Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nét đẹp văn hóa kết hợp với tâm linh trong bảo vệ và phát triển rừng

13/03/2015

     Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau, sinh sống trong điều kiện tự nhiên rất đa dạng, từ ven biển, đồng bằng, trung du đến vùng núi cao. Để tồn tại và phát triển, các tộc người ở nước ta đã có nhiều cách ứng xử phù hợp với thiên nhiên, điển hình là các luật tục, các tri thức bản địa gắn với tâm linh để một mặt có thể khai thác các nguồn tài nguyên mà thiên nhiên đã ưu đãi dành cho họ, nhưng đồng thời cũng bảo vệ được nguồn tài nguyên này để cho con cháu mai sau vẫn được hưởng thụ.

 

Lễ cúng thổ địa của người dân địa phương

 

     Đỉnh cao của ý thức bảo vệ rừng là sự hình thành những hương ước bảo vệ rừng ở thôn, bản. Quá trình xây dựng hương ước đã thể hiện nhiều mặt tích cực mang tính truyền thống: Đó là tính cộng đồng (mọi người tự giác tham gia xây dựng và thực hiện), tính nhân bản và hợp lý (đề cao trách nhiệm, hình phạt có lý, có tình). Có thể nêu ra một số ví dụ:

     Các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn được đánh giá là điển hình trong việc xây dựng hương ước bảo vệ rừng.

     Hương ước thường do trưởng bản và những người già trong bản chịu trách nhiệm. Hương ước được nhắc nhở vào các dịp sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt vào dịp cúng Thó tỷ (Thổ địa) lúc đầu năm. Thó tỷ, theo quan niệm của các dân tộc Tày, Nùng là vị thần bảo vệ cho cuộc sống không chỉ của con người mà còn cả mùa màng, gia súc và cây rừng ở một khu vực cư trú nhất định. Chỗ cúng Thó tỷ có cây cối um tùm, rậm rạp, người ta xây một cái miếu nhỏ, bên trong chỉ đặt một ống hương. Đây là nơi thiêng liêng, cấm mọi người không được chặt cây cối, lấy củi, không được chăn thả gia súc. Theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng nếu ai vi phạm sẽ bị động thổ, nghĩa là cuộc sống của cư dân trong khu vực ấy sẽ không được bình yên.

     Luật tục của người M’nông cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên là một bộ phận đặc sắc của văn hóa dân gian. Với người M’nông, quản lý lửa rừng trong mùa đốt rẫy là việc hệ trọng. Họ hiểu rất rõ mất rừng là hết nước, hết củi gỗ và mất đất để phát rẫy vào vụ sau. Vì vậy, luật tục M’nông đã có điều luật ngăn cấm việc đốt rẫy làm cháy lan sang rẫy khác. Người M’nông khuyến khích làm rẫy gần nhau thành một khu lớn để thú rừng không ăn nổi, sâu bọ phá không xuể. Nhưng đốt rừng ở gần nhau thường gây cháy lan rộng sang các khu vực khác. Trong trường hợp như vậy, thủ phạm gây ra cháy rừng phải chịu tội, phải cúng tạ lỗi, đền bù. Nhưng sự đền bù chỉ có tính răn đe, không được bắt đền quá nhiều để giữ hòa khí trong buôn, làng.

 

Nhờ luật tục kết hợp với tâm linh mà các khu rừng được bảo tồn nguyên vẹn

 

     Vì nhận thức rừng là của chung nên nhiệm vụ bảo vệ rừng là của cả cộng đồng. Ai thấy cháy rừng mà không dập tắt là hành vi phạm tội lớn. Tuy nhiên, tội danh này không bị phạt đồ cúng tế hay đền bù vật chất cụ thể mà khung hình phạt là lời khuyên, lời cảnh tỉnh chí tình, chí lý để ai cũng phải tự giác bảo vệ rừng, mái nhà chung của nhiều thế hệ.

     Một hình thức bảo vệ rừng gắn với tâm linh, đó là nhiều địa phương (chủ yếu ở vùng núi phía Bắc) có những khu rừng được gọi là rừng thiêng hay rừng ma. Tại xã Mường Lựm, huyện Yên Châu tỉnh Sơn La, có một khu rừng được gọi là rừng thiêng. Khu rừng thiêng này nằm không xa khu dân cư hiện đang tồn tại một quần thể du sam núi đất hàng trăm cây, có chiều cao đến 35 m, đường kính từ 1 - 1,5 m có tuổi thọ 200 - 300 năm. Du sam núi đất hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (năm 2007).

     Mặc dù khu rừng gần như được bao bọc bởi những bản làng, nhưng trải qua vài thế kỷ không hề bị chặt phá vì theo người dân, đây là khu rừng thiêng nên không ai dám chặt phá.

     Tại xã Kim Loan, thuộc huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng có một khu rừng nghiến trên núi đá vôi. Nghiến cũng là loài cây gỗ quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (2007). Khu rừng nghiến được đánh giá có hàng trăm cây tuổi thọ 200 - 300 năm, cao 25 - 30 m, đường kính 1 - 1,5 m. Khu rừng này được người dân địa phương đặt tên là rừng ma vì đây là nơi dành để mai táng trẻ sơ sinh xấu số. Đặc biệt là các hài nhi sau khi chết được đặt vào một chiếc rọ đan bằng tre, sau đó đem treo trên cây nghiến, thường là những cây cổ thụ.

     Rừng ma, nơi yên nghỉ của những hài nhi xấu số với những cây nghiến đại thụ trở thành vương quốc của các loài rắn độc. Rất ít người có đủ can đảm vào khu rừng này phần vì sợ ma, phần vì sợ rắn độc.

     Tại thôn Tắn Khâu, xã Phú Nam, huyện Bắc Mê, cách thị trấn Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) chưa đầy 20 km, có một quả đồi hiện đang tồn tại một quần thể chò chỉ với hàng trăm cây, cao tới 35 - 40 m, đường kính từ 1 - 1,5 m. Chò chỉ cũng được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (2007) vì đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Được biết, khu rừng này cũng được gọi là rừng thiêng. Vừa qua, Hội đồng Cây di sản Việt Nam (thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã làm lễ tôn vinh quần thể cây chò chỉ ở đây là Cây di sản Việt Nam.

     Chắc chắn còn rất nhiều khu rừng thiêng, rừng ma trên mọi miền đất nước mà trong phạm vi bài báo này không thể kể hết được. Nhưng có một điều cần phải khẳng định là nhờ những hương ước, luật tục kết hợp với tâm linh mà các khu rừng thiêng, rừng ma với nhiều quần thể cây quý hiếm, đại thụ đã được bảo tồn, bảo vệ. Đấy là nét đẹp văn hóa gắn với tâm linh của các cộng đồng đã góp phần bảo tồn những di sản quý báu của dân tộc, đồng nghĩa với việc bảo vệ và phát triển rừng.

 

CN. Vũ Thị Cúc

TS. Lê Trần Chấn

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

Ý kiến của bạn