Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Phát triển du lịch sinh thái đi đôi với bảo vệ tài nguyên biển đảo Phú Quốc

18/07/2014

     Phú Quốc là huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, được mệnh danh là Đảo Ngọc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam, bao gồm 22 đảo, với diện tích tự nhiên 593,1km2, là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng, nguồn tài nguyên phong phú, Phú Quốc đang trên đà phát triển thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái quan trọng của Việt Nam.

     Tiềm năng tài nguyên rừng và sinh vật biển đảo

     Phú Quốc có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, tập trung ở phía Bắc và đông Bắc đảo. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 91/2001/QĐ-TTg chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Phú Quốc thành Vườn quốc gia Phú Quốc. Vườn có diện tích 31.422 ha, với 9 hệ sinh cảnh rừng, bao gồm: Rừng nguyên sinh cây họ dầu, rừng thưa cây họ dầu, rừng khô cạn, rừng thứ sinh ven biển, rừng núi đá, rừng tràm, rừng truông nhum, rừng ngập mặn và thảm thực vật trảng trang, sim mua.Trong đó, Vườn có 1.164 loài thực vật bậc cao có mạch (137 họ và 531 chi thực vật), với nhiều loại gỗ quý kên kên, trai, săng lẻ, vên vên, sao đen, sao đỏ, gõ đỏ, kim giao, cẩm thị… Khu hệ thực vật này có giá trị cao với 155 loài dược liệu quý như cam thảo, hà thủ ô, bì kỳ nam, nhân trần, đỗ trọng, sa nhân…Nguồn tài nguyên rừng nơi đây đã tạo cảnh quan rừng và sinh cảnh sống cho loài động vật hoang dã, với khu hệ động vật rừng được ghi nhận tại đây là 28 loài thú, 119 loài chim, 47 loài bò sát và 14 loài ếch nhái, trong đó có 42 loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới như nhông cát sọc, sóc đỏ Phú Quốc…

 

Dải san hô thuộc quần đảo An Thới ở phía Nam đảo Phú Quốc được xếp hàng đầu

ở Việt Nam về mức độ phong phú với nhiều loài sinh vật biển

    

     Không chỉ có tiềm năng về tài nguyên rừng, vùng biển Phú Quốc có tiềm năng sinh vật biển độc đáo, với 206 loài san hô, 135 loài cá san hô, 3 loài cá di cư, 132 loài thân mềm lớn, 9 loài giáp sát, 32 loài da gai và 6 loài thú biển. Đặc biệt, Phú Quốc là một trong hai vùng biển duy nhất của Việt Nam còn tồn tại loài bò biển (dugong), với số lượng ước tính khoảng 120 con, tuy nhiên loài bò biển cũng đang nằm trong danh mục bị đe dọa tuyệt chủng cùng với rùa biển và cá heo ở vùng biển này.

     Ngoài ra, Phú Quốc còn được coi là một ngư trường lớn về khai thác thủy sản, với trữ lượng ước tính 0,5 triệu tấn. Tổng lượng khai thác thủy sản tăng liên tục từ 59.000 tấn năm 2005 lên gần 125.000 tấn năm 2011.

     Tiềm năng về phát triển du lịch biển đảo Phú Quốc

     Du lịch là một trong những định hướng phát triển chính của đảo Phú Quốc.Trong hệ thống các khu du lịch, Phú Quốc có 15 khu du lịch sinh thái (điển hình như: Bãi Thơm, Gành Dầu, Rạch Tràm, Rạch Vẹm, Bài Dài, Vũng Bầu, Cửa Cạn, Bãi Ông Lang...); 2 khu du lịch hỗn hợp (Bãi Vòng, Vịnh Đầm); khu phức hợp (Bãi Trường) và nhiều điểm du lịch đặc trưng khác. Các hoạt động du lịch hấp dẫn du khách phải kể đến là: Lặn ngắm san hô biển ở đảo An Thới ở phía Nam, hòn Móng Tay và Đồi Mồi ở Bắc Đảo hay lên núi tắm suối, du khách sẽ được đắm mình cùng làn nước trong mát của các dòng suối và khám phá hệ thống sinh thái đặc thù của rừng nguyên sinh Phú Quốc.

