Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Thực trạng cảnh quan môi trường tại các nhà vườn trong kinh thành Huế

15/06/2015

   Từ lâu Huế được mệnh danh là thành phố của những nhà vườn - nơi ở của quan lại trong triều đình nhà Nguyễn với niên đại trên 100 năm. Những khu nhà vườn như một kinh thành Huế thu nhỏ, với bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa và cây ăn quả … mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay do sự khắc nghiệt của thời gian và thời tiết, nhiều nhà vườn đã xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời quá trình đô thị hóa cùng với các tác động của lối sống đô thị đã làm phai nhạt các giá trị đặc trưng, truyền thống của nhà vườn, một số nhà vườn bị tháo dỡ hoặc chia cắt, lấn chiếm để xây dựng công trình mới.

   Những biến đối về cảnh quan môi trường của các nhà vườn trong khu vực kinh thành Huế

   Về kiến trúc ngoại thất: Hàng rào cây chè tàu, râm bụt là một kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà vườn Huế được cắt xén như một loại thành xây bằng lá xanh nhằm phân định mốc ranh giới và điểm tô cho mảng xanh của nhà vườn. Song, trước xu thế phố hóa nhanh, cùng với lối sống đô thị đã làm thay đổi quan điểm thẩm mỹ của con người. Do đó, một số nhà vườn đã bê tông hóa hàng rào, thay đổi kiến trúc theo các kiểu cách đương đại, một số nhà vườn khác do nằm trong khu vực quy hoạch, mở rộng đường nên bắt buộc phải phá bỏ hàng chè tàu, phá vỡ một phần cảnh quan của nhà vườn Huế.

   Về kiến trúc nội thất: Bố cục nhà vườn Huế là một mô hình sinh thái lý tưởng, hài hòa… Ở đây, con người không bộc lộ ham muốn chế ngự, thống trị mà cố gắng tìm cách tổ chức để sống hài hòa vào cảnh sắc thiên nhiên. Điều dễ nhìn thấy ở nhà vườn xứ Huế là tính phi chuyên canh, đa chủng, tầng, mùa nào thức ấy, cung cấp nguồn thực phẩm, sản vật liên quan đến nghi lễ, phong tục, hương liệu, sức khỏe, giải trí - thư giãn, triết lý nhân sinh và phục vụ sinh hoạt cho con người. Hệ thực vật đa dạng, từ các loại cây ăn quả có tính chất đại trà dễ chăm bón, có giá trị kinh tế cao như hồng, thanh trà, măng cụt, cam, quýt, đến các loại cây sử dụng làm chất đốt, vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm bánh, cây dại có trái ăn được như rát, bứa, chay… ; Các loại cây làm đẹp cảnh quan và tạo bóng mát. Mỗi loại cây đều tồn tại theo một đặc điểm sinh học riêng, người Huế đã khéo léo quy hoạch chúng vừa theo trục đứng của không gian, từ cây cao đến cây thấp, chen chúc nhưng không cản trở nhau phát triển, bố trí theo mặt bằng của diện tích.

   Có thể nói, các loại cây ở nhà vườn Huế biểu lộ chất phong lưu, thể hiện nét truyền thống và nhân sinh quan của gia chủ hoàn toàn không nặng về kinh tế. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình đã chặt bỏ các loại cây không mang lại hiệu quả kinh tế thay vào đó là trồng thêm một số loại rau, củ quả và các loại hoa màu khác, nhằm phục vụ nhu cầu của khách tham quan hoặc dịch vụ ẩm thực trong khung cảnh nhà vườn dẫn đến sự điều chỉnh về cấu trúc khu vườn. Các tầng cây xanh theo trục dọc cũng như sự phân bố các giống loài trên mặt bằng ngày càng xa dần với mẫu hình truyền thống. Mặt khác, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều loại cây bị sâu bệnh phá hoại, một số nơi trong kinh thành bị ngập lụt thường xuyên nên không giữ được hệ cây đa dạng đặc trưng như ngày xưa.

