Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Quy hoạch năng lượng địa phương - Hướng phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo cho nông thôn

06/12/2014

     Trong những thập niên vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo, kinh tế tăng trưởng nhanh và đẩy mạnh công nghiệp hóa. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) trong báo cáo phát triển Việt Nam năm 2011, phát triển kinh tế của Việt Nam chưa bền vững, chủ yếu vẫn dựa vào sử dụng khai thác tài nguyên với cường độ cao, hiệu quả thấp, nhiều ngành sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

     Hiện nay, chính sách năng lượng điện của quốc gia chỉ tập trung ưu tiên tăng công suất phát điện thông qua đầu tư vào than đá, dầu, thủy điện quy mô vừa và lớn. Trong khi đó, tiềm năng to lớn của quốc gia về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và các giải pháp quản lý nhu cầu chưa được khai thác đúng mức. Thêm vào đó, quy trình xây dựng chính sách năng lượng còn nhiều bất cập, kế hoạch phát triển năng lượng hiện nay chủ yếu được thiết kế nhằm hỗ trợ mục tiêu quốc gia và ngành trong khi sự tham gia của các bên liên quan ở cả cấp Trung ương và địa phương còn hạn chế.

     Góp phần vào nỗ lực chung để giải quyết những thách thức trên, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã khởi xướng Chương trình hành động thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam và khu vực Mê Công với sự trợ giúp ban đầu của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc Tế của Thụy Điển (Sida) và Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Việt Nam. Trong chương trình này, GreenID cùng 3 tổ chức đối tác gồm Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi với Biến đổi khí hậu (CEWAREC), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thụy Điển (SSNC) và Tổ chức Năng lượng bền vững của Đan Mạch (SE) đã sáng lập Liên minh Năng lượng để triển khai thực hiện một số nghiên cứu, tọa đàm đề xuất chính sách phát triển năng lượng bền vững và triển khai thí điểm tiếp cận mới trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho các vùng nông thôn. Phương pháp quy hoạch năng lượng (QHNL) địa phương hiện đang được GreenID và Liên minh năng lượng triển khai thí điểm tại địa bàn của 2 xã Nam Cường và Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đây là 2 xã đầu tiên ở Việt Nam được chọn để áp dụng phương pháp QHNL địa phương với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Năng lượng đến từ Thụy Điển, Đan Mạch và Thái Lan.

     QHNL địa phương (LEP) là một phương pháp tiếp cận còn khá mới với người dân Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực trong lĩnh vực năng lượng. Đây là phương pháp quy hoạch do cộng đồng địa phương, những người trực tiếp sinh sống trên địa bàn chủ động thực hiện. QHNL địa phương chính là việc người dân và chính quyền địa phương cùng nhau xây dựng một kế hoạch năng lượng chung để giải quyết các vấn đề liên quan đến năng lượng trên địa bàn. Khác với các phương pháp quy hoạch truyền thống khác, những người dân địa phương thường là những người bị động nhận các kế hoạch, quy hoạch từ các cấp cao hơn, ở phương pháp QHNL địa phương, người dân chính là nhân tố quyết định trong quá trình thực hiện quy hoạch.

 

Trạm pin năng lượng tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

 

    Để thực hiện QHNL địa phương, Dự án đã thành lập 2 nhóm công tác chuyên trách: nhóm nòng cốt (bao gồm các cán bộ kỹ thuật của các thành viên trong Liên minh Năng lượng Việt Nam) và nhóm công tác năng lượng địa phương tại từng xã. Nhóm nòng cốt dẫn dắt, điều hành và hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm công tác năng lượng địa phương trong quá trình phát triển QHNL của từng xã. QHNL địa phương bao gồm các bước chính: Lựa chọn nhóm thành viên chủ chốt trong cộng đồng; Phân tích tình huống; Xác định mục tiêu; Tìm kiếm giải pháp; Xây dựng kế hoạch; Hành động, quản lý, giám sát và quảng bá.

     Sau một thời gian triển khai tại 2 xã của tỉnh Thái Bình (từ tháng 8/2012), đến nay đã đạt được một số thành công đáng khích lệ. Hai xã đã xây dựng và đang thực hiện 2 kế hoạch năng lượng trong đó đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến sinh kế, môi trường và năng lượng phù hợp với điều kiện địa phương cũng như các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác. Quan trọng hơn, các kế hoạch này đã được chia sẻ ở nhiều cấp với các bên liên quan khác nhau và nhận được sự ủng hộ của các bên.

     Một trong những kết quả chính của LEP đã giúp nâng cao nhận thức của đại bộ phận người dân, cán bộ 2 xã về việc sử dụng năng lượng bền vững, hiệu quả. So với những ngày đầu khi triển khai dự án, cả người dân và chính quyền địa phương còn bỡ ngỡ khi nghe đến 2 từ ”Năng lượng”. Trong suy nghĩ họ đơn giản đó chỉ là điện. Tuy nhiên, qua hơn 17 tháng với việc áp dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia và bằng nhiều hình thức truyền thông như triển lãm, hội thảo, tham quan học tập mô hình… họ đã hiểu về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và tích cực tham gia ứng dụng các mô hình năng lượng tiết kiệm, bền vững. Theo phản ánh của đại diện lãnh đạo xã Bắc Hải, tỷ lệ đốt rơm rạ trong năm nay đã giảm khoảng 30 - 40% so với năm ngoái, một phần lớn cũng đã tận dụng rơm rạ để ủ phân vi sinh cũng vì vậy việc đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng giảm đáng kể. Tác động của việc nhận thức cộng đồng được nâng cao không chỉ đối với các hộ dân mà còn đối với các đơn vị công cộng như trường học, trạm y tế. Một trong những kết quả quan trọng là việc tham gia ứng dụng các mô hình năng lượng tiết kiệm hiệu quả với việc đối ứng chi phí hoặc tự bỏ kinh phí để tham gia mô hình. Theo thông tin từ đại diện của Công ty Tân Á Đại Thành, chi nhánh Thái Bình - Đơn vị cung cấp bình nước nóng năng lượng mặt trời, doanh số bán hàng tại khu vực 2 xã đã tăng khoảng 20% so với các khu vực khác.

     Thành công khác là nhóm công tác năng lượng địa phương trở nên năng động và tích cực hơn. Trưởng nhóm LEP của 2 xã trở thành những nhà truyền thông đích thực, họ tự tin chia sẻ những thành công cũng như bài học kinh nghiệm từ việc áp dụng LEP đối với các cơ quan cấp cao hơn, bao gồm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội, cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, các nhà lập kế hoạch năng lượng tại các địa phương khác và các đoàn tới thăm quan vùng dự án. Đặc biệt, thành công của LEP tại Thái Bình đã được mở rộng ra 4 xã khác ở Nam Định và Thừa Thiên - Huế và Cà Mau.

     Từ thực tiễn áp dụng LEP tại các địa phương, GreenID cho rằng, LEP có thể được xem như một giải pháp giúp cụ thể hóa Chiến lược và Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh cấp cộng đồng mà chính phủ và các Bộ, ngành đang triển khai. LEP cũng sẽ giúp xây dựng hệ thống dữ liệu tin cậy cho các QHNL ở cấp cao hơn nhất là việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại các vùng nông thôn Việt Nam.

     Thông qua chương trình này, GreenID mong muốn giới thiệu một mô hình thực tiễn có thể áp dụng ở các vùng nông thôn Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam hướng tới giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý hiệu quả nguồn rác thải, xây dựng các cộng đồng xanh và Kinh tế xanh. Sự thành công của mô hình sẽ giúp tăng cường tính chủ động hưởng ứng hành động xanh của các địa phương và lồng ghép cách tiếp cận này vào chương trình phát triển nông thôn mới và phát triển Kinh tế xanh đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư.   

  

                Đức Anh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

Ý kiến của bạn