     Do điều kiện ưu đãi về khí hậu, nên các hoạt động du lịch tại Phú Quốc được tổ chức quanh năm, thu hút một lượng lớn khách quốc tế. Theo Báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2013 đến nay, lượng khách du lịch đến đảo Phú Quốc tăng đột biến, tăng đến 100% so với cùng kỳ năm trước (năm 2012, lượng khách đến du lịch Phú Quốc là 400.000 lượt). Nhiều dự án xây resort, khách sạn cũng đã khởi công sau một thời gian im ắng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có 4 dự án khách sạn và resort được khởi công. Trong đó, dự án lớn nhất có diện tích 250 ha với số phòng lên đến 1.000, ba dự án còn lại có quy mô vừa phải. Một số dự án khác đang chuẩn bị. Phần lớn các du khách đến Phú Quốc bằng cảng hàng không. Dự kiến đến năm 2020 cảng hàng không Phú Quốc sẽ đạt công suất 2,65 triệu khách/năm và sau năm 2030 đạt công suất 7 triệu khách/năm. Hiện nay, Phú Quốc đã kết nối với các trung tâm du lịch lớn của cả nước như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

     Đề xuất các giải pháp BVMT và phát triển du lịch biển, đảo Phú Quốc

     Trong những năm gần đây, nguồn lợi kinh tế thu được từ hoạt động du lịch của đảo đã có mức tăng đáng kể, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã làm cho các hệ sinh thái, nguồn lợi sinh vật biển và đa dạng sinh học trong khu vực luôn chịu ảnh hưởng và suy giảm. Nhiều loại động vật quý hiếm, đặc hữu như bò biển đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các rạn san hô, thảm cỏ biển đang trong tình trạng mất cân bằng sinh thái và suy thoái nghiêm trọng. Hoạt động đánh bắt thủy, hải sản quá mức, bằng các hình thức hủy diệt (hóa chất, xung điện) cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

     Bên cạnh đó, vấn đề rác thải, nước thải tại các khu vực sản xuất, nuôi trồng thủy sản, các nhà hàng, khách sạn chưa qua hệ thống xử lý nước thải xả trực tiếp ra môi trường.

 

Phát triển du lịch sinh thái đi đôi với bảo vệ tài nguyên biển

 

     Ngoài ra, vấn đề quản lý dải ven biển và các đảo theo phương thức đa ngành, chưa được thống nhất quản lý theo phương thức tổng hợp nên hiệu quả chưa cao. Các giải pháp BVMT hài hòa với phát triển du lịch chưa được triển khai triệt để…

     Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo Phú Quốc bền vững kết hợp với BVMT, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước biển, trên các đảo; bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học biển, tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái biển trước tác động của biến đổi khí hậu, cần thực hiện các giải pháp sau:

     Lựa chọn loại hình quy mô du lịch hợp lý, có quy hoạch cụ thể trong xây dựng chiến lược khai thác tiềm năng du lịch biển, đảo Phú Quốc; Khai thác trọng điểm các điểm du lịch nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa; nâng cao chất lượng và tạo nét độc đáo các sản phẩm du lịch; xây dựng các tua du lịch hợp lý; xây dựng và hỗ trợ việc đăng ký thương hiệu sản phẩm du lịch…

     Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đảm bảo tăng trưởng bền vững và tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường; Từng bước hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải;

     Chú trọng phát triển các chính sách bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển. Đây là biện pháp giảm thiểu áp lực đối với nguồn tài nguyên và BVMT biển, qua việc thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp, triển khai các mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển.

     Hoàn thiện và vận hành thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; Phân vùng chức năng và khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý; Khuyến khích sử dụng các loại tài nguyên tái tạo;

     Tăng cường công tác bảo tồn biển, các chế tài bảo vệ hệ sinh thái rừng, biển và các loại động vật quý hiếm; Bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác BVMT.

     Huy động nguồn lực trong xã hội, từ các thành phần kinh tế, nguồn vốn ODA và hỗ trợ của các nước đầu tư cho điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên và BVMT biển;

     Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên và BVMT biển, hải đảo, hợp tác trong việc khai thác, sử dụng, tài nguyên biển; tham gia lớp đào tạo quốc tế. Các diễn đàn, hội thảo có sự tham gia của các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, quản lý về biển trên thế giới.

 

Nguyễn Thị Phượng

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn