Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Thương mại sinh học: Tương lai tươi sáng cho ngành Dược liệu Việt Nam

19/08/2014

     Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng. Theo thống kê, Việt Nam có tới hơn 12.000 loài thực vật với trên 4.000 loại có khả năng trị bệnh, trong đó có những loài dược liệu quý, hiếm, có khả năng ngăn ngừa, ức chế những căn bệnh như ung thư, đái tháo đường… Sở hữu nguồn dược liệu phong phú, quý hiếm và có dược tính cao, Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ điều kiện để trở thành một trong những nước đi đầu trong ngành xuất khẩu dược liệu.

     Tuy nhiên có một nghịch lý là nước ta hiện đang phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu dược, chủ yếu từ Trung Quốc (Số liệu: Viện Dược liệu Việt Nam). Trong khi đó, nhu cầu dược liệu trong nước ngày càng tăng cao đã dẫn đến tình trạng khai thác liên tục trong thời gian dài mà không chú ý đến tái sinh, bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH). Như một hệ lụy tất yếu, nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam ngày càng suy giảm, kiệt quệ, một số loài bị thu hẹp số lượng tới mức gần như tuyệt chủng.

     Thương mại sinh học - Lời giải cho bài toán khó dược liệu Việt

     Thương mại sinh học (BioTrade) là một khái niệm do Tổ chức Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) xây dựng từ năm 1996. BioTrade là "các hoạt động thu hái, sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ ĐDSH tự nhiên, theo các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế".

     Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã hỗ trợ Việt Nam triển khai Dự án "Phát triển các hoạt động thương mại sinh học đối với các hợp chất tự nhiên" (Gọi tắt là Dự án BioTrade). Dự án có ngân sách 1.000.000 USD và được triển khai trong 3 năm (2012 - 2014), do Helvetas Swiss Inter Cooperation Vietnam chịu trách nhiệm thực hiện. Dự án có sự tham gia của các đối tác trong nước bao gồm Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT.

     Mục tiêu tổng thể của Dự án là "Đưa Việt Nam trở thành quốc gia được quốc tế công nhận đối với các sản phẩm sinh học được khai thác, chế biến và giao thương phù hợp với các mục tiêu của Công ước Quốc tế về ĐDSH và nguyên tắc BioTrade".

     Trên thực tế, các hoạt động thương mại sinh học được vận hành theo 7 nguyên tắc: Bảo tồn ĐDSH; Sử dụng bền vững ĐDSH; Chia sẻ công bằng các lợi ích từ khai thác và sử dụng ĐDSH; Bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội; Sự tuân thủ các quy chế quốc gia và quốc tế; Tôn trọng quyền của các bên tham gia các hoạt động BioTrade; Minh bạch trong quyền sử dụng đất, tiếp cận kiến thức và tài nguyên thiên nhiên.

 

Cánh đồng cây dược liệu thìa canh tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

 

     Từ những nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về hiện trạng của ngành Dược liệu Việt Nam và với mục tiêu tổng thể đã được xác định, Dự án BioTrade đã đưa ra những mục tiêu cụ thể là: Xây dựng được một số chuỗi dược liệu hoạt động theo các nguyên tắc BioTrade; Phát triển một ngành nguyên liệu tự nhiên có tính cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế, được vận hành theo các nguyên tắc BioTrade và cuối cùng là tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của các hoạt động BioTrade tại Việt Nam.

     Với mục tiêu cụ thể và giá trị nhân văn trong hành động, việc phát triển các hoạt động BioTrade mang những ý nghĩa quan trọng đối với nền dược liệu Việt Nam.

     Những thuận lợi và thách thức khi triển khai Dự án BioTrade

     Một trong những điểm yếu nhất của người Việt là tính tuân thủ quy trình do canh tác, thu hái, sơ chế nguyên liệu dựa trên thói quen, kinh nghiệm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và dược tính của các cây thuốc. Hiểu rõ vấn đề, Dự án BioTrade đã cùng các công ty dược nghiên cứu và chuẩn hóa quy trình canh tác, khai thác, sơ chế dược liệu đồng thời tăng cường tập huấn, phổ biến giải thích để các hộ nông dân hiểu và tuân thủ theo đúng hướng dẫn. Sự tuân thủ quy trình đảm bảo cho cây thuốc quý có thời gian và điều kiện tái sinh cần thiết, phù hợp với các nguyên tắc bảo tồn ĐDSH.

