Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Lập Thạch tăng cường bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

07/09/2014

     Lập Thạch là một huyện miền núi, thuần nông của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong những năm qua, cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn trên địa bàn gia tăng đã làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Để nâng cao hiệu quả BVMT nông thôn, từ năm 2011, UBDN, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã nâng cao ý thức BVMT nông thôn. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, hầu hết các xã trên địa bàn toàn huyện chủ động phát huy sức mạnh toàn dân, từng bước hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu về môi trường (tiêu chí 17/19) là tiêu chí khó thực hiện nhất trong Chương trình xây dựng NTM.

     Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác BVMT, UBND huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư cho các công trình về môi trường như: Công trình cấp nước sạch nông thôn; xây dựng nghĩa trang nhân dân và xây dựng các khu chôn cất tập trung, bãi xử lý rác thải cho các xã; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; di chuyển chuồng nuôi nhốt gia súc gia cầm ra xa khu dân cư.

     Kết quả bước đầu cho thấy, về cơ sở văn hóa và vật chất cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu trong Chương trình xây dựng NTM, huyện đã vận động nhân dân nâng cấp nhà ở, công trình phụ hợp vệ sinh, đến nay 100% các hộ dân đã có nhà tiêu đảm bảo vệ sinh môi trường, 69,73 hộ dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hoàn thành tiêu chí môi trường, năm 2013 toàn huyện đã có 3 xã (Thái Hòa, Tử Du và Đình Chu) được chọn làm mô hình điểm trong Chương trình xây dựng NTM toàn tỉnh. Tại các xã điểm, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã triển khai cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không 3 sạch" tới 100% chi hội; vận động hội viên đóng góp 240 triệu đồng, 920 ngày công lao động xây dựng nhà văn hóa các thôn, đào 230 hố rác tại các hộ gia đình và vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh vào ngày thứ 6 hàng tuần. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền nội dung xây dựng nông thôn mới lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Hội, thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên tham gia.

 

Các hộ dân huyện Lập Thạch hiến đất làm đường xây dựng NTM

 

     Nhờ công tác dân vận, nhân dân trong huyện đã hiến trên 150.000 m2 đất, đóng góp hơn 9,3 tỷ đồng và 7.829 ngày công xây dựng NTM. Toàn huyện đã triển khai xây dựng hơn 1.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo theo Chương trình 167 của Chính phủ, góp phần đưa tổng số nhà ở dân cư đạt chuẩn theo tiêu chí NTM lên 28.069 nhà. Các đường giao thông liên xã, liên huyện được bê tông hóa. 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện đầy đủ các cam kết BVMT.

     Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo các xã kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công, đến nay tình trạng vận chuyển đất trái phép cho các lò gạch thủ công đã chấm dứt. Các hoạt động phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phòng ngừa, ngăn chặn nạn phá rừng, phục hồi nhanh diện tích rừng trồng được chú trọng.

     Đối với các khu chăn nuôi tập trung, các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ tại các xã, thị trấn, hầu hết các hộ chăn nuôi đã đầu tư, áp dụng công nghệ xử lý chất thải. Trong tổng số 17.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, có hơn 11.000 hộ chăn nuôi có chuồng, trại hợp vệ sinh và trên 1.700 hộ xây dựng hầm khí biogas, nhờ đó nước thải, chất thải trong quá trình chăn nuôi được xử lý triệt để, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.

      Bên cạnh đó, lượng rác thải trên địa bàn toàn huyện cũng đã được thu gom, xử lý. Hiện tại toàn huyện có 19/20 xã, thị trấn đã quy hoạch và tiến hành xây dựng khu tập kết rác thải tập trung với tổng số 42 bãi rác, diện tích 32.000m2. Các thôn đều thành lập các tổ thu gom rác. Mỗi tổ đều được trang bị quần áo bảo hộ lao động và xe thu gom rác, hàng ngày rác được thu gom theo giờ đã quy định nên không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi trong khu dân cư.

      Để công tác vệ sinh môi trường được thực hiện hiệu quả, các xã (Xuân Hòa, Bắc bình, Văn Quán, Tiên Lữ, Đồng Ích, Thái Hòa, Vân Trục) đã bổ sung thêm nghành nghề kinh doanh vệ sinh môi trường cho Hợp tác xã dịch vụ hiện có, một số địa phương còn lại cũng đang triển khai đề án thành lập mới hợp tác xã vệ sinh môi trường.

     Bên cạnh các kết quả đạt được về công tác thu gom rác, khó khăn lớn nhất tại các xã là hiện nay chưa có biện pháp xử lý triệt để, rác thải sau khi được thu gom đổ ra các khu đồng xa khu dân cư, mới chỉ được chôn lấp hoặc đốt nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, mặc dù các xã đều có nghĩa trang nhân dân, nhưng phần lớn chưa quy hoạch đường đi, trồng cây xanh và rào ngăn thích hợp, chưa xây dựng hệ thống rãnh thoát nước nên vẫn còn tình trạng nước ngập ứ đọng vào mùa mưa.

     Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời phấn đấu 100% các xã trên địa bàn huyện hoàn thành các nội dung của tiêu chí môi trường vào năm 2015, UBND huyện triển khai nhiều giải pháp tăng cường BVMT nông thôn như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cam kết BVMT, đề án BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

     Bố trí đủ cán bộ làm công tác môi trường cho cấp huyện và cấp xã; thường xuyên tập huấn cho các cán bộ phụ trách môi trường cấp cơ sở để nâng cao trình độ quản lý và BVMT tại địa phương;

     Phòng TN&MT huyện phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các nội dung liên quan đến BVMT; các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Giờ trái đất, Tuần lễ nước sạch quốc gia và vệ sinh môi trường; các phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, Nói không với túi ni lông, Tuyến đường Phụ nữ tự quản về môi trường…; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành vi, thói quen tốt BVMT trong quần chúng nhân dân;

      Triển khai Đề án xây dựng công trình xử lý rác thải hợp vệ sinh và đưa vào sử dụng trạm xử lý rác thải bằng công nghệ mới tại thị trấn Lập Thạch; Quy hoạch bãi xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại tại Thị trấn Hoa Sơn; Trồng cây xanh nhằm giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi tại các đường giao thông; Tôn tạo, sửa chữa , quy hoạch đường đi, xây dựng hệ thống rãnh thoát nước cho các khu nghĩa trang…

 

 Lê Thương

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014

 

 

Ý kiến của bạn