Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Triển khai thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam thông qua Kế hoạch hành động

06/01/2015

     Trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%  bình quân mỗi năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nền kinh tế hội nhập cao với kinh tế thế giới, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, nhìn nhận lại chặng đường vừa qua, đánh giá chung của Chính phủ và các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế cho thấy, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định.

     Sự phát triển này vẫn còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư, thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường gia tăng, cường độ phát thải khí nhà kính cao. Hơn nữa, chúng ta hiện đang đối mặt với một số thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước trong điều kiện chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2020 đã chỉ rõ, đất nước cần phát triển nhanh và bền vững, tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với với tiến bộ xã hội và BVMT.

     Tăng trưởng xanh (TTX) cùng với các định hướng chính sách, kế hoạch phát triển quốc gia mới sẽ giúp quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm xanh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và BVMT.

     Trong bối cảnh này, TTX là phương thức phát triển phù hợp với Việt Nam. TTX là cụ thể hóa định hướng phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đề ra.

     TTX hiện được nhiều quốc gia thực hiện thành công và trở thành xu hướng toàn cầu. Tháng 6/2009, cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TTX được xem là mô hình phát triển mới, giúp đạt được tăng trưởng bền vững. Tại Hội nghị "Rio + 20", tháng 6/2012, Hội thảo về phát triển bền vững, TTX là nhân tố quan trọng giúp đạt được phát triển bền vững.

     Ngày 25/9/2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về TTX gồm 3 nhiệm vụ chiến lược: Giảm phát thải nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững thông qua thực hiện 17 nhóm giải pháp trong đó tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực để thực hiện Chiến lược; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ; Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng; Giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, thực hành tiêu dùng bền vững.

     Có thể thấy, Chiến lược TTX là một hệ thống bao gồm các chương trình, kế hoạch hành động và chính sách đa ngành, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

 

Cần các chính sách khuyến khích đầu tư “xanh” để thực hiện các mục tiêu Chiến lược TTX

 

     Sau khi Chiến lược được ban hành, Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về TTX đã tập trung xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn năm 2014-2020. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo đã có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn năm 2014-2020. Kế hoạch gồm 12 nhóm hoạt động với 66 hoạt động cụ thể theo 4 chủ đề chính:

     • Xây dựng thể chế quốc gia và Kế hoạch hành động TTX tại địa phương, bao gồm 8 hoạt động;

     • Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với 20 hoạt động theo 4 nhóm;

     • Thực hiện xanh hóa sản xuất với 25 hoạt động theo 4 nhóm;

     • Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững với 13 hoạt động theo 2 nhóm;

     - Đề ra yêu cầu các tỉnh, TP; các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động TTX với ít nhất 2 chỉ tiêu giảm tiêu hao nhiên liệu và cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP;

     - Phân công nhiệm vụ và chủ trì phối hợp cụ thể cho Ban Điều phối quốc gia về TTX, Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng;

     - Xác định rõ hơn 3 dạng nguồn lực với cơ chế huy động, điều phối phân bổ nguồn lực.

     Để Chiến lược sớm đi vào cuộc sống, Bộ KH&ĐT cùng các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch hành động. Cụ thể: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT… và các địa phương: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bến Tre, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã chủ động tích cực xây dựng Kế hoạch hành động TTX và lồng ghép TTX vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 của địa phương.

     Về phía Bộ KH&ĐT, theo nhiệm vụ phân công đang thực hiện:

     • Tổ chức Ban điều phối triển khai Chiến lược TTX, trực thuộc Ủy ban quốc gia về BĐKH;

     • Hoàn thiện khung thể chế nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế phù hợp với Chiến lược TTX;

     • Đề xuất chính sách và hoạt động huy động nguồn lực cho TTX, gồm mô hình hoạt đông Quỹ khí hậu xanh Việt Nam;

     • Dự thảo hướng dẫn đầu tư xanh;

      • Dự thảo cẩm nang hướng dẫn hoạt động Quỹ hỗ trợ đầu tư xanh;

     • Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TTX;

     • Rà soát đánh giá đầu tư công cho BĐKH và TTX;

     • Dự thảo khung hướng dẫn Kế hoạch hành động TTX cho cấp tỉnh;

     • Hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương trong tăng cường năng lực điều phối, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động TTX.

      Chiến lược và Kế hoạch hành động đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam đóng góp chung vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH dù trong giai đoạn trước mắt Việt Nam vẫn cần tăng trưởng nhanh để có thể đạt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

     Từ Chiến lược đến Kế hoạch hành động và triển khai trong thực tế là một quá trình lâu dài với nhiều thách thức từ hình thành và phát triển thể chế, chính sách, phân công tổ chức thực hiện, huy động các nguồn lực tài chính và công nghệ đến theo dõi, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện, do đó, việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, hỗ trợ quốc tế có một vai trò hết sức quan trọng.

     Trong điều kiện Việt Nam còn thiếu nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm để thực hiện toàn diện các hoạt động, đặc biệt là tái cấu trúc các ngành và thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, trong khi đó khả năng huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và khu vực tư nhân còn rất hạn chế. Thời gian vừa qua, Chính phủ hợp tác với nhiều đối tác phát triển và nhà tài trợ huy động tài chính thực hiện các dự án TTX, các dự án này liên quan chặt chẽ tới giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.

     Khác với nhiều Chiến lược, chương trình phát triển khác, Chiến lược TTX là bước đi quan trọng để tái cấu trúc kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng với nhiều cơ hội đầu tư cũng như thách thức. Do đó, sau bước tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước hoàn thiện thể chế, cần sự tham gia thực sự của các thành phần kinh tế, trong đó chính sách công có vai trò xúc tác, dẫn dắt thu hút các nguồn đầu tư ngoài khu vực công. Do đó, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư “xanh” từ các nguồn quốc tế và trong nước để đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu Chiến lược đã đề ra.

 

Nguyễn Thế Phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn: Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường 2014

 

 

 

Ý kiến của bạn