     Ngoài ra, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất trong quá trình canh tác, sản xuất cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm cho chất lượng dược liệu không đồng đều, các chi phí vận chuyển, bảo quản tăng cao… Dự án đã trực tiếp hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại các vùng trồng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của GACP-WHO (Thực hành tốt hoạt động trồng trọt và thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới). Cụ thể, Dự án hỗ trợ nông dân Hải Hậu - Nam Định xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, xây nhà kho chứa dược liệu trong chuỗi giá trị dây thìa canh, mua sắm các thiết bị sơ chế dược liệu cho hợp tác xã Ki Quan San (chuỗi giá trị chè dây), xây dựng vườn ươm đinh lăng tại Nghĩa Hưng - Nam Định…

     Tính liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp vốn là một trong những hạn chế của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành dược liệu nói riêng. Việc tăng cường mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp đã được BioTrade thực hiện thông qua việc thành lập các tổ hợp tác xã canh tác, thu hái dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp xây dựng các hợp đồng thu mua dược liệu chặt chẽ, bền vững có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Dự án cũng thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo, tư vấn nhằm nâng cao năng lực điều hành, sản xuất của các tổ nhóm. Hoạt động này đã làm cho người nông dân cảm thấy gắn bó và tin tưởng vào doanh nghiệp, vào tương lai của dược liệu sạch Việt Nam.

     Đối với các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế là thách thức không nhỏ. BioTrade thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo, tư vấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các tiêu chuẩn, xu hướng mới trên thị trường thế giới. Ngoài ra, Dự án đưa ra chương trình hành động, hoạt động hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực quảng bá sản phẩm và xúc tiến bán hàng cho doanh nghiệp. Trong 2 năm 2013 - 2014, BioTrade đã đưa nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam tham quan các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế tại Thái Lan, Hồng Công... giới thiệu các sản phẩm, nguyên liệu tự nhiên đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và đã thu hút được những quan tâm chú ý của một số tập đoàn nước ngoài.

     Những kết quả tích cực của Dự án BioTrade đã bước đầu thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý. 4/5 chuỗi giá trị nằm trong Dự án đã hoàn thiện hồ sơ và được cấp chứng nhận đạt chuẩn GACP-WHO, chuỗi giá trị còn lại hiện đang được tiếp tục đánh giá, theo dõi và kiểm định sự phù hợp với các tiêu chuẩn GACP-WHO trong thời gian tới.

     Từ một khái niệm xa lạ, thương mại sinh học - BioTrade đã trở thành một ngành, một nguyên tắc, một xu hướng tất yếu trong phát triển dược liệu sạch tại Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp dược, việc áp dụng các tiêu chuẩn BioTrade vào hoạt động sản xuất sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hướng đến tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với nguyên tắc "chia sẻ lợi ích công bằng", không chỉ doanh nghiệp mà các yếu tố khác nằm trong chuỗi giá trị như các đại lý thu mua và đặc biệt là người nông dân cũng được hưởng lợi ích lớn khi tham gia các hoạt động của BioTrade. Được hỗ trợ và cung cấp tư liệu sản xuất, sản phẩm canh tác được bao tiêu với giá cả ổn định… đời sống nhân dân tại các vùng trồng dược liệu được nâng cao một cách rõ rệt. Điều này thúc đẩy sự gắn bó, tính liên kết tự nguyện giữa người nông dân với doanh nghiệp và Dự án.

     Với ngân sách không lớn và thời gian tác động ngắn, phạm vi tác động rộng lớn (5 chuỗi giá trị tại nhiều vùng trồng rải rác trên cả nước) nhưng những kết quả đạt được của dự án BioTrade là hết sức khả quan. Thiết nghĩ, với những gì thực tế đã chứng minh, việc phát triển ngành nguyên liệu tự nhiên nói chung và dược liệu Việt Nam nói riêng theo các nguyên tắc BioTrade cần được sự ủng hộ và nhìn nhận một cách nghiêm túc của các cơ quan hữu quan; từ đó có những chính sách quy hoạch phát triển và khai thác dược liệu bền vững, theo hướng bảo tồn ĐDSH, đưa Việt Nam trở thành một nước có vị thế được quốc tế công nhận trong việc xuất khẩu các nguyên liệu tự nhiên chất lượng và phong phú.

 

 

Ninh Văn Nghị

Tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

Ý kiến của bạn