   Về cấu trúc ngôi nhà: Nhà rường với những nét chạm trổ tinh xảo, khéo léo, là nét văn hóa đặc trưng của nhà vườn Huế, được làm từ các loại gỗ quý như lim, kiền kiền, trắc, táu... Không chỉ là nơi cư trú của con người, không gian văn hóa của nhà rường còn chứa đựng nhiều nét truyền thống mang tính giáo dục cao, bởi đây là sản phẩm trí tuệ của con người, là thành tựu của sự chọn lọc những giải pháp tối ưu trong xử lý kỹ thuật và là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết, hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Nhưng hiện nay, do sự khắc nghiệt của thời tiết và nhà rường được thiết kế với lối kiến trúc thấp nên không gian bên trong thường tối, là điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật nguy hại sinh sống như mối, mọt, kiến, gián, chuột… làm vật liệu dễ bị mục, bở. Ngoài ra, do cảm quan thẩm mỹ thay đổi trước các tác động của thông tin và thị hiếu hiện đại, một số gia đình không còn phù hợp với lối sống nhà rường, vì vậy nhiều nhà rường bị phá bỏ hoặc thay thế các chi tiết mới. Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh tế cũng như thuế đất tăng cao, nhiều gia đình phải bán đất, nhà rường để trang trải cuộc sống.

   Qua kết quả điều tra của Nhóm nghiên cứu tháng 5/2013, trong số 29 nhà vườn đặc trưng trong khu vực Kinh thành Huế thì hiện còn 7/29 nhà vườn có thực trạng tốt (chiếm 24,1%); 8/29 nhà vườn có thực trạng khá (27,6%); 6/29 nhà vườn có thực trạng trung bình (20,7%) và 8/29 nhà đã bị biến đổi hoàn toàn (27,6%).

    Bên cạnh đó, việc quản lý các nhà vườn của chính quyền địa phương còn tồn tại một số khó khăn, bất cập, cụ thể: Mặc dù UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều chính sách bảo tồn và phát triển nhà vườn, tuy nhiên, việc phổ biến các chính sách đến người dân còn hạn chế. Nhiều quy định mang tính ràng buộc, mức hỗ trợ thấp, chưa tương xứng so với chi phí để bảo tồn ngôi nhà, quy trình thủ tục chậm trễ trong khi quyền lợi của người dân rất ít… gây phiền hà cho các chủ nhà vườn. Mặt khác, chưa có quy chế rõ ràng về quản lý, khai thác du lịch hiệu quả tại các nhà vườn, sao cho vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống. Về phía người dân, các hoạt động duy tu, bảo dưỡng còn mang tính tự phát và lệ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế của gia đình.

   Từ thực trạng của các nhà vườn ở kinh thành Huế cho thấy, sự xuống cấp ngày càng nhanh và sự biến dạng ngày càng phức tạp do kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, để nâng cao công tác bảo tồn và phát triển nhà vườn Huế nói chung, nhà vườn trong kinh thành Huế nói riêng, cần sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương và các chủ nhà vườn nhằm gìn giữ các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đất nước.

   Một số giải pháp bảo tồn cảnh quan môi trường nhà vườn Huế

   Tích cực tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về giá trị, các chính sách bảo tồn và phát triển nhà vườn đến người dân trên cả nước, tiến tới xã hội hóa công tác bảo tồn di sản nhà vườn xứ Huế; Nghiên cứu, triển khai áp dụng chính sách về hỗ trợ nhà ở, đất, mua lại khu nhà vườn, nhằm giảm nhẹ và khắc phục mức độ biến dạng tại các nhà vườn, hạn chế tình trạng cắt bán, cơi nới, xây thêm nhà ở trong khuôn viên nhà vườn; Hỗ trợ, khôi phục các nhà vườn trong nhóm có tiềm năng khôi phục. Bên cạnh đó, xây dựng thêm một số hình ảnh nhà vườn mới phù hợp với xu thế thời đại, vừa giữ được nét văn hóa của nhà vườn cũ, đảm bảo được các yếu tố đặc trưng, không gian xanh, kiến trúc xanh… Đối với hệ cây có giá trị, cần có những nghiên cứu của các nhà sinh thái học để bảo tồn và phát triển hợp lý.

Ý kiến của bạn