Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Sống Xanh ở Đà Nẵng: Mỗi nhà một sáng kiến

14/03/2014

 

Sáng kiến trồng chuối lấy lá để dùng thay túi nilông của gia đình chị Đặng Thị Tuyết,

thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, đã được 100 gia đình khác học theo

 

     Hơn 8.500 phụ nữ Đà Nẵng đang phát huy sáng kiến sống xanh mỗi ngày để giúp tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, đồng thời góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan ở cộng đồng.

     Muôn nhà muôn vẻ

     Phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu là nơi đầu tiên ở Đà Nẵng thí điểm chương trình Sống Xanh vào năm 2010. Chị Lê Thị Phương, một thành viên Sống Xanh ở đây, chia sẻ, “Trước tôi chỉ phân loại chai, lọ nhựa đem bán gây quỹ. Từ khi được hướng dẫn làm phân hữu cơ, tôi thử nghiệm ngay với rác thải nhà bếp, làm phân bón cho vườn nhà. Hiện bây giờ các chị em còn chỉ nhau đổ thêm mùn cưa, bã chè, bã cà phê… vào thùng phân ủ. Nói chung sáng tạo mỗi nhà một cách, nhưng kết quả là từng gia đình giảm ít nhất 2kg rác mỗi ngày.”

     Còn chị Hoàng Tâm (ảnh dưới), nhóm trưởng nhóm Sống Xanh chi hội Phụ nữ số 3, phường Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu, có sáng kiến tiết kiệm rất độc đáo: thấy những tấm bạt bị bỏ phí ở gần nhà, chị đã cầm về và may lại thành túi. “Vừa tránh được việc bỏ đi những tấm bạt còn rất mới, mà cũng tiết kiệm vài chục ngàn cho chị em đỡ phải mua giỏ đi chợ. Ai cũng thích!”. Từ gần ba tháng nay, chị Tâm đã ‘sản xuất’ được gần 100 chiếc túi tái chế cho các thành viên Sống Xanh trong tổ.

 


     Với mong muốn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chị Trịnh Thị Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, đã cùng thử nghiệm với các chị em trong chi hội một chế phẩm hữu cơ dùng để lau nhà và chà rửa các đồ đạc trong gia đình có tên là “EM”: Hoa và lá cây, có thể là hoa và lá cúc, rửa sạch, ngâm nước nước đường và ủ trong bóng râm một tháng. “Tôi được một chuyên gia Nhật Bản chia sẻ công thức này trong hội nghị ‘Phát triển cộng đồng nghèo đô thị khu vực châu Á’. Chế phẩm này không mùi, không độc hại, rất thích hợp cho những hộ gia đình có trẻ nhỏ”, chị cho biết.

     Chương trình Sống Xanh lan tỏa mạnh mẽ tại các cộng đồng dân cư trong trung tâm thành phố. Trên con đường Lê Đình Dương thuộc phường Nam Dương, quận Hải Châu, bao bọc quanh các gốc cây là những bông hoa chuỗi ngọc hay mào gà xinh xắn (ảnh dưới). Đây là thành quả của các chị em nhóm Sống Xanh chi hội Phước Hiệp. Chị Hà Thị Thanh Lực, một thành viên của chi hội, nói, “Chúng tôi phân công nhau chăm sóc cây và hoa hàng ngày. Khi nào đến phiên mình, cả hai vợ chồng tôi cùng ra tưới cây. Có gốc hoa đẹp, không ai nỡ vứt rác ra đó, và mọi người cũng thấy yêu khu phố nhà mình hơn.”

 


 


     Tăng ngân sách gia đình nhờ sống xanh

     Tham gia mô hình Sống Xanh ngay từ những ngày đầu, gia đình chị Đặng Thị Tuyết, thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, là một trong những hộ liên tục duy trì việc trồng chuối lấy lá để dùng thay túi nilông. Chị Tuyết kể, “Sau khi hiểu rõ được tác hại của túi nilông, tôi quyết tâm chặt tràm để trồng chuối lấy lá. Lá chuối gói thực phẩm như bánh, chả, nem để lâu không có mùi khó chịu. Dùng xong đem đổ vào hố rác trong vườn, đốt và lấy phân bón cho cây trồng. Số lá chuối không sử dụng hết đem ra chợ bán.” Sáng kiến của chị đã được 100 hộ gia đình tại ba thôn khác ở xã này học theo.

     Còn tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang có một người phụ nữ đã biết cách tận dụng tất cả những sản phẩm dư thừa xung quanh để làm giàu: nhân giống cây từ những cành cắt tỉa bỏ đi, tận dụng phế phẩm nấm để làm chất màu cho đất, dùng những bãi đất bỏ hoang làm chỗ gây giống - đó là chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn (ảnh dưới). “Tôi nghĩ nơi nào có cơ sở hạ tầng, nơi đó cần cây xanh nên tôi quyết tâm làm cây giống từ đó”, chị kể. Đến nay cơ sở do chị làm chủ đã đem lại việc làm cho 10 lao động nữ nghèo với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.

 


     Cách đây hai năm, tại khu dân cư số 2, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ rất nhiều khoảnh đất ven sông bị bỏ hoang, cỏ mọc quá nửa người. Các cô các chị ở đây đã tập hợp nhau trong nhóm Sống Xanh để cùng làm vườn trên các khoảnh đất trống đó. “Không chỉ có rau sạch dùng quanh năm mà còn tăng thu nhập cho chị em mỗi người từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng”, chị Ngô Thị Tuyết, thành viên của nhóm, cho biết.

     Trước khi đến Đà Nẵng, Dự án Sống Xanh đã được Trung tâm Hành động vì Đô thị (ACCD) thử nghiệm tại Hà Nội cách đây bốn năm. Đây là dự án phỏng theo Mô hình Sống Xanh của cộng đồng Ballymun ở Dublin, Ireland và được Cơ quan hỗ trợ phát triển Ireland (Irish Aid) tài trợ. Không chỉ nỗ lực và phát huy nhiều sáng kiến nhằm tiết kiệm điện - nước, giảm thiểu rác thải, tận dụng các nguyên vật liệu thừa hoặc bỏ đi trong phạm vi gia đình, các thành viên Sống Xanh còn đóng góp tích cực cho việc cải thiện môi trường sống tại cộng đồng như dọn dẹp khu dân cư, làm đường, cải tạo các bãi rác tự phát thành vườn rau xanh…

 

Nhằm tôn vinh những nỗ lực của các thành viên Sống Xanh Đà Nẵng, triển lãm “TÔI SỐNG XANH” được trưng bày tại Nhà hát Trưng Vương trong ngày 6/3 với gần 80 bức ảnh kể về những sáng kiến thú vị. 

Đây cũng là dịp để khách tham quan tìm hiểu kinh nghiệm thực hành một cách trực tiếp từ các thành viên Sống Xanh.

 

Theo tiasang.com.vn

 

 

Ý kiến của bạn