Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Vườn quốc gia Bạch Mã: “Ngựa trắng” trên đỉnh Trường Sơn

22/01/2014

     Cách TP. Huế khoảng 50 km về phía Nam nép mình bên dãy Trường Sơn, núi Bạch Mã trông giống như một con ngựa bạch duỗi chân hướng ra biển mênh mông, đầu và hai chân trước vươn cao đầy vẻ oai hùng. Dưới chân của núi là những thung lũng hẹp, dài với những dòng suối trong xanh, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo thu hút khách du lịch, đồng thời góp phần phát triển hệ động thực vật phong phú của vùng.

 

VQG Bạch Mã phong phú các loài thực vật quý hiếm

 

     Với nhiệt độ trung bình vào mùa hè cao nhất không quá 260C, Bạch Mã là một trong những vùng có khí hậu núi dễ chịu nhất của bán đảo Đông Dương. Vào những năm 30 của thế kỷ 20, khi người Pháp đặt chân tới nơi này họ đã phát hiện ra Bạch Mã có một kho tàng di sản thiên nhiên rất phong phú về đa dạng sinh học, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Người Pháp đã cho quy hoạch và xây dựng nơi đây thành một khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái lý tưởng. Cơ sở hạ tầng được định hình và ra đời đồng loạt với 139 ngôi biệt thự sang trọng cùng nhiều công trình phục vụ công cộng như: ngân hàng, bưu điện, bể bơi, sân bóng, nhà hàng. Rất tiếc là trải qua thăng trầm của lịch sử, cùng chiến tranh, Bạch Mã bị tàn phá nặng nề và vóc dáng của một khu du lịch chỉ còn là hoài niệm.

     Từ năm 1991, Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã được chính thức thành lập, với tổng diện tích 22.031 ha, nằm trên địa phận hành chính của hai huyện Phú Lộc và Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 2008, VQG Bạch Mã được phê duyệt mở rộng diện tích vùng lõi lên 37.487 ha, với những quy hoạch bảo tồn nghiêm ngặt.

     Mặc dù được thành lập muộn hơn so với những VQG khác, nhưng VQG Bạch Mã vẫn giữ được nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ. Độ che phủ rừng chiếm trên 90% tổng diện tích VQG.

     Nơi đây đa dạng về địa hình, diện mạo và nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ. VQG Bạch Mã có hai kiểu rừng chính là: Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở đọ cao dưới 900 m và rừng kín thường xanh, mưa mùa á nhiệt đới ở độ cao trên 900 m. Rừng ở độ cao trên 900 m là rừng có đa dạng sinh học phong phú. Ở đây có 2.373 loài thuộc hệ nấm và thực vật, gồm 332 loài nấm, 87 loài rêu, 183 loài dương xỉ, 22 loài hạt trần và 1.749 loài hạt kín. Trong đó, có 73 loài cây quý hiếm được liệt kê trong sách Đỏ Việt Nam và 204 loài cần ưu tiên bảo vệ; Có trên 500 loài được sử dụng làm thuốc quý, đặc trưng như bảy lá một hoa; hoàng đàn, thích bắc bộ, thạch tùng, hoàng tinh hoa trắng, râu hùm, gừng dại, nghệ đen, sâm lông… có công dụng chữa bệnh. Các loài cây phổ biến, chủ yếu mọc ở đỉnh núi thuộc họ kim giao (như tùng bạch mã); một số loài cây lá rộng có giá trị thuộc họ dầu, họ long não, loài cây gỗ (cẩm lai, trắc, trầm hương, sến đinh, lim, thông đà lạt, pơ mu, hồng quang, chổi sể...) và các loài cau dừa, dương xỉ, lan… Ngoài ra, VQG cũng có những loài mới được phát hiện như chìa vôi, mây, bọt ếch bạch mã…Không chỉ thực vật mà khu hệ động vật ở Bạch Mã cũng rất phong phú với nhiều loài đặc hữu quý hiếm như voọc ngũ sắc, vượn đen má trắng, sao la, gấu ngựa, báo gấm, khỉ mặt đỏ, mang lớn…Cho đến nay, các nhà khoa học đã nghi nhận ở VQG Bạch Mã có 1.715 loài động vật, trong đó có 132 loài thú, 143 loài ếch nhái, bò sát, 57 loài cá và 1.029 loài côn trùng. Khu hệ này có 69 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và 15 loài đặc hữu cần có giải pháp ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, VQG Bạch Mã được coi là “ nơi gọi chim trời” với 363 loài chim, chiếm khoảng 1/3 các loài chim của Việt nam, trong đó đến 15 loài đặc hữu như họa mi, khướu bạc má, chích chòe lửa gà lôi trắng, gà lôi lam mào trắng, gà so trung bộ, trĩ sao…

     Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng các loài thực vật và động vật giảm đáng kể. Một số loài đã bị tuyệt chủng. Nguyên nhân chính là do người dân sống ở vùng đệm của VQG, với 60.000 người thuộc 4 cộng đồng dân tộc Kinh, Katu, Vân Kiều, Mường, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và chăn nuôi, đời sống còn nhiều khó khăn nên họ phải khai thác gỗ, săn bắn động vật rừng trái phép trong VQG. Trong khi các loài động vật hoang dã và gỗ quý có giá trị kinh tế cao, nhu cầu từ các thành phố và các quốc gia khác lớn, nhận thức của người dân về pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế. Hiện nay, Ban quản lý VQG Bạch Mã cùng với chính quyền địa phương đang nỗ lực giáo dục tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân. Đồng thời, Ban quản lý VQG cũng đưa ra mô hình khuyến khích người dân phát triển du lịch sinh thái nhằm giảm sức ép vào tài nguyên rừng.

 

Beo lửa được tìm thấy trong VQG Bạch Mã

 

      Đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, nguy cơ suy giảm hệ sinh thái, do sự khai thác quá mức của con người và biến đổi khí hậu, Ban quản lý (BQL) VQG Bạch Mã đã đề xuất một số giải pháp bảo vệ rừng như:

     Đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác bảo tồn chuyên sâu hơn để có khả năng giám sát đa dạng sinh học nói chung và các loài nguy cấp nói riêng. Ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp các vườn sưu tập thực vật có đủ dung lượng cá thể của các loài đang có nguy cơ bị đe dọa hoặc bị tuyệt chủng để đảm bảo công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, đồng thời tạo cảnh quan du lịch góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn các loài này đối với cộng đồng.

     Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy chế thống nhất quản lý vùng đệm, xây dựng một số mô hình vườn rừng, trồng cây phân tán đến từng hộ gia đình theo hướng bảo tồn nông trại một số loài cây quý hiếm bị đe dọa có giá trị cao.

     Bảo tồn các giá trị khoa học đối với hệ động vật, thực vật đặc hữu như gà lôi lam mào trắng, trĩ sao, voọc ngũ sắc, sao la, mang lớn, beo lửa… và các loài thực vật quý hiếm như trầm hương, trắc, gụ, cẩm lai...

     Duy trì chức năng phòng hộ đầu nguồn của các lưu vực sông Truồi, sông Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương), sông Cu Đê, sông Côn... góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong khu vực.

     Xây dựng và phát triển cơ sở vật chất của VQG, tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu bảo tồn động vật, thực vật hệ sinh thái điển hình của vườn. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, phục vụ việc đào tạo, tham quan học tập theo quy định của quy chế quản lý rừng.

     Khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, hướng dẫn giúp đỡ người dân trong vùng tạo việc làm, không ngừng cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, BVMT sinh thái.

 

Nguyễn Thu Hà

Tổng cục Lâm Nghiệp

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

Ý kiến của bạn