Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính

12/09/2024

    Với diện tích sản xuất lúa hơn 100 nghìn ha/năm, tỉnh Đắk Lắk là “vựa lúa” lớn nhất Tây Nguyên. Nhiều vùng trồng lúa của tỉnh cho năng suất và chất lượng rất tốt, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, giá trị của lúa gạo vẫn chưa cao, bà con nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.

    Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk, với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nguồn nước dồi dào, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện nên Đắk Lắk có nhiều điều kiện để sản xuất nông nghiệp; trong đó có cây lúa nước. Những năm qua, nhìn chung tình hình sản xuất lúa khá ổn định, diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng hầu hết đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100 nghìn ha, chiếm khoảng 34,95% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh. Diện tích lúa nước tập trung nhiều ở các huyện: Lắk, Krông Bông, Ea Kar, Krông Ana, Ea Súp...

    Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk gieo trồng 46.581 ha lúa nước, đạt 116,45% kế hoạch đề ra. Năng suất vụ Đông Xuân trên địa bàn dao động khoảng 7 - 10 tấn/ha, có nơi đạt 12 tấn/ha, cao hơn trung bình vụ Đông Xuân 2022 - 2023 khoảng 6 tạ/ha. Giá cao hơn 2.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2022 - 2023. Người dân phấn khởi vì thời tiết nắng ráo, thuận lợi cho thu hoạch, lúa được mùa, được giá.  Để gia tăng năng suất, chất lượng, hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh đã sử dụng nhiều giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất như: Đài thơm số 8, RVT, ST 25, OM4900, HT1, OM5451… Nông dân đã tích cực áp dụng các kỹ thuật tiên tiến về gieo sạ, chăm sóc, tưới nước, bón phân hợp lý để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón; ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Ngành nông nghiệp, các địa phương cũng quan tâm, tổ chức tập huấn chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất lúa.

Ảnh minh họa

    Diện tích lúa của Đắk Lawsk được phân bố rộng rãi trên tất cả các địa bàn, trong đó có 5 huyện diện tích lúa lớn hơn 10.000 ha như Ea Súp (24.000 ha), (Krông Pắc) 16.000 ha, Lắk (14.000 ha), Ea Kar (13.000 ha), Krông Ana (12.000 ha). Đắk Lắk đã hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất lúa giảm phát thải các-bon với diện tích trên 4 ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Điều này được đánh giá là sự đột phá, tiên phong của Đắk Lắk đối với sản xuất lúa nước để ngành lúa gạo Đắk Lắk đối với định hướng chung của ngành lúa gạo mà Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã đề ra.

    Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon (doanh nghiệp triển khai mô hình) cho biết, mô hình lúa đang thí điểm tại Đắk Lắk được triển khai theo quy trình canh tác lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất. Đây là một giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt, khô xen kẽ (Alternate wetting and drying hay gọi tắt là AWD) của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, kết hợp với các chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và quy trình bao tiêu báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon. Mô hình này sẽ giúp sản xuất lúa giảm sự phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học lên đến hơn 40%; tăng năng suất từ 15 - 20%; thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất canh tác lúa, gạo sạch hơn… Với giải pháp này, cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp, tuy nhiên, nhiều vùng trồng lúa ở Đắk Lắk hiện có hệ thống thủy lợi khá tốt nên vấn đề này không đáng lo ngại. Vấn đề hiện nay là cần làm tốt công tác truyền thông để người nông dân hiểu được cách làm mới, nâng cao nhận thức sản xuất gắn với môi trường để làm ra những sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường tiêu dùng xanh.

    Theo tính toán, khi áp dụng phương pháp canh tác của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI, mỗi 1 ha lúa sẽ tạo ra 3 tín chỉ các-bon. Đơn vị thu mua tín chỉ carbon lúa ở Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan đã quyết định chi trả 20 USD cho 1 tín chỉ. Như vậy, với 1 ha giảm phát thải, nông dân thu thêm được 1,5 triệu đồng. Sau khi làm việc trực tiếp với địa phương, đơn vị thu mua cam kết chỉ cần ra báo cáo là mua ngay, không cần có đơn vị thứ 3 cấp tín chỉ các-bon. Bởi, hiện tại thị trường quan trọng nhất là châu Âu chưa công nhận bất kỳ chứng nhận của tổ chức nào, nhưng báo cáo giảm phát thải được xây dựng dựa trên tiêu chí chuẩn và quy định của Liên hợp quốc.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn