tác hiệu quả với Bộ TN&MT, các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với BĐKH, BVMT, hướng tới phát triển bền vững.

    Nhân dịp Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3/2023), Ngày Khí tượng thế giới (23/3/2023), Bộ TN&MT đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Vai trò của khí tượng thủy văn, TNN trong thích ứng với BĐKH, phục vụ phát triển đất nước”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả TNN, đồng thời khẳng định vai trò của thông tin dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn, quản lý vận hành liên hồ chứa. Tọa đàm đã chia sẻ, thảo luận vai trò của công tác thông tin khí tượng thủy văn trong việc xây dựng, vận hành các công trình hồ chứa, cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội và thực trạng sử dụng TNN tại Việt Nam hiện nay. Qua đó, các chuyên gia đã có những khuyến nghị về chính sách cũng như giải pháp nhằm sử dụng TNN tiết kiệm, hiệu quả.

Bảo Bình

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)

Ý kiến của bạn