Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Tam Phúc huy động sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới

23/01/2014

     Là một xã nhỏ vùng đồng bằng, thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, với tổng diện tích đất tự nhiên 307,58 ha, dân số toàn xã có 3.587 người, với 1.039 hộ dân. Năm 2011, Tam Phúc được Ban thường vụ Tỉnh ủy chọn là 1 trong 20 xã làm điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh và là 1 trong 3 xã làm điểm của huyện Vĩnh Tường. Sau hơn 2 năm thực hiện, với sự cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã, Tam Phúc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, góp phần khẳng định vai trò và vị trí của mình trong công cuộc xây dựng NTM của toàn tỉnh.

 

Bãi chôn lấp rác thải tập trung xa khu dân cư

 

     Tháng 12/2011, UBND đã lập được Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, với tổng nguồn vốn đầu tư đạt 99,535 tỷ đồng. Do làm tốt từ khâu chuẩn bị, nhất là xây dựng được Đề án đúng và sát, phù hợp với thực tế và nhu cầu của địa phương, Tam Phúc đã thu được những kết quả ngoài mong đợi.

     Tiêu chí cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, xã đã thực hiện bê tông hóa 100% các tuyến đường liên thôn, liên xã. Đường giao thông trục chính nội đồng của xã có 10 km đã được bê tông cứng hóa 100%. Đặc biệt, nhân dân đã hiến 2.812 m2 đất nông nghiệp, trị giá 607 triệu đồng và 30 m2 đất thổ cư, trị giá 30 triệu đồng để làm đường.

     Cơ sở văn hóa, vật chất về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, xã đã vận động nhân dân xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình phụ hợp vệ sinh, đến nay, 100% số hộ gia đình đã có công trình phụ, nhà vệ sinh hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, Nhà văn hóa thôn, cổng chào, hệ thống trường học, trạm điện, y tế, đình làng… được xây dựng khang trang, sạch đẹp với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Hiện nay, xã đã có 6/6 nhà văn hóa và sân thể thao thôn với đầy đủ trang thiết bị; Khu trung tâm thể thao xã được kiện toàn và 1 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính - viễn thông có phủ sóng truy cập mạng internet.

     Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân trong xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng việc đưa các cây, con, giống mới vào sản xuất cho năng suất cao; Triển khai đồng bộ các giải pháp về khoa học, kỹ thuật; Tổ chức quản lý, đào tạo nguồn lao động. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nghề chế biến nông - lâm sản gắn với phát triển dịch vụ và khai thác tiềm năng đất đai, tạo công ăn việc làm cho 280 chị em phụ nữ trong xã, đem lại nguồn thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng; Thực hiện tốt hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng các mô hình, trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt siêu nạc, gà đẻ, thủy sản… đem lại thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

     Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác vận động toàn dân cùng chung tay xây dựng NTM, bà Trần Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Tam Phúc cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nền kinh tế xã đã có nhiều thay đổi, đời sống dân cư được cải thiện. Do đó, người dân đã hiểu và có ý thức hơn trong việc phát triển bền vững gắn với BVMT thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Đồng thời, việc thực hiện Đề án xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia ban hành đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ xã Tam Phúc phát huy năng lực và nâng cao trình độ chuyên môn.

     Đối với tiêu chí môi trường, toàn dân đều có ý thức cao trong việc BVMT, không có hành vi gây ô nhiễm môi trường như đổ phế thải, rác thải ra đường; Vứt xác động vật chết hoặc xả thải các chất dầu mỡ độc hại xuống ao, hồ; Chất rơm rạ, buộc trâu bò ngoài đường gây ô nhiễm môi trường… Ban quản lý thường xuyên phát động phong trào toàn dân tham gia vệ sinh môi trường vào ngày mùng 10 hàng tháng và lấy ngày đó là ngày sức khỏe toàn dân. Hiện nay, xã đã có bãi chôn lấp rác thải tập trung ở nơi xa khu dân cư, với diện tích khoảng 100 m2, rác thải được thu gom từ 2 - 3 lần/tuần rồi vận chuyển ra bãi chôn lấp và phun thuốc.

     Về vấn đề sử dụng nguồn nước sạch, tính đến thời điểm hiện nay, Tam Phúc đã có 55% hộ dân sử dụng nước sạch; Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh 98%, đạt mức quy định là 1.018/1.039 hộ; 95% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường.

     Thực hiện nghiêm các quy định trong Hương ước, xã đã hoàn thiện hồ sơ cải tạo, nâng cấp nghĩa trang với tổng dự toán 1,104 tỷ đồng, quy hoạch nghĩa trang về một nơi và quy định rõ, mồ mả chỉ được phép cải táng sau 48 tháng và phải lấp huyệt, cạy hết ván, tiêu hủy quần áo, giữ gìn vệ sinh chung.

 

Nghĩa trang của xã được quy hoạch tập trung

 

     Có thể nói, Tam Phúc đạt được kết quả như ngày hôm nay là nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của lãnh đạo xã và tinh thần đoàn kết của toàn dân. Nhưng trên hết, là sự quan tâm tận tình, chu đáo của các cơ quan chức năng, UBND tỉnh, Sở TN&MT, Chi cục BVMT tỉnh Vĩnh Phúc. Với những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, sẽ là động lực cho Tam Phúc phát triển hơn nữa trong tương lai.

 

Gia Linh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

Ý kiến của